ClockThứ Ba, 04/10/2022 14:52

Vươn tầm “Trung tâm y tế chuyên sâu” - bài 2: “Ong chúa” và sự liên kết 3 trụ cột

TTH - “Không có Bệnh viện Trung ương Huế, không có Trường ĐH Y Dược Huế thì ngành y tế Thừa Thiên Huế không hơn gì nhiều so với các địa phương khác và không có nền tảng xây dựng “Trung tâm y tế chuyên sâu”. Do vậy, giữa y tế địa phương và các cơ quan y tế trung ương phải là mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ, sẵn sàng chia sẻ các nguồn lực và tạo được sức mạnh cộng hưởng vượt trội cho toàn ngành”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Vươn tầm “Trung tâm y tế chuyên sâu” - Bài 1: Gỡ các “nút thắt” cho y tế địa phương

Chăm sóc sức khỏe dự phòng cho người cao tuổi. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế cung cấp

Giữ thương hiệu “Bác sĩ Huế”

 “Lò” đào tạo bác sĩ ở Huế trình làng từ tháng 3/1957 khi Trường đại học Y khoa Huế chính thức được thành lập. 65 năm qua, Huế là một trong 3 lò đào tạo bác sĩ hàng đầu cả nước, đã “xuất lò” hơn 32.000 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân và hơn 13.000 học viên sau đại học các hệ đào tạo. Cùng với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Huế có uy tín là cái nôi đào tạo bác sĩ hàng đầu trong nước. Nhưng trước khi có trường Y, đất Cố đô đã nổi tiếng với nhiều bác sĩ tên tuổi. Tiêu biểu như bác sĩ Hồ Đắc Di - người Việt duy nhất trước năm 1945 được Hội đồng Giáo sư Trường đại học Y Dược Hà Nội bầu làm PGS, rồi GS; GS. Tôn Thất Tùng – người nổi danh trong lĩnh vực nghiên cứu về gan; hay bác sĩ Lê Khắc Quyến - nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cũng là người có những tác động mang tính quyết định đến việc ra đời của ĐH Y khoa Huế. Thương hiệu “Bác sĩ Huế” càng được khẳng định cùng với sự phát triển không ngừng của Bệnh viện Trung ương Huế - Bệnh viên Tây y đầu tiên ở Việt Nam và là bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế.

Với vai trò hạt nhân trong mục tiêu xây dựng “Trung tâm y tế chuyên sâu”, Bệnh viện Trung ương Huế rất quan tâm đến công tác đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất, trang, thiết bị y tế hiện đại và triển khai các kỹ thuật cao mang tầm quốc gia và quốc tế. Quá trình đó, nhiều kỹ thuật chuyên sâu khẳng định vị thế hàng đầu trong khu vực và cả nước đã ghi dấu, như: phẫu thuật nội soi lấy thận đầu tiên ở Việt Nam; ghép tủy xương lần thứ 2 ở Việt Nam; xạ trị gia tốc; ghép tim từ người chết não do êkip Việt Nam đầu tiên tiến hành; ghép tế bào gốc điều trị hỗ trợ ung thư buồng trứng và ung thư vú; phẫu thuật nội soi 3D, ghép khối tim phổi xuyên Việt; xạ nhi; nội soi 4K; lần đầu tiên ghép thận thành công từ người hiến tạng chết não; thực hiện ca ghép tim xuyên Việt lập 2 kỷ lục về thời gian tim đập lại ngắn nhất và thời gian mổ ngắn nhất… Bệnh viện Trung ương Huế hiện đang có tổng số giường thực kê quy mô nhất nước, với hơn 4.530 giường.

Trong rất nhiều dòng thư cảm ơn gửi đến Bệnh viện Trung ương Huế sau ngày xuất viện, chị Nguyễn Thị Thúy My (Kon Tum) xúc động: Có đi cùng con điều trị dài ngày tại đây mới thấu hiểu nỗi vất vả, cực nhọc của các y, bác sĩ khi phải mất ngủ vì thức đêm và áp lực căng người. Sau cùng có thể gom hết vào một lời: “Trân trọng cảm ơn!”. Chị Thúy My và con gái Thúy N. (12 tháng tuổi) đến với Bệnh viện Trung ương Huế khi bé được tiếp nhận điều trị các khối u nguyên bào thận rất to ở cả hai bên. U nguyên bào thận là u ác tính hay gặp nhất trong số các khối u nguyên phát của thận ở trẻ em. Trong đó, u nguyên bào thận hai bên chiếm tỉ lệ nhỏ, khoảng 5%. Những trường hợp này, việc cắt bỏ u bảo tồn thận là vấn đề hết sức phức tạp. Nếu không bảo tồn được thận, bệnh nhi có thể suy thận và tử vong.

Các chuyên gia thực hiện ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế cung cấp 

Với Thúy N., điều may mắn nhất là con đã được các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với các chuyên gia quốc tế cùng hội chẩn, hỗ trợ và thống nhất thực hiện phương án điều trị tối ưu nhất. Nhờ đó, sau khi được Bệnh viện Trung ương Huế hóa trị thu nhỏ khối u, Thúy N. đã được gửi đến Trung tâm Nghiên cứu và điều trị ung thư Nhi St.Jude Children’s Research Hospital (Mỹ) để phẫu thuật. Sau cuộc phẫu thuật và thời gian điều trị dài cả tháng, Thúy N. được bảo tồn 1/2 thận phải và 3/4 thận trái. Thành công trong điều trị cho Thúy N. không chỉ là niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình, mà còn là dấu ấn quan trọng mở ra nhiều cơ hội cho các bệnh nhân khác, từ sự hợp tác quốc tế giữa Bệnh viện Trung ương Huế với các đối tác trên thế giới.

Tạo thế “ong chúa”

Xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu và thúc đẩy y tế trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, Thừa Thiên Huế xác định rõ 5 chiến lược, gồm: Đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực và cả nước; thực hiện khám, chữa bệnh chất lượng cao; phát triển công nghiệp dược liệu, dược phẩm; ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; phát triển ngành du lịch y tế. Nói chuyện với đội ngũ cán bộ chủ chốt ngành y tế Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nêu rõ: Y tế Thừa Thiên Huế có nền tảng, có thương hiệu, thị trường và nguồn nhân lực. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải kết nối như thế nào giữa y tế địa phương và y tế trung ương trên địa bàn, để vươn đến mục tiêu xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu với những gì đã từng có, đang có và sẽ có. Rõ ràng, nếu Thừa Thiên Huế không tận dụng vai trò của Bệnh viện Trung ương Huế và Trường ĐH Y Dược Huế để phát triển ngành y địa phương là sai lầm. Thậm chí là thất bại.

Trước những lo ngại về vấn đề “chảy máu chất xám” trong ngành y, đồng chí Phan Ngọc Thọ nêu rõ: Thừa Thiên Huế là một trong những cái nôi đào tạo nguồn nhân lực thì phải chấp nhận lan tỏa nhân tài và tuần hoàn chất xám. Nhưng với mục tiêu xây dựng thành trung tâm y tế chuyên sâu, ngành y tế Thừa Thiên Huế phải có chính sách cụ thể để thu hút nhân tài. “Tôi đã từng đặt vấn đề với GS. Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, chúng ta phải nhấn mạnh với nhau rằng, ai đi đâu thì đi nhưng phải hạn chế để những người đầu ngành ra đi. Người đầu ngành như những con ong chúa vậy. Không giữ được họ, chúng ta sẽ mất nhân lực cho trung tâm y tế chuyên sâu. Đây là nguy cơ hiệu hữu”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Trăn trở với nguồn nhân lực cho y tế chuyên sâu của Thừa Thiên Huế, GS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh gợi ý: Hiện nay, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh có rất nhiều hội chuyên ngành y và tập hợp được một lực lượng rất nhiều các nhà khoa học của ngành y, gồm GS, PGS, TS, Ths. BSCKII, BSCKI… Từ những vốn quý này, nếu lãnh đạo tỉnh kết nối được sức mạnh tri thức của họ thì đây là một lợi thế rất lớn cho “ngôi nhà chung” Thừa Thiên Huế. Thêm vào đó, bên cạnh những cán bộ, viên chức đang công tác, Thừa Thiên Huế còn có một lực lượng lớn tri thức hưu trí là các thầy, cô, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, bác sĩ… Rất nhiều người trong số họ, ngay khi nghỉ hưu đã nhận lời mời cộng tác của các địa phương khác. Nhưng một số khác lại từ chối lời mời vì muốn gần nhà và tiếp tục cống hiến cho Huế trong khả năng có thể. “Việc nguồn nhân lực được đào tạo từ Thừa Thiên Huế hay có bề dày công tác ở Thừa Thiên Huế mà địa phương khác cần là rất tốt. Nhưng tôi nghĩ, trước hết Thừa Thiên Huế cần có biện pháp cụ thể để quan tâm đối với lực lượng này, nhất là ở phương diện ứng xử và tạo điều kiện làm việc để lực lượng tiếp tục được cống hiến, đóng góp nhiều nhất có thể”, GS. Dàng nói.

Sau một năm triển khai Nghị quyết 08-NQ/TU, vai trò “nhạc trưởng” của Tỉnh ủy với mục tiêu Thừa Thiên Huế xứng tầm trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước và khu vực ngày càng quyết liệt. Sau cùng, xin mượn lời tâm sự của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ với đội ngũ cán bộ chủ chốt của ngành y tế thay lời kết: “Mỗi cán bộ, viên chức có nhận ra vai trò, trách nhiệm của mình trong Nghị quyết 08-NQ/TU không? Nếu không thì nguy. Mỗi người phải coi mình là một phần nhân sự trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết 08-NQ/TU và có tâm thế của người trong cuộc thì việc thực thi Nghị quyết mới thành công. Sự nhập cuộc đồng thuận ấy sẽ tạo cho chúng ta sức mạnh mềm, lan tỏa và đóng góp cho ngành y ngày càng phát triển”.

Thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về y tế chuyên sâu, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 9/8/2021 với mục tiêu: Tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống y tế địa phương bảo đảm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; Xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế là trung tâm y học chuyên sâu của cả nước, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; có cơ sở vật chất và trang, thiết bị hiện đại, đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế; Phát triển Trường Đại học Y Dược Huế theo mô hình “Trường - Viện” cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế; Hình thành khu y tế công nghệ cao.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người thanh niên đưa “Chậu Huế đắp tay” vươn tầm cả nước

Với suy nghĩ “Cây quý phải đứng trong chậu đẹp”, Hoàng Công Toàn (SN 1992, trú thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) - một thanh niên sau khi tốt nghiệp ngành mỹ thuật và nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực cây cảnh nghệ thuật đã quyết tâm lập nghiệp bằng dự án “Chậu Huế đắp tay thủ công”.

Người thanh niên đưa “Chậu Huế đắp tay” vươn tầm cả nước
Liên kết & nâng tầm thương hiệu

Câu chuyện về liên kết để nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề đã và đang được các doanh nghiệp (DN), làng nghề triển khai nhằm hiện thực hóa mục tiêu mở rộng cơ hội giao thương, góp phần bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống.

Liên kết  nâng tầm thương hiệu
Phát huy lợi thế liên kết để phát triển du lịch

Liên kết đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch phát triển. Năm 2024, với vai trò là trưởng nhóm liên kết phát triển du lịch 5 địa phương ở miền Trung, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đề xuất và triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết, xúc tiến quảng bá du lịch, góp phần phát triển ngành công nghiệp không khói.

Phát huy lợi thế liên kết để phát triển du lịch
Liên kết trồng nấm phát triển kinh tế

Đối với hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, chị Văn Thị Dịu, Chi hội trưởng Chi hội thôn Trung Kiều, không những là một tấm gương về cán bộ hội năng động, nhiệt tâm mà chị còn là một điển hình kinh tế giỏi. Từ mong muốn vươn lên làm giàu từ chính nghề nông, chị đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật và xây dựng mô hình trồng nấm sạch. Đến nay, mô hình trồng nấm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Liên kết trồng nấm phát triển kinh tế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top