ClockChủ Nhật, 10/03/2019 18:36
Đảm bảo cảnh quan môi trường du lịch:

Vừa tuyên truyền vừa có chế tài xử lý

TTH - Ngày 10/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung cùng lãnh đạo Công an tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND TP. Huế tiến hành kiểm tra đột xuất một số điểm du lịch trên địa bàn thành phố về công tác đảm bảo an toàn, môi trường du lịch. Qua quá trình kiểm tra, nhiều tồn tại được chỉ ra và cần sớm được khắc phục.

Giữ môi trường du lịch lành mạnhBali áp thuế du lịch với khách nước ngoài để bảo vệ môi trườngĐảm bảo an ninh trật tự trong du lịch

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung (giữa) yêu cầu phải niêm yết, công khai giá các mặt hàng lưu niệm

Không giá, không rõ xuất xứ

Tại Bến thuyền du lịch Tòa Khâm, khi kiểm tra đột xuất một thuyền rồng đang đậu tại bến, đoàn đã phát hiện rất nhiều bất cập, như chủ thuyền thay đổi thiết kế khiến chất thải sinh hoạt lẫn chất thải vệ sinh thải trực tiếp ra môi trường; thuyền có áo phao, nhưng mang tính đối phó; thiết bị phòng chống cháy nổ không đảm bảo, thậm chí chủ thuyền còn không biết cách sử dụng; tình trạng chèo kéo khách tại bến thuyền làm du khách khó chịu…

Trên thuyền có bán nhiều mặt hàng lưu niệm, tuy nhiên, tất cả đều không niêm yết, công khai giá rõ ràng; các mặt hàng được bày bán cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ thuyền này cho biết, các mặt hàng chủ yếu lấy lại từ chợ Đông Ba, nên không biết nguồn gốc ở đâu. Còn giá cả thì thuận mua vừa bán, khi khách hỏi mới thông báo giá. Các thuyền rồng hiện nay đều như thế, chứ không riêng gì chủ thuyền này.

Tại chùa Thiên Mụ, tình trạng không niêm yết giá và bán hàng không rõ nguồn gốc tương tự xảy ra. Điều đáng nói là tại đây rất nhiều cửa hàng và số lượng các mặt hàng lớn hơn rất nhiều, nhưng lại không có bất kỳ một sản phẩm có ghi rõ giá bán. Chủ một cửa hàng chống chế, trước đây có niêm yết, lâu ngày các mặt hàng đưa ra trưng bày bán, tối đưa vào nên miếng giấy ghi giá bị mất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung yêu cầu, tình trạng bán hàng không công khai giá cần được khắc phục ngay. Đối với một mặt hàng, bán với giá bao nhiêu là quyền của chủ, nhưng phải ghi giá cụ thể để khách dễ lựa chọn và không có cảm giá bị lừa. Các chủ cửa hàng cũng cần tìm hiểu và lựa chọn những mặt hàng về Huế để bán cho khách; qua đó, giới thiệu và quảng bá văn hóa Huế đến với khách, bởi chính những người chủ kinh doanh đang đại diện cho Huế làm việc này.

Kiểm tra tình trạng an ninh, trật tự tại cửa Hiển Nhơn (Đại Nội), tình trạng xe dù, xe kinh doanh trá hình đưa, đón khách không đúng nơi quy định; xe taxi, ô tô con, ô tô 16 chỗ ngồi và 29 chỗ ngồi đậu đỗ dày đặc trên đường Đoàn Thị Điểm, Đinh Công Tráng quá lâu gây ra tình trạng kẹt xe. Dù tại khu vực này có biển báo các xe chỉ được đậu 5 phút để đón khách, nhưng thời gian đoàn kiểm tra lưu lại khu vực này gần 30 phút nhưng các xe vẫn đậu và không hề di chuyển.

Tình trạng đậu, đỗ không đúng quy định tại khu vực cửa Hiển Nhơn diễn ra phức tạp

Vừa tuyên truyền, vừa xử lý

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, để kiểm soát trật tự, tránh ùn tắc và kẹt xe tại khu vực cửa Hiển Nhơn thì lực lượng công an cần tăng cường kiểm tra; đồng thời, phối hợp với UBND phường Thuận Thành để có sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Ngoài ra, UBND TP. Huế cần lắp đặt hệ thống camera tại khu vực này để kiểm soát.

Liên quan đến tình trạng chèo kéo, đảm bảo an toàn tại Bến thuyền Tòa Khâm, Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, việc chưa rõ ràng trong quản lý dịch vụ thuyền rồng và ca Huế trên sông Hương là nguyên nhân diễn ra tình trạng này. Với dịch vụ ca Huế có các đơn vị bán vé riêng, các chủ thuyền bán vé lên thuyền riêng, điều này phát sinh khoảng trung gian, cò mồi, làm đội chi phí cho du khách và gây thiệt hại cho cả chủ thuyền. Do đó, các dịch vụ cần đưa về một đầu mối quản lý, khi có những việc liên quan xảy ra cũng dễ xử lý, còn như hiện nay, đang có tình trạng “đổ” trách nhiệm cho nhau.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung yêu cầu các cơ quan liên quan phải tăng cường thanh kiểm tra các thuyền rồng đang hoạt động kinh doanh du lịch hiện nay. Đối với các thuyền thay đổi thiết kế, vi phạm các thiết kế khi đăng kiểm, nhất là thay đổi hệ thống nhà vệ sinh (nhằm mục đích "giản tiện" để tiết giảm chi phí) thì phải đình chỉ và không cho hoạt động. Khi khắc phục các thiết kế mới được hoạt động trở lại.

Đối với các hộ kinh doanh mặt hàng lưu niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan tăng cường tuyên truyền các quy định hiện hành cho người dân biết, nhất là quy định kinh doanh phải có niêm yết giá công khai. Sau quá trình tuyên truyền, giải thích nếu các hộ kinh doanh còn vi phạm thì phải có những giải pháp quyết liệt hơn. Hộ kinh doanh nào còn cố tình vi phạm bán hàng không rõ giá, không rõ nguồn gốc thì có thể thu hồi tất cả các sản phẩm.

Du khách đến Huế mỗi ngày mỗi tăng, do đó Huế đang quyết tâm xây dựng điểm đến thân thiện, an toàn và mến khách. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung còn yêu cầu UBND TP. Huế tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, huy động các lực lượng ra quân làm vệ sinh tại các điểm du lịch, tạo được thiện cảm tốt hơn đối với du khách.

Tại chùa Thiên Mụ, các bảng chào đón khách nơi đây đều ghi sai chính tả chữ “welcome” thành chữ “welcom”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung yêu cầu phải xử lý ngay trong ngày 11/3, đây là vấn đề mà các cơ quan cần nhìn nhận lại trách nhiệm, bởi các bảng này đã được yêu cầu khắc phục hai năm trước trong một đợt kiểm tra.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình
Return to top