ClockThứ Tư, 27/04/2011 22:05

Vị ớt cay nồng

TTH - Tôi có anh bạn cùng cơ quan rất thích ăn cay. Cùng đi công tác, tôi giật mình khi phát hiện ra sở thích này của anh. Vào các quán hàng ăn, câu hỏi đầu tiên bao giờ của anh là xin ớt, phải là loại ớt “chỉ trời”, bé xíu mà cay điếc lỗ tai thì anh mới vừa bụng.

Chuyện mới đây đi công tác với anh ở miền Nam, buổi trưa ghé lại một quán cơm ven đường tận Cần Thơ, cô bé phục vụ bàn nhìn anh ăn ớt ngon lành đã buột miệng kêu lên “chú ăn ớt mà cứ như ăn dưa leo”, lạ quá, khiến mọi người không nhịn được cười. Tôi nghĩ, ăn ớt đã trở thành thói quen, món ăn khoái khẩu, thấm vào máu, vào thịt của anh bạn tôi mất rồi.

Cũng là chuyện ăn ớt. Dạo đất nước còn khó khăn, tôi có anh bạn cùng lớp gia đình rất nghèo, cả tháng bữa đói bữa no. Cơm bữa cũng chỉ lưng bát với đủ thứ độn, nào sắn, nào khoai, rồi cả ớt nữa. Nghe chuyện lạ tai, tôi thắc mắc thì được anh giải thích. Rằng, ăn ớt (loại ớt Cu ba) thiệt cay để mà uống nước cho no bụng. Lý sự đến vậy thì tôi biết có “ừ” và tràn đầy thông cảm. Có điều chuyện cứ ám ảnh, khiến tôi nhớ mãi. Âu cũng là sự đắc dụng của trái ớt ở vào một thời điểm khó khăn của đất nước.
Bỏ qua cái chuyện ăn ớt để đánh lừa cái miệng, cái bụng của anh bạn nhỏ ngày xưa thì chuyện ăn cay, ăn nhiều ớt đã trở thành đặc trưng của người Huế ta. Nhớ lần đầu tiên ra Hà Nội, vào quán cơm tôi bất ngờ khi nghe bà chủ quán đon đả: “Mấy chú ở Huế ra phải không”. “Răng biết ?”. “Chỉ có người Huế mới ăn ớt nhiều thế”. Thì ra nãy giờ bà đã chú ý quan sát chúng tôi. Tôi đọc sách, xem ra, ngôn từ để diễn tả cái cảm giác cay thì người Huế ta có đủ cả, toàn cảm giác mạnh, phi xứ Huế ra không mấy ai dùng, kiểu như: cay sướng miệng, cay đã đời, cay điếc mũi, cay điếc tai, điếc óc...
Nghiên cứu về món ăn Huế, thấy người Huế ta dùng nhiều gia vị, mỗi món có những gia vị khác nhau nhưng đứng hàng thứ nhất phải kể đến là ớt. Ý chừng, Huế ăn gì cũng cay. Buổi sáng ăn đọi cơm hến, tô bún bò, bát bánh canh, nước dùng đỏ rực, vừa ăn vừa xuýt xoa hít hà. Buổi trưa ăn cơm “bụi” cũng thấy đầy vị ớt. Chiều tối bạn bè loanh quanh rủ nhau đi ăn bánh nậm, lọc hay bánh khoái, không có cái gì không cay, cay từ trong ra ngoài, cay trong vị nước chấm, trong chén nước lèo… Ớt được trồng khắp nơi. Tôi nghe chuyện, người Huế còn có bí quyết bón bằng… phân gà để tăng độ cay cho ớt.
Có người bảo xứ Huế ta lạnh nên ăn nhiều ớt. Gặp buổi mưa rét, người ta tìm đến những món cay và nóng hổi như ớt như để tìm một chút hơi ấm cho cuộc sống đời thường. Cũng có những người bảo xứ Huế, xưa là châu Ô, châu Lý núi rừng ác địa, nhiều chướng khí nên ăn ớt nhiều cũng là cách phòng chữa bệnh. Lâu dần thành quen. Bách khoa toàn thư Việt Nam có lời rằng, ớt là vị thuốc bổ cho con người vì chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Xem chừng cũng có lý nhưng chưa đủ sức thuyết phục. Huế ta đâu quá lạnh và Huế mình mấy trăm nay rồi là thủ phủ, từng là kinh đô của đất nước. Tôi như tìm thấy có sự đồng điệu giữa phong cách Huế với hương vị cay nồng của ớt.
Bất chợt tôi lại hình dung đến sắc màu và hương vị của ớt. Nào ớt bột, nào tương ớt, nào ớt xào, ớt chưng, ớt làm nước màu cho một số món ăn…Cũng bất chợt tôi mường tượng đến đĩa rau sống của người Huế với những “biến tấu” của ớt: ớt chẻ, ớt lát… đỏ tưng bừng lẫn trong muôn sắc của các thứ rau quả. Festival Nghề truyền thống Huế 2011 tôn vinh ẩm thực 3 miền đang đến ngày khai hội. Lại nghĩ, món ăn Huế sẽ là gì nhỉ nếu thiếu ớt? Và rồi, tôi háo hức chờ đợi có thêm những trải nghiệm từ ớt trong món ăn của xứ Huế mình trong cuộc phô diễn cùng bè bạn…
Đan Duy
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

Từ bé, tôi đã ngưỡng mộ kỹ thuật xắt bột điêu nghệ của các o, các dì hàng bánh canh cá lóc. Họ cán dẹt bột bằng một tấm trụ tròn, sau đó dùng dao xắt trực tiếp vào nồi nước dùng đang nghi ngút khói, từng sợi bánh canh bay như thoi đưa, rất khéo léo và chính xác. Bột chín rồi thì được vớt ra tô, rưới nước dùng lên và cho thêm trứng cút, cá lóc và hành lá. Nồi thịt cá lóc đã được ráy sẵn đỏ au là điểm nhấn bắt mắt của hàng bánh canh.

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc
Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế

Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng để gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với tôn chỉ hướng tới là thúc đẩy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc. Trong những lĩnh vực đó, Thừa Thiên Huế chọn ưu thế về tiêu chí Ẩm thực để tiến hành điều nghiên, lập hồ sơ trình xét trong năm 2024.

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế
Bánh cuốn tôm chua, mỹ vị cung đình dần rơi vào quên lãng

Huế vốn được coi là kinh đô ẩm thực, là cái nôi sản sinh ra những món ăn đậm chất kỳ công, tinh tế mà hài hòa của ẩm thực cung đình. Cùng với đó là sự đa dạng, thẩm mỹ cũng như cầu kỳ của ẩm thực dân gian. Và bánh cuốn tôm chua chính là sự giao thoa kết hợp hoàn hảo giữa hai nền ẩm thực đó.

Bánh cuốn tôm chua, mỹ vị cung đình dần rơi vào quên lãng
Vang danh ẩm thực Huế

Sau khi Huế lọt top những thành phố có đồ ăn ngon nhất thế giới 2023 - Best Food Cities in the World, đến lượt cơm hến và mè xửng được xác lập kỷ lục châu Á năm 2023 - 2024. Trên bước đường xây dựng Huế - Kinh đô ẩm thực, ẩm thực Huế đang tiếp tục vang tiếng gần xa.

Vang danh ẩm thực Huế
Nét Huế nơi phố ẩm thực Đông Ba về đêm

Là trung tâm thương mại lớn của thành phố Huế, chợ Đông Ba không chỉ thu hút khách trao đổi mua bán nhộn nhịp vào ban ngày, mà ở đây ngay trước tiền sảnh của chợ, bên con đường Trần Hưng Đạo nổi tiếng có một phố ẩm thực thu nhỏ vào ban đêm.

Nét Huế nơi phố ẩm thực Đông Ba về đêm
Return to top