ClockChủ Nhật, 21/02/2021 09:58

Vai áo sờn

Từ một bình minh mưaCảm ơn mùa xuânChú bé chăn trâu và ngôi trạng nguyên

1. Tiếng chuông đồng ngân lên kéo ông Huân ra khỏi mũi kim đang xỏ vào khuy trên chiếc áo khâu dở, đẩy lại gọng kính lão trượt xuống sống mũi, ông ngẩng đầu nhìn về phía cửa chính. Người bước vào là một người phụ nữ đứng tuổi, mặc một bộ váy màu hồng đào rất tươi không phù hợp với tuổi tác, trên gương mặt xuất hiện đầy dấu vết thời gian kia đắp một lớp trang điểm dày. Chưa đợi ông lên tiếng, người phụ nữ ấy đã mau mắn:

- Anh ạ, em đến lấy cái áo dài nhờ cái Bích sửa hôm nọ.

Ông Huân gật đầu, chỉ vào một chiếc áo dài đỏ được gấp gọn ở góc bàn, cười nói:

- À, chị Phượng đấy à. Có phải cái áo kia không? Sáng nay, cái Bích đã sắp sẵn ở đó rồi, chị cứ cầm lấy.

Bà Phượng mở cái xắc tay ra, hỏi:

- Hết bao nhiêu tiền? Em gửi anh.

Ông Huân vẫn cắm cúi vào chiếc áo trong tay mình, nói:

- Cái Bích nó lấy chị bao nhiêu thì cô gửi ngần đấy là được rồi.

Bà Phượng tủm tỉm cười. Ngại ngần, bà móc tiền trong xắc tay ra, ấy là chiếc xắc tay con con mà bà cố tình tới tận Hàng Bạc để nhờ người ta gắn thêm vào đó một sợi xích nạm đá, cũng chỉ vì mong ông để ý mà hỏi tới. Nên bà bước tới gần chỗ ông hơn, cố ý giơ hẳn chiếc xắc và lấy tiền ra. Nhưng ông chỉ nhận tiền và nói lời cảm ơn. Điều này khiến bà hụt hẫng.

“Cảm ơn chị”.

Không có lấy một lời thừa thãi sau đó, trong nhiều năm, thứ mà ông Huân đối thoại nhiều nhất có lẽ là những tấm áo trong tay. Tuy nhiên, bây giờ ông không dám nói chuyện với cả chúng, bởi vì ông sợ tâm sự của mình sẽ tròng vào người của những vị khách đã tới đây. Quá nhiều câu chuyện, quá nhiều quá khứ, nước mắt, sự thương tâm, sự bất lực chỉ nên nằm mãi trong ký ức mà thôi. Khách hàng thân quen sẽ nhận ra được lớp phòng thủ mà ông mang, tựa hồ như tấm cửa kính của tủ trưng bày, ông sẽ thường xuyên trưng ra những câu nói, những nụ cười, biểu cảm cần phải dùng tới, và cứ thế, thời gian trôi đi, chính ông trở thành bảo tàng sống của mình.

Bà Phượng khẽ liếc mắt về phía ban thờ, trên đó có một bức tranh vẽ một người thiếu nữ tuổi chừng đôi mươi, vẻ đẹp ấy vẫn khiến bà ngạt thở. Bà đã cố gắng bóp chết hình ảnh xưa cũ ấy hàng ngàn lần trong những giấc mơ, trong tâm tưởng và hiện tại đây, bà cũng chỉ muốn trèo thẳng lên, hất hết mọi thứ xuống, để cho người phụ nữ kia thôi ám theo cuộc đời ông Huân, thôi ám theo cuộc tình vô vọng kéo dài suốt mấy chục năm của bà.

Dằn cơn nghẹn uất dâng tận lên ngực, gương mặt bà đỏ lựng lên như người say rượu, răng nghiến két lại khiến quai hàm đau nhức, càng khiến cho vệt phấn trên mặt bà rạn dần ra, vỡ nát, rụng lả tả như tuổi xuân chẳng thể níu kéo. Bà cần một sự cứu vớt khỏi tình trạng này.

Bây giờ, chợt tiếng chuông cửa lại vang lên, con gái ông Huân ôm một bó cúc vàng bước vào. Bà Phượng giật mình, ngoảnh lại nhìn cô với ánh mắt biết ơn, vội vàng sải bước ra giữ cửa hộ cô. Bích ríu rít cảm ơn bà Phượng, rồi nhanh tay cắm bó cúc đã cắt sẵn gốc vào bình gốm, cô nói:

- Cháu vừa nhắc tới cô lúc sáng xong, cháu sửa xong áo cho cô rồi, đắp một miếng thêu vào chỗ rách là xong, để cháu lấy cho cô ạ.

- Cô vừa gửi tiền chỗ bố cháu rồi.

Bích lau tay, chép miệng:

- Cô cứ thế! Có tốn công mấy đâu mà.

Bà Phượng vỗ nhẹ vào vai Bích:

- Thế miếng thêu ấy nó tự bay vào vết rách hả?

- Cô cũng vẫn cho nhà cháu thịt thà, bánh kẹo suốt còn gì - Bích bật cười, gói chiếc áo đỏ vào một tờ giấy báo, rồi buộc bên ngoài bằng một sợi dây, thắt lại vuông vức.

Bà Phượng ngắm nghía cô, nói:

-  Sau này đứa nào lấy được cháu thì sung sướng, vừa xinh xắn lại tháo vát. Cô mà có con trai là cô rước cháu về rồi đấy.

Bích đưa bọc áo cho bà Phượng, nói:

- Cô cứ lo xa. Cháu á, cháu chỉ muốn ở vậy chăm sóc bố cháu thôi.

Ông Huân cắn đứt sợi chỉ đã hết, tiếp tục xỏ sợi thứ hai, im lặng, ông không tham gia vào câu chuyện của hai người phụ nữ một già một trẻ ngoài kia. Tiệm may như bị chia làm đôi, thế giới thuộc về ông và thế giới thuộc về người khác. Song khi nghe thấy bà Phượng nhắc nhỏm tới chuyện cưới xin của con gái, ông lại vô thức nhìn về phía ban thờ.

2. Ông Huân choàng tỉnh sau cơn mơ, mồ hôi túa đẫm người. Rút chiếc khăn mùi xoa lau cổ và trán, ông luồn khăn vào áo thấm bỏ sự ẩm ướt. Càng ngày ông càng cảm nhận rõ được sức mạnh của thời gian đè nén lên cơ thể mình, xương cốt, tinh thần cũng kém đi, ông dần quên mất nhiều thứ, nhiều gương mặt, nhưng chỉ có một gương mặt mà ông nhớ rõ, đấy là người thiếu nữ trong bức ảnh ố vàng.

Bật đèn ngủ lên, ông ngồi dậy, nhoài mình lấy một chiếc hộp nhỏ trong ngăn kéo tủ đầu giường, mở chốt ra. Trong đó là một hộp thuốc lá sợi, một cuốn sổ nhỏ và một bức ảnh, chính xác hơn là một nửa bức. Trong đó có hai chàng trai trẻ tuổi chừng hăm mốt hăm hai đang khoác vai nhau, nụ cười tươi như bị đóng đinh vào quá khứ. Phong, bạn của ông, là chàng trai đứng ở giữa tấm ảnh. Phong học giỏi, thông thạo ngoại ngữ, điển trai, cao ráo, là niềm mơ ước của nhiều thiếu nữ thời đó, một hình mẫu hoàn hảo.

Ông Huân thấy khóe mắt nhòe đi, rờ vào gương mặt mình trên bức ảnh.

Khoác áo, ông vén rèm bước ra ngoài, dò dẫm bật điện lên, ông ngước mắt nhìn thiếu nữ trên cao, bàn tay đang cầm phần ảnh còn lại khẽ run, ông đã cắt tấm ảnh hoàn chỉnh ra, chỉ giữ bà cho riêng mình. Yến Giang – Đấy là tên bà, một người đẹp đẽ hiền lành, được nhận sự giáo dục tốt nhất bấy giờ, ấy vậy mà lại vắn số. Bà ra đi ngay sau khi sinh con gái, lạnh lùng nằm trên chiếc giường sắt giá buốt phủ tấm vải trắng nhức mắt còn loang máu… Ông bỗng thấy đầu đau buốt, đau tới mức tưởng như vỡ đôi, ông lần ra chiếc ghế tựa, dựa mình vào đó.

Thời gian kết đọng dệt thành những thước phim nhòe, một con nhện buông tơ đu xuống, bò lên tay ông, rồi mất hút vào trong đống vải vóc vụn trên bàn, từ đó, quá khứ ùa ra, chảy vào không gian, kéo hết thảy cảnh trí trở về thời điểm cách đây hai mươi năm.

- Anh Huân, tôi sắp phải đi rồi nên có chuyện này muốn nhờ anh.

Ông chết lặng khi nghe thấy giọng nói quen thuộc đó, người đang đứng trước mặt kia mặc một bộ vest màu nâu trầm, đầu đội mũ phớt, tay xách va li hành lý, trên môi là nụ cười thân thiết. Phong để hộp thuốc lá sợi lên bàn. Chợt có một giọng nói khác vang lên bên tai ông Huân, là ông - một ông khác - trẻ trung hơn:

- Anh nhất quyết phải đi sao? – Huân chau mày nhìn hộp thuốc, trên hộp khắc tên Phong, đây là hộp thuốc mà Yến Giang tặng Phong vào dịp sinh nhật. Nhìn hành động này của Phong, Huân hiểu ý định của anh là gì – Nếu chẳng may anh gặp phải chuyện gì thì Yến Giang và cả tôi biết phải làm sao? Anh phải nghĩ tới đứa bé chưa ra đời chứ!

- Nhưng nếu thành công thì sao? – Phong nở nụ cười, nửa miễn cưỡng nhưng cũng quả quyết lạ lùng – Tôi đã nạp đạn vào súng rồi, nếu thất bại…

- Anh sẽ không thất bại, anh phải sống! – Giọng Huân nghẹn lại – Nếu anh chết, tôi sẽ không nhặt xác cho anh đâu.

Phong cười, rút khăn mùi xoa đưa cho Huân:

- Nào, anh phải cứng rắn lên chứ, đấy là tôi nói tới trường hợp xấu nhất, chứ anh nghĩ xem, cả cái đất Hà Nội này có ai bắn chuẩn hơn tôi, chỉ một phát đạn là tên Đốc Phủ đó toi mạng. Nhưng nếu… Tôi và Hội bị bắt, hãy chăm sóc Yến Giang và đứa bé giúp tôi. Cậy anh. Chăm sóc họ đến khi giặc tây biến mất trên mảnh đất này.

Huân đột ngột quát tướng lên:

- Anh luôn ích kỷ như thế, anh không cho tôi vào Hội, cũng không cho tôi tham gia ám sát, một mình anh làm anh hùng, còn tôi chỉ mãi là thằng thợ may chui nhủi cả đời!

Phong nhoẻn miệng cười, khẽ nói:

- Huân, anh có thấy không, vai áo khoác của tôi bục chỉ mất rồi. Lúc về, anh vá cho tôi nhé, ở Khâm Thiên này, tôi chỉ tin vào tay nghề của anh thôi.

Ông Huân run rẩy nhìn bóng của một Phong trai trẻ biến mất ngoài cửa. Phải rồi, ngày hôm đó nắng thu lá vàng, thời tiết đẹp vô cùng, nhưng vì quá đẹp nên khiến người ta cảm thấy bất an. Phong đã nhặt một chiếc lá lên, cất vào trong túi áo, khi tìm thấy xác anh ngoài bãi vắng, chiếc lá bị đạn xỏ thẳng qua, vỡ nát.

3. Ông Huân khẽ bước tới bên giường. Bà Phượng nằm đó, khuôn mặt vàng vọt hốc hác, bà như già đi cả chục tuổi sau trận gió gặp phải từ ngày lấy được chiếc áo dài đỏ. Ông chỉnh lại góc chăn, rồi kéo chiếc ghế ra ngồi, tếu táo:

- Ngồi ở bàn may mấy chục năm, đợt này đã thấy sức khỏe kém đi nhiều, không đứng lâu được. Thấy cái Bích bảo chị ốm, tôi đến thăm chị đây.

Bà Phượng nở nụ cười khô héo, trong lòng dấy lên niềm vui âm ỉ. Phải, đã rất lâu rồi, ông mới nói với mình nhiều đến thế. Đã từ rất lâu rồi, ông mới nhìn thẳng vào mắt bà.

- Chớp mắt, đã sắp hết năm rồi – Bà Phượng thều thào.

Ông Huân nhìn bầu trời qua khung cửa kính, ấy là một màu xanh rất đẹp:

- Thời gian như bóng câu mà. À, con bé Bích nấu cho chị liễn cháo, để tôi múc ra cho chị ăn.

- Anh cũng cảm thấy em sắp chết đúng không? – Bà Phượng hỏi – Nên mới nói nhiều với em như thế.

Ông Huân nghe được vẻ hờn dỗi trong đó, chỉ im lặng.

Tuy già cả, nhưng tính bà vẫn như thuở còn thiếu nữ, ưa điểm trang, thích màu sáng, hay lẫy và dỗi. Nhiều năm trước, con gái cả phố đều thương trộm ông Phong, nhưng bà lại chỉ để ý tới cậu thợ may hiền lành, lúc nào cũng rụt rè là ông. Tiếc rằng ông chưa bao giờ nhìn thấy bà. Lúc này bà chợt cảm thấy trong lòng trống rỗng, bây giờ có phải lòng nhau cũng đã muộn rồi. Cơn buồn ngủ kéo tới, bà Phượng cứ vậy thiêm thiếp đi vào giấc mộng.

4. Ông Huân chờ cho bà Phượng ngủ say mới đứng dậy ra về, ông đóng cửa thật khẽ, với lấy cái gậy gỗ dựng bên ngoài và thong thả ra về.

PHẠM GIAI QUỲNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Cần suy nghĩ thấu đáo cho con

Nhận điện thoại của em gái, là giáo viên của một trường tiểu học; giọng em có vẻ gấp gáp, hốt hoảng, nhờ tôi tư vấn (vì trước đây tôi từng có thời gian công tác trong ngành tòa án).

Cần suy nghĩ thấu đáo cho con
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Lan tỏa tình yêu Huế xưa

Nhìn thấy được sức mạnh của mạng xã hội, Đào Hữu Quý thử thách bản thân bằng việc trở thành “nhà sáng tạo nội dung” (content creator), “nhồi nặn” sức hút của vẻ đẹp truyền thống Huế thành những video về văn hóa Huế… đăng lên mạng xã hội, khởi đầu là các món ăn độc lạ của Cố đô.

Lan tỏa tình yêu Huế xưa

TIN MỚI

Return to top