ClockChủ Nhật, 25/12/2022 14:26

Tuyết mùa Giáng sinh

Những vọng âm lịch sửDưới bóng thông núi Ngự

Hôm qua, từ một ngôi làng nơi biên giới cộng hòa Sec và nước Đức, em gọi về. Em nói mùa Giáng sinh rồi, mùa Tết rồi, chị ơi! Hôm qua chừ tuyết phủ trắng những ngọn đồi gần nhà. Cả ngôi làng một màu trắng lạnh. Em nhớ Huế, nhớ quê quá. Tôi kể em nghe Huế mình đang mưa. Mưa Huế bao năm rồi cứ rứa. Như người đàn bà giận dai. Rấm rức, sụt sùi đôi khi cả tháng. Mưa cho cạn nước trời, mưa cho sạch khô hạn chang chang. Em nói nhớ gánh cơm hến mùa đông qua cầu Trường Tiền. Nhớ củ khoai nướng cầm tay hít hà mùi khói trước sân Bưu Điện. Nhớ những chiếc áo mưa đủ màu của bầy con nít đi học về, những chuyến xích lô, những gánh gồng tất tả mà thương. Tôi nghe em vừa cười vừa sụt sùi nước mắt kể đủ chuyện thương thương nhớ nhớ. Đến lượt em hỏi, chị còn nhớ ngôi làng ngày xưa tụi mình đón mùa tuyết đầu tiên khi đến nước Đức không? Tôi thấy một nỗi buồn nhớ xa xôi bỗng ập đến. Bao nhiều năm qua, mỗi khi Đông đến tôi luôn có những giấc mơ về nơi xa xôi ấy. Làm sao quên được, tôi trả lời em. Tôi nhớ, nhớ lắm, tôi như đang trở về giữa những ngày giá lạnh của những mùa Đông ấy...

May mà lò sưởi hơi nước làm ấm căn phòng lát gỗ. Nếu trễ chút, chân tôi đã cóng như băng. Nhiệt độ ngoài trời lúc đó vào khoảng -15 độ, tôi không mang ủng lông, chỉ đi đôi giày thể thao và bít tất. Lúc ra khỏi sân ga trên con đường đổ dốc gió đã thổi rất nhiều. Nán lại buộc giây giày, tôi suýt phì cười vì cả bọn chúng tôi như một bầy chim cánh cụt đủ màu. Áo ấm to sù, giày bốt, giày thể thao lóng ngóng trên vỉa hè đá lát xa lạ.

Phòng ăn của khu Herren model Gotha nằm ở tầng hầm. Sau khi dùng chút khoai tây nghiền với xúc xích xông khói, tôi mới hoàn hồn qua cơn lạnh. Vậy là mình đã xa nhà, xa Việt Nam hơn 48 giờ, thèm cơm nguội chiên với muối sả mẹ rang biết bao! Giống cây sả thân tím lá xanh lần nào đó lên miệt Hương Hồ mẹ mua về mấy bó. Loay hoay sau vài giờ khi gió bấc căm căm lọt qua cánh cửa gỗ, đã nghe mùi ruốc sả thơm đòi cơm. Cây sả người ta trồng nhiều, khắp nơi, xứ nào cũng có. Nhưng thiệt lạ, cái giống cây chi mọc lên từ phù sa đất bồi nước sông Hương cũng có hương thơm thật riêng. Mùi vị của Huế, sâu trầm thấm thía...

Tôi quên nhiều chuyện vì thời gian bấy nay cũng đã mấy chục năm. Nhưng buổi sáng hôm ấy thì tôi nhớ. Đôi khi tôi tránh ngồi thu lu nhớ lại. Cảm giác chìm trong không gian ấy dễ làm tôi rơi nước mắt. Nhưng dễ chi quên được. Mà ngoài kia đã là sân nhà, là khu vườn mẹ đầy nắng mùa đông...  

Chúng tôi qua đường khi người lái xe buýt phanh xe và thân thiện mỉm cười vẫy tay ra hiệu. Nụ cười và sự lịch thiệp của anh tài mặc vét có thắt cả cà vạt làm tôi thấy lòng ấm áp dễ chịu quá. Văn hóa giao thông của xứ người thật tuyệt. Ý nghĩ đó làm tôi nhói lòng nhớ nhà. Bậc cấp bước xuống phòng ăn màu gỗ nâu bóng. Căn phòng nức mùi bánh mì nướng thịt hầm, mùi sốt thật lạ cho món Bratwurst và trà. Lại nhớ nhất mùi trà. Vì đó là thức uống tôi dùng suốt hơn ba năm trời nơi xứ này sau mỗi bữa ăn. Trà hơi nhạt nhưng vị thanh ấm và thơm mùi một loại hoa quả gì đó, nhất thiết không giống như ly trà xanh đặc sánh màu mật ong ở quê. Trong chiếc tách sứ sẫm màu có vài họa tiết đỏ cam mắt tôi ngơ ngác buồn...

Thả vài viên đường nhỏ xinh như những chiếc kẹo tan dần dưới chiếc thìa màu bạc, tôi nhấp ngụm trà vừa lúc tiếng ai đó kêu lên, không quá lớn để làm giật mình nhưng bỗng nhiên mọi người đều nhoài mình ra cửa sổ.

- Tuyết rơi kìa!

Tôi quay nhanh hướng ra phía cửa sổ.

Từ khi máy bay đáp xuống sân bay Berlin cảm giác cái lạnh tê buốt làm mặt mũi như vừa tẩm nước đá. Gió lạnh và nỗi nhớ nhà, cảm giác bơ vơ làm tôi muốn khóc. Nhủ lòng rồi thời gian sẽ trôi nhanh thôi. Mình sẽ cố quen để bắt đầu một cuộc sống mới ở nơi chốn xa lạ. Nay mai mình sẽ được đón những bông hoa tuyết trên tay, những bông tuyết lần đầu mình gặp trong đời nhưng từng quen thuộc và mê đắm từ khi biết hát ca khúc Tombe la neige. Nghĩ và vui hơn một chút nhưng không ngờ tôi được đón ngày tuyết rơi nhanh đến thế.

Tuyết đang rơi!

Trước mắt tôi bay bay những cụm bông trắng. Như có bàn tay ai đó mềm mại rẽ bầu trời ám, tung những cánh hoa xốp mềm xuống mặt đất. Thong thả lơ đãng xoay giữa không trung rồi nhẹ nhàng chạm vào những vòm cây trụi lá, chao nhẹ xuống mặt đất xám buồn vì giá lạnh. Từng cánh rồi từng cụm thoáng chốc mặt sân như được trải một tấm chăn lông mềm mịn. Đưa mắt qua phía bên đường những mái nhà, cột đèn, hàng cây tuyết rắc đầy hoa trắng. Tôi quên cả tách trà đang nguội mở to mắt như bị thôi miên bởi màu trắng thanh khiết lặng lẽ giá lạnh bên ngoài cửa sổ. Rơi thật êm, thật hiền nhưng đôi khi có cơn gió phất qua, cụm bông nghịch ngợm xoay tít lên rồi mới chao mình xuống như kiểu chào nhón chân thật khẽ của các vũ nữ ba lê. Nếu thời đó có điện thoại quay phim, chụp hình chắc gì tôi còn cảm giác nhớ đến quay quắt cái góc ngồi bên phải quầy catcher. Ngoài lớp kính trong, bầu trời mặt đất đang chuyển màu, thế giới như biến hình. Tôi bước ra sân, muốn chạm tay vào những đóa hoa mềm mại. Bỗng thấy đất trời như nối gần nhau hơn với lớp lớp màu trắng trải dài, vươn cao. Những vạt cỏ úa màu trắng dần lên. Những nhánh cây như trĩu xuống. Màu trắng lăn qua đường viền của những ngôi nhà gạch nâu, đến những cột đèn, cao hơn nữa là đỉnh tháp chuông ngôi nhà thờ cổ phía xa. Tinh khiết mềm mại và lặng lẽ như ai đó vừa phủ lên các mái nhà những tấm thảm trắng, đổ tràn thứ chocolat trắng lên tháp chuông, rắc đầy bột kem và đường dọc các con phố. Trở lại góc ngồi cũ bỗng nhiên nước mắt tôi trào ra. Vì trời quá lạnh, cảnh tượng lạ lẫm, nơi chốn mới mẻ hay cảm giác xa xôi vô vọng khi người thân yêu của tôi đang cách một đại dương. Năm năm trời trước mắt là khoảng thời gian tôi sống đơn độc nơi xứ này. Tôi sẽ viết thư về nhà ngay chiều nay nhưng cả tháng sau mẹ mới biết hôm nay con gái bà đã khóc khi lần đầu tiên trong đời nhìn thấy tuyết. Một tháng sau, anh mới biết tôi đã quặn đau vùng thượng vị khi tuyết mỗi lúc một dày thêm thì radio đang phát bản nhạc Let It Be anh thường chơi. Và anh biết không, màu trắng của tuyết nối đất với trời nhưng chúng ta là hai chấm nhỏ màu buồn cách xa nhau vạn dặm...

Tôi đi lại dọc hành lang, mắt không rời cảnh tượng kỳ vỹ. Trong phòng ăn tiếng chuyện trò nhỏ lại nghe rõ cả tiếng phì phì của hơi nước từ lò sưởi. Người ta nói về mùa Giáng sinh sắp về với những hình người tuyết và cây thông Noel. Các bạn tôi có đứa sững sờ như bị thôi miên, đứa mắt rơm rớm nước. Những bông tuyết bay bay như trò tung hoa nghịch ngợm của bầy con nít nhà trời. Gió tạt vào cửa những cục bông như nắm tay. Chúng non nớt dịu dàng lặng lẽ tan thành vệt loang trên mặt kính. Ước chi có anh ở đây, chúng ta sẽ cùng ngắm khung cảnh buồn và đẹp lạ lùng này... Em nhớ những con đường xứ Huế trong mưa. Tầm tã rét buốt, những hàng cây cô đơn hứng gió. Và anh, một mình, buổi sáng với tách cafe và mưa... Chúng ta như những bông tuyết hay hạt mưa ngất ngưởng từ trời, rơi xuống đất, tan ra, mong manh. Như những cuộc nghỉ ngơi rồi lại bốc hơi thành nước bay lên. Thế giới trong tuyết biến hình hư ảo. Đó cũng là đời sống. Mỗi ngày qua, mỗi bước đi là sự biến đổi để hy vọng tái sinh...

Tôi qua ba mùa tuyết nơi xứ Thuringen ấy. Lễ hội Halloween trong tuyết, mùa Weilhnachten thắp nến trong tuyết. Nước mắt và cả những vòng ôm ấm áp trong tuyết. Nhưng không bao giờ có lại cảm giác ngỡ ngàng tê buốt nghẹn ngào như buổi sáng với vị trà lạ với những bông tuyết đầu tiên.

Như những nụ hôn trời dành cho đất, như lớp lớp bông mây trắng đất dâng dâng chạm đến trời, như khu vườn cổ tích nở hoa lê thơm tho trắng muốt... Tuyết che lấp và phủ kín những vết sẹo trần gian. Tuyết mang thế giới của những giấc mơ thánh thiện, an lành cho từng đứa trẻ...

Bao năm qua rồi tuyết đọng lại trong tôi là những cụm bông xốp mềm không tan thành nước mắt, một màu trắng tinh khiết thơm tho miên man cổ tích... Màu của giấc mơ, những nỗi buồn... và niềm hy vọng.

Tôi viết một dòng và gửi vào messenger cho em:

“Đừng mua quà Giáng sinh cho chị! Gửi một ít tuyết đầu mùa thôi. Chị nhớ...”.

TRẦN THỊ BẠCH DIỆP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng

TIN MỚI

Return to top