ClockThứ Năm, 10/06/2010 17:29

Từ nghề rèn Hiền Lương nghĩ đến gia tài giàu có của Huế

TTH - Bất chợt bắt gặp rất nhiều người háo hức bao quanh một bễ lò xem mấy bác thợ rèn làm việc. Lò nhóm lên, được gió từ ống bễ tiếp sức, chẳng mấy chốc đã cháy bùng, nóng rực.
 

Những thỏi sắt được vùi sâu trong than đỏ, một lúc sau cũng đã đỏ hồng, mềm dịu. Rồi dưới âm thanh đùng đục, êm êm của từng nhát búa, thỏi sắt dần dần biến hình thành cái liềm, cái rựa…Tiếng nhiều người ồ lên thích thú ...

 Làng rèn xưa
 
Đề cập đến nghề thủ công truyền thống của đất Thừa Thiên Huế, sẽ thật thiếu sót nếu quên mất nghề rèn của làng Hiền Lương. Một nghề truyền thống đã xuất hiện và lưu tồn đến nay đã ngót 500 năm.
 
Hiền Lương nằm ở bờ bắc sông Bồ, cách trung tâm thành phố Huế chừng 20 km về phía bắc và là một trong những ngôi làng Việt thuộc vào hàng cổ nhất ở miền Trung. Tại đây hiện còn ngôi chùa cổ Giác Lương được xây dựng từ những năm đầu của thời Lê Trung Hưng (khoảng đầu thế kỷ XVI) và đã được Bộ Văn hoá Thông tin (cũ) công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia vào năm 1992.
 
Theo sử sách, Hiền Lương thoạt đầu có tên là Hoa Lang thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hoá. Thời Lê Trung Hưng, khi Nguyễn Hoàng vào khai khẩn trấn Thuận Hoá, huyện Đan Điền đổi thành huyện Quảng Điền. Thời Gia Long ghép huyện Quảng Điền vào dinh Quảng Đức - là đất kinh kỳ; năm 1822, vua Minh Mạng đổi dinh Quảng Đức thành phủ Thừa Thiên. Thời vua Minh Mạng (1820 - 1840), khi chỉnh lại địa giới hành chính, lập địa bộ, vì tránh chữ huý (tên bà Hồ Thị Hoa, vợ chính của vua Minh Mạng), nên đổi thành làng Hiền Lương – có nghĩa là đất sản sinh ra nhiều người có tài đức.
 

Đình làng Hiền Lương
 
Thời Pháp xâm lược, làng Hiền Lương thuộc tổng Hiền Lương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Sau cách mạng Tháng 8 - 1945, tổng Hiền Lương đổi thành xã Phong Nhiêu, thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Hiện nay, thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền , tỉnh Thừa Thiên Huế..
 
Làng Hiền Lương gồm có 6 xóm, 4 phường. Về sau, đến thời Khải Định thêm 2 phường mới nữa được lập. Làng có nhiều người đỗ đạt và làm quan to qua các triều. Phong tục, lễ nghi chỉnh chu và được các thế hệ không ngừng bồi đắp. Chẳng hạn như chuyện tang ma, từ phải “cơm hiếu”, rồi cỗ bàn “đưa xóm” tạ ơn rất nhiễu sự.
 
Từ thời Khải Định, hương ước của làng đã sửa đổi: “Việc đám, trừ nội thân đến trợ tang, ngoài ra nhất thiết cấm ăn uống, từ xóm làng đến quan khách chỉ dùng trầu rượu để tiếp đãi...”. Hay như tục không ăn măng, cấm chặt tre vào tháng 3 của làng cũng là một nét văn hoá độc đáo thú vị.
 
Chuyện kể, dưới triều Minh Mạng, làng đã dâng sớ lên vua tâu về việc măng, tre của làng bị chặt phá vô tội vạ, làm cho ngày một trụi dần. Sớ của làng “đề xuất” với vua phê chuẩn một việc: Tháng 3, tháng 4 hàng năm, bất cứ nhà nào trong làng hoặc giả các làng, xã khác quanh tổng Hiền Lương đều cấm ăn măng tươi, cấm chặt tre già. Lý do là măng mọc vào tháng 3, tháng 4 đều to khoẻ, gặp thời tiết tốt sẽ phát triển thành những cây tre già rắn chắc, rất ích lợi. Nếu chặt tre vào những tháng này cũng sẽ làm cho măng bị hư hại. Còn từ tháng 7 âm lịch cho đến hết năm, thường hay xảy ra bão lụt, măng khó sống qua khỏi cơn tàn phá của trời đất, còn tre thì cũng đã già lão nên thời điểm này có thể cho phép ăn măng, chặt tre... Vua Minh Mạng ngợi khen và chuẩn tấu. Thế cho nên, đến tận bây giờ, ở Hiền Lương vẫn còn truyền tụng câu “Tháng bảy vua tha, tháng ba làng bắt tội” …
 
Về nghề rèn, những tài liệu cổ còn lưu tên một số nhân vật nổi tiếng về nghề rèn và nghề cơ khí dưới triều Nguyễn như các ông: Nguyễn Lương Nhĩ, Nguyễn Lương Xa, Hoàng Văn Lịch....Trong đó, tên tuổi Hoàng Văn Lịch được nhắc nhiều nhất và là niềm tự hào cho nhiều thế hệ con dân làng Hiền Lương.
 
Sử ghi nhận Hoàng Văn Lịch chính là người Việt Nam đầu tiên chế tạo thành công tàu thuỷ chạy bằng hơi nước. Đại Nam Nhất thống chí ghi năm Minh Mạng thứ 19 (1838), vua sai Võ khố dựa vào mẫu của tàu Tây dương đóng thành tàu chạy bằng hơi nước. Trước khi bắt tay vào việc, vua đã ban thưởng, khích lệ tinh thần cho đội ngũ quan quân thợ thuyền của Sở Đốc công Võ khố.
 
Một năm sau, mùa Xuân 1839, Bộ Công trình vua cho chạy thử tàu. Vua sai chọn ngày lành tháng tốt cho hạ thuỷ và đích thân ngự xem. Nhưng sự cố xảy ra, nồi hơi bị vỡ. Cuộc thử nghiệm thất bại. Vua tức giận cách chức quan Bộ Công, tống ngục ban đốc công chờ ngày luận tội. Tân Giám đốc Hoàng Văn Lịch đã cùng các cộng sự của mình tại Sở Đốc công Võ khố ngày đêm nghiên cứu, chỉnh sửa những điểm hỏng hóc, bất hợp lý...và chỉ một tháng sau đã cho tàu chạy thử thành công trên sông An Cựu. Vua Minh Mạng vui mừng thưởng cho Hoàng Văn Lịch và người phụ tá Vũ Huy Trinh mỗi người một nhẫn pha lê độ vàng, một đồng tiền vàng Phi Long hạng lớn. Đốc công và binh tượng được thưởng chung 1.000 quan tiền.
 
Cũng trong năm ấy, tháng 10 vua truyền chi 1 vạn 1 ngàn quan tiền đóng thêm 3 chiếc nữa đặt tên là Yên Phi, Vân Phi và Vụ Phi. Xét công trạng, Hoàng Văn Lịch còn được phong tước Lương Sơn Hầu. Việc được phong đến tước Hầu nhưng không xuất thân từ khoa bảng mà chỉ vì được tôn vinh từ bàn tay vàng của người thợ được nhiều nhà nghiên cứu cho là điều đặc biệt hiếm có trong lịch sử các triều đại phong kiến.
 
 Nghề rèn nay...
 
Theo thời gian, nhiều thế hệ người Hiền Lương đã đưa nghề rèn toả đi khắp nơi: Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và nhiều tỉnh khác nữa ở miền Nam. Nơi quê mới, người Hiền Lương thường sống tập trung thành những xóm nhỏ để giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong nghề và trong cuộc sống. Tại Huế, có thể thấy những cộng đồng cư dân Hiền Lương ở An Cựu, Bao Vinh, cầu Vực-Thuỷ Châu...
 
Thời nào cũng vậy, tay nghề của thợ Hiền Lương bao giờ cũng được tín nhiệm nhất mực. Có những người thợ lớn tuổi qua đời đã nhiều năm vẫn còn có người đến tìm đặt hàng. Đến khi nghe người muốn gặp đã không còn nữa, họ bần thần hồi lâu như mất đi cái gì đó không thể bù đắp. Nói về thợ giỏi, riêng chỉ vùng An Cựu thôi đã có thể kể ra những người như ông Bền, ông Hiệp, ông Thông....; xưa hơn nữa thì có các cụ như cụ Cháu, cụ Giáp, cụ Phước, cụ Địch, cụ Tá, cụ Tố.... Cần nông cụ các loại, nhiều người tìm cho được ông Thông bởi những sản phẩm ông làm vừa “ngon”, vừa bền.
 
Ông Thông còn được biết đến bởi đã sáng chế một số công cụ đắc dụng phục vụ cho nghề cơ khí như dao cắt, bàn đôột (đục)…, giúp người thợ đỡ hao tổn sức lực mà năng suất cũng được nâng lên đáng kể. Đồ Inox thì với ông Bền một thời là số I. Còn ông Hiệp thì nổi tiếng bởi khả năng có thể chế tác những món đồ rất tinh xảo. Thời xe máy còn là phương tiện có giá trong khối tài sản của các gia đình, chiếc Honda dame của ông được mọi người ngắm nghía trầm trồ bởi những con bu-loong, ốc vít, kể cả cái ống pô… đều được ông thay bằng đồ Inox tự chế. Đẹp và bền còn hơn cả đồ “rin”, lại không lo “đụng hàng” bởi các phụ tùng tự chế của ông đều là “độc bản”, ra ngoài dù có mấy tiền cũng không thể mua được…
 

Chùa Giác Lương ở làng rèn Hiền Lương
 
 
Dân Việt nói chung, dân Thừa Thiên Huế nói riêng vốn sống dựa vào nông nghiệp. Và thật khó tưởng tượng dân ta sẽ phải xoay xở như thế nào nếu không có cái cày, cái cuốc, cái lưỡi hái, lưỡi liềm... trong tay. Xã hội “dĩ nông vi bổn” vì thế là mảnh đất tốt tươi cho nghề rèn đâm chồi nẩy lộc. Nghề rèn do vậy đã giúp cho con dân Hiền Lương có một cuộc sống sung túc, dễ chịu hơn so với một số ngành nghề khác.
 
Nhưng rồi cuộc sống biến chuyển. Kinh tế nông nghiệp dần dần nhường vị thế cho công nghiệp. Máy móc dần thay cho con trâu, cái cày, cái cuốc…Thợ rèn Hiền Lương nhiều người linh động mở rộng sang nhiều ngành cơ khí khác như làm các loại cửa sắt, cửa nhôm; ga-ra ô tô; rèn các phụ tùng phục vụ ngành công nghiệp; hoặc gò, hàn, phay, tiện... đáp ứng nhu cầu của xã hội và nói chung là sống được. Một số thì vẫn trung thành với các sản phẩm nông cụ truyền thống như dao, rựa, liềm, hái, cuốc, cày... Số này hầu hết đang ngày càng lâm vào tình cảnh bế tắc.
 
Chúng tôi từng về thăm xóm Vực (Thuỷ Châu-Hương Thuỷ), nơi có rất nhiều người dân Hiền Lương đến ngụ cư gần cả thế kỷ qua và lập ra xóm rèn tập trung có thể nói là lớn nhất ở TT-Huế. Những người thợ tại đây vẫn trung thành với việc sản xuất nông cụ và đang phải vất vả lắm mới sống được bằng nghề. Ai cũng than vãn: “Khó lắm, cày bừa đã có máy. Cái kéo, cái dao thì hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan tràn vào, sáng choang mà lại rẻ, đồ rèn không cạnh tranh nổi. May ra còn có cái rựa, cái dao (xắc) chuối, làm giày... là chưa thấy ai nhập về...”.
 
Nghề rèn càng ngày càng khó kiếm sống, lại lam lũ, nên con dân Hiền Lương các thế hệ về sau ít mặn mà theo đuổi. Học trò tìm đến học nghề cũng ngày càng ít đi. Và có theo, có học thì cũng không chí thú, không tỉ mẫn, tâm huyết với nghề như thuở trước. Đó cũng là nỗi day dứt, muộn phiền của những người thợ Hiền Lương từng sống chết với nghề, nay đã ở tuổi xế chiều nghiêng bóng...
 
Dịp Festival Huế 2006, về thăm Chợ quê ngày hội Cầu Ngói Thanh Toàn, bất chợt bắt gặp rất nhiều người háo hức bao quanh một bễ lò xem mấy bác thợ rèn làm việc. Lò nhóm, được gió từ ống bễ tiếp sức, chẳng mấy chốc đã bùng lên, nóng rực. Những thỏi sắt được vùi sâu trong than đỏ, một lúc sau cũng đã đỏ hồng, mềm dịu. Rồi dưới âm thanh đùng đục, êm êm của từng nhát búa, thỏi sắt dần dần biến hình thành cái liềm, cái rựa…Tiếng nhiều người ồ lên thích thú. Sản phẩm hoàn tất, bác thợ cả dừng tay ngẩng lên mỉm cười thân thiện. Lưng áo ướt đẫm, và mồ hôi từng dòng chảy dài trên má. Hoá ra đó là một người thợ Hiền Lương ở xóm Vực mà tôi có quen biết.
 
Trong một tác phẩm đề cập đến nghề thủ công truyền thống phục vụ du lịch, nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng có viết, từ nhiều thập niên trước, khái niệm “tiềm năng du lịch” được xác định bao gồm : Khí hậu; Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử; Lễ hội; Săn bắn; Hệ thống giao thông và phương tiện vận chuyển; Hàng hoá và dịch vụ cho du khách...Để níu giữ du khách lâu nhất và “buộc” khách phải tiêu tốn tiền bạc nhiều nhất thì việc quy hoạch một trung tâm dành riêng cho các sản phẩm thủ công, các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của khách nói chung là không thể không tính đến.
 
Chợt nhớ cách đây chưa lâu, Huỳnh Thế Thịnh, một Việt kiều Mỹ gốc Hiền Lương- sinh viên Đại học Berkley về Việt Nam thực tập. Anh tranh thủ ngày nghỉ dẫn nhóm bạn nhiều quốc tịch khác nhau từ Hà Nội về thăm Huế. Và khi thấy những lò rèn, nhóm bạn này đã không cưỡng được, cứ nằng nặc bằng mọi giá mỗi người phải tậu cho được một con rựa để mang về làm kỷ niệm. Báo hại bác thợ được chọn mặt gửi vàng, chỉ trong một ngày đêm phải rèn cho xong chục con rựa để nhóm sinh viên này kịp mang lên máy bay về nước. Cứng cả lưng, ê cả...mông, nhưng sướng! Vì không ngờ sản phẩm rèn cũng lọt vào mắt xanh du khách quốc tế và lên máy bay xuất ngoại như ai. Và tất nhiên, cả bởi vì bỗng dưng ...vô mánh vì gặp khách sộp.
 
Xem ra, rèn và những sản phẩm rèn truyền thống cũng có sức hấp dẫn riêng của nó đấy chứ. Ai mở rộng nghề để thích ứng với “thời cuộc” cứ khuyến khích mở rộng. Nhưng một làng rèn thuần khiết mang thương hiệu Hiền Lương để bảo tồn một nét văn hoá cho vùng đất Thần kinh, để góp phần làm giàu cho cái tiềm năng của vùng đất Huế du lịch cũng là việc nên làm.
 
Mà không chỉ riêng có nghề rèn. Với những đúc đồng, gốm, kim hoàng, nón lá, thêu, mộc mỹ nghệ, đan đát, tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên...Huế đang sở hữu một gia tài giàu có mà khó có vùng đất nào sánh được. Vấn đề là làm thế nào để sử dụng gia tài ấy một cách hữu ích nhất cho Huế, đó là việc mà lớp hậu sinh vãn bối hôm nay phải làm nếu thực sự thấy mình tâm huyết và có trách nhiệm với những di sản mà tổ tiên đã dày công vun đắp, truyền thừa...
                   
                                        Diên Thống-Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn du lịch với nghề làm nón lá

Trong các sản phẩm nghề truyền thống ở Huế, nón lá được nhiều người biết đến, trở thành đặc sản văn hóa “nón bài thơ”. Tuy nhiên, nghề làm nón lá đang bị mai một dần, hình ảnh chiếc nón lá Huế đang dần bị mất đi trong hình ảnh du lịch Huế. Do đó, cần thiết có một hướng đi tốt trong việc khôi phục và phát huy nghề chằm nón.

Gắn du lịch với nghề làm nón lá
Muối nung Phước Tích

Ngoài nhà rường cổ, nghề gốm nổi tiếng khắp nước, ngôi làng cổ Phước Tích còn có một nghề muối nung ít người biết.

Muối nung Phước Tích
Return to top