ClockChủ Nhật, 08/08/2021 14:04

Trong cơn đại dịch

Giá của sự thật

Cả khu phố ai cũng bất ngờ khi bà cụ có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19. Không ai biết bà lây bệnh từ đâu vì 7 người còn lại trong nhà đều âm tính. Khi cán bộ y tế đến điều tra dịch tễ, bà già nặng tai cứ hử hả suốt thôi. Cả nhà sống nhờ quán bán hủ tiếu thì đã nghỉ tránh dịch theo Chỉ thị 16. Đoàn công tác chống dịch đến đưa bà cụ vào bệnh viện dã chiến, nhưng con cháu xúm vào xin: “Má tôi già cả, bị lẫn và không đi lại được. Chúng tôi sẽ tuân thủ các biện pháp an toàn chống lây nhiễm”. Đúng lúc hệ thống y tế thành phố đang quá tải, chính thức triển khai thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà. Thế là bà cụ được ở lại, cửa đóng then cài.

Tôi trọ ở khu nhà đối diện, thỉnh thoảng nghe thấy tiếng bà cụ vọng ra: “Mấy giờ rồi con ơi?”. Ngày có khi bà hỏi mấy lần. Hệt như hơn năm trước khi tôi mới chuyển về đây thuê nhà, ngày nào bà cụ cũng sang vài lần chỉ để hỏi: “Quê cô ở đâu?”. Mỗi lần hỏi về quê quán ai đó hình như mắt bà buồn. Trong tiếng “quê” bật ra run run chất chứa biết bao nhiêu nhung nhớ. Một lần tôi gặng hỏi, bà cụ lặng người đi một lúc rồi bảo:

- Quê tôi ở một làng ven biển miền Trung thuộc Nghệ Tĩnh. Tôi cũng không nhớ rõ là làng nào nữa, lâu quá rồi cô.

Sau này tôi mới biết bà không phải ruột thịt với những người trong gia đình ấy. Nghe chú Thọ, chủ nhà kể:

- Má Sim là người làm trong nhà từ thời bố mẹ chú còn trẻ. Hồi đó còn chiến tranh, cũng không rõ làm cách nào má lưu lạc lên Sài Gòn này. Ba má tôi thương nên nhận về làm người giúp việc. Ngày ấy nhà tôi có sạp vải ngoài chợ Bến Thành. Sau này biết bao chuyện xảy ra nhưng má vẫn gắn bó với nhà tôi đến tận bây giờ.

- Cháu nghe bà cụ nói không còn nhớ quê quán ở đâu.

- Má lang thang từ nhỏ nên không có nơi nào để về. Má coi chúng tôi là gia đình. Chúng tôi như có thêm một người mẹ, người bà. Từ khi má ruột tôi mất thì má Sim buồn hẳn.

Nhà bên ấy có tất thảy 8 người. Căn nhà không rộng lắm nhưng bù lại có một khoảng sân. Hàng ngày bà cụ ở nhà chờ con cháu đi làm về. Hễ cứ có tiếng xe dừng cổng là bà hỏi: “Mấy giờ rồi con ơi?”. Có khi mới sáng sớm bà đã hỏi: “Trưa rồi hả? Cơm chín chưa con?”. Mấy đứa chắt hay chạy quanh bà cụ giành nhau điện thoại, bút màu, bánh trái. Bà cụ ngắm nhìn chúng cả ngày, thỉnh thoảng tóm được một đứa liền kéo lại xoa đầu. Bữa chiều mát mẻ, cả nhà hay trải chiếu giữa sân ăn cơm. Nhìn cảnh con cháu quây quần bên bà cụ, tôi thường thấy chạnh lòng. Mẹ tôi ở nhà lủi thủi cơm nước một mình.

Tôi xa nhà đã hai năm. Đứa bạn thân rủ vào Sài Gòn lập nghiệp, nó bảo: “Trong này dễ kiếm ăn hơn”. Tôi nghĩ tuổi trẻ cần phải đi xa tìm kiếm cơ hội. Tôi không thể quanh quẩn trong mấy khu công nghiệp gần nhà, lương ba cọc ba đồng không đủ chi tiêu chứ nói gì tích cóp. Nhưng nào ngờ, vừa vào Sài Gòn thì COVID-19, lay lắt cũng đã gần hai năm. Nhiều tỉnh thành bị phong tỏa, Sài Gòn chịu hậu quả nặng nề nhất với số ca nhiễm tăng vài nghìn ca một ngày. Hàng quán đóng cửa, chợ nghỉ bán. Mọi người chen chúc nhau vơ vét sạch hàng trong siêu thị. Xóm trọ tôi ở chẳng nhà nào kịp tích trữ nhiều. Mấy hôm trước còn được ra đường mua đồ thiết yếu, nhưng mấy hôm nay chỉ có thể ở trong nhà. Đồ cứu trợ được treo tận cửa. Cầm bó rau nghĩa tình trên tay tôi ứa nước mắt vì thấy mình còn may mắn lắm. Đêm đến nghe tiếng còi xe cứu thương ngoài đường lớn vọng vào tận xóm nhỏ mà lòng trào dâng nỗi bất an. Đâu đó trong Sài Gòn có những cuộc tiễn đưa đã không bao giờ có thể gặp lại nhau. Tôi nằm trong phòng ri rỉ nỗi nhớ quê, nhớ mẹ.

 

Tôi mường tượng ra cảnh mẹ trằn trọc suốt đêm không ngủ được, lòng thấp thỏm không yên. Mẹ sẽ trở dậy giữa đêm thắp hương kêu cầu ông bà tổ tiên phù hộ cho đứa con đang trong vùng dịch. Năm ngoái, tôi mua cho mẹ chiếc smartphone để tiện gọi video trò chuyện. Mẹ nhờ đứa cháu gần nhà dạy cách chơi facebook, xem youtube, vào mạng đọc tin tức. Có khi giờ này những dòng tin ấy làm ruột gan mẹ thắt lại. Có khi tiếng điện thoại kêu cũng khiến mẹ thon thót giật mình. Dịch đang lan dần khắp các tỉnh, thành phía Nam. Hà Nội cũng bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Không biết khi nào đất nước mới bình yên trở lại. Tôi muốn về nhà…

***

Sáng nay, mở cửa sổ ra tôi bắt gặp cảnh tượng bà cụ F0 đang ngồi xem tivi giữa nhà. Bà cụ sức khỏe có vẻ ổn. Trên tay bà vẫn là chiếc quạt nan quen thuộc, thỉnh thoảng phe phẩy cho mát. Một chương trình hài nào đó trên ti vi khiến bà cười, tôi đoán vậy khi thấy đôi vai gầy gò ấy khẽ rung lên từng chặp. Con cháu bà vẫn sinh hoạt bình thường. Người vo gạo, nhặt rau. Người lôi đống đồ chơi cũ hỏng của lũ trẻ ra sửa lại. Người chăm chút mấy chậu mẫu đơn đang ra hoa đỏ rực. Người ngoài xóm nhìn vào chắc chẳng ai nghĩ nhà đang có F0. Khác chăng chỉ là chiếc khẩu trang và khoảng cách đủ an toàn cho tất cả mọi người. Có lúc như chợt nhớ ra bà quay qua hỏi:

- Mấy giờ rồi mà chưa đứa nào ra mở quán vậy con?

- Đang dịch mà, quán xá gì má ơi.

Bà cụ ừ hử rồi chìm vào lặng yên. Có hôm thấy tiếng xe cứu thương vọng vào ầm ĩ giữa đêm, bà cụ hô: “Chạy vào hầm đi các con ơi. Máy bay tới rồi đó”. Con cháu bà chắc cũng giật mình thức giấc, điện bật sáng lên rồi lại tắt đi. Tôi đoán chắc nhiều người khó ngủ như mình. Có người chồng xa vợ, người mẹ xa con. Có những người đàn bà bụng mang dạ chửa nơm nớp lo một mình trở dạ không biết phải xoay xở thế nào trong hoàn cảnh dịch bệnh thế này. Có biết bao gia đình giờ mỗi người phải cách ly, điều trị một nơi. Bao người con đang lo lắng, hoảng sợ khi bố mẹ già nhiễm bệnh, sức khỏe yếu còn chưa biết có vượt qua được hay không. Còn biết bao phận người đang lao đao, khốn đốn khi nhà máy, công ty, hàng quán phải đóng cửa chưa biết khi nào cuộc sống mới trở lại bình thường. Dù chỉ thấy âm thanh của còi xe cứu thương nhưng không hiểu sao tôi vẫn nghe rõ hàng trăm, hàng nghìn lời cầu nguyện như ngọn nến thắp lên trong những đêm quá nhiều bất an này.

Mờ sáng bạn tôi gọi:

- Sắp có chuyến xe của tỉnh nhà đón công nhân, sinh viên từ Sài Gòn về quê rồi đấy. Nếu về thì làm đơn đăng ký gửi cho hội đồng hương.

- Nhưng chỉ sợ phiền hà cho mọi người. Có khi lúc này ở đâu yên đó sẽ tốt hơn.

- Bình thường thì vậy, nhưng giờ Sài gòn quá tải rồi. Dân tỉnh lẻ tụi mình về quê hương cũng là cách giảm bớt gánh nặng cho Sài Gòn. Về có tổ chức, cách ly cẩn thận lắm, lo gì.

Trước hôm tôi lên chuyến xe nghĩa tình về với quê hương thì nghe tin bà cụ F0 nhà bên cạnh đã âm tính sau 14 ngày cách ly tại nhà nhờ có sự quan tâm chăm sóc, điều trị đúng quy trình hướng dẫn của ngành y tế. Con cháu lại đặt cái ghế giữa sân cho cụ ngồi ở đó hít thở gió trời. Cửa cổng vẫn khóa, không ai đi ra đi vào nhưng không khí trong nhà thì vui hẳn. Giọng Trọng Tấn - Anh Thơ lại cất lên cao vút: “Nghệ Tĩnh mình ơi, Sông Lam gọi Núi Hồng/Bạn về theo bạn đào núi lấp sông/ Đất trời như vẫn vang vang lời trống giục/ Mặt hồ lay động nên sang mênh mông/Từng đàn cá lượn cây lúa thêm nặng bông”. Bà cụ hẳn lúc nào cũng đau đáu quê nhà. Chú Thọ từng nói: “Khổ là má không nhớ rõ quê quán ở đâu. Mấy năm trước lúc má còn khỏe, cả nhà đã đưa má về thăm Nghệ An, Hà Tĩnh. Đi thăm thú chỗ nào má cũng bảo vừa lạ vừa quen. Vừa giống quê mà lại khác với quê nhà trong ký ức”.

Tôi lên một trong những chuyến xe đợt đầu tiên đón công nhân từ Sài Gòn về quê. Lúc rời xóm trọ tôi không sao ngăn được dòng cảm xúc cay xè nơi sống mũi. Chẳng biết sau này liệu tôi có còn quay lại mảnh đất này nữa không. Khi ấy có thể chẳng còn cơ hội gặp lại bà cụ nhà bên nữa. Tôi cứ nghĩ Sài Gòn đơn giản chỉ là mảnh đất mình chọn để mưu sinh. Cái tấp nập, ồn ã tưởng chừng không có gì nhung nhớ mà sao khi rời đi lại rưng rưng đến lạ. Tôi nhớ mãi khoảnh khắc lúc đứng ngoài ngõ cúi đầu chào bà cụ thì trời Sài Gòn đổ mưa. Bà cụ ngồi trong hè vẫy tay chào, hệt như cái ngày đầu tiên thấy tôi lỉnh kỉnh đồ đạc đến thuê nhà.

BÙI MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người

Sự lây lan toàn cầu đang diễn ra của các ca nhiễm “cúm gia cầm” sang động vật có vú trong đó có con người là một mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng, các chuyên gia y tế cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 18/4 cho biết, khi họ công bố các biện pháp mới nhằm giải quyết những bệnh lây truyền qua đường không khí.

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Return to top