ClockChủ Nhật, 15/05/2022 10:30

Tranh trên đá cuội

TTH - Người ta thường gắn nhãn vô hồn cho đá, nhưng với anh Nguyễn Viết Công Thành (30 tuổi, huyện A Lưới), đá cuội lại là nơi gửi gắm tâm hồn đam mê nghệ thuật và yêu quê hương. Thành đã biến đá cuội thành chất liệu sáng tác và trở thành nghề “tay trái hái ra tiền”.

Đời sống khác của đá cuội

Thành thổi hồn vào đá cuội

Là người con của thị trấn A Lưới, tốt nghiệp ngành hội họa, Trường đại học Nghệ Thuật Huế, ra trường, cũng như nhiều người khác, Thành ôm ấp nhiều hoài bão khi vào đời. Nhưng “nợ cơm áo” khiến anh rẽ sang vẽ tranh thị trường: tranh tường, tranh khung, trang trí cho quán cà phê, trường học, gia đình… theo yêu cầu. “Phải lo cơm áo gạo tiền trước đã rồi mới sáng tác, chỉ mong sống được bằng nghề hội họa”, Thành hóm hỉnh.

Nhớ lại 5 năm trước, Thành chỉ mới xem vẽ tranh trên đá cuội như một trò chơi khi rảnh rỗi. Thời gian đó, anh ham khám phá, lân la học hỏi về những chất liệu ứng dụng khác trong hội họa. Bằng mỹ cảm đặc biệt, trong mắt Thành, đại ngàn A Lưới là một kho chất liệu phong phú cho hội họa. Anh đi khắp những khoảng rừng, lang thang từ sáng đến chiều để lấy lá thông, quả thông, nhặt từng viên đá cuội những mong thỏa đam mê “nghịch” cây cọ vẽ.

Nắn nót từng tác phẩm

Cuối năm 2020, trong khoảng lặng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Thành bất ngờ được nhiều khách hàng ủng hộ, đặt mua qua mạng xã hội các tác phẩm tranh vẽ trên đá cuội. Khách hàng của anh từ Nam tới Bắc, gồm cả TP. Hồ Chí Minh, Huế, Hải Phòng…

 Theo chân Thành đi qua những con suối rì rầm giữa cơn nắng oi chớm hè, Thành xắn quần lội từ bờ này đến bờ kia để tìm những hòn cuội ưng ý. Anh đảo nhìn giữa hàng vạn viên đá cuội nằm ngổn ngang trên các con suối, đôi khi đi suốt một ngày như thế cũng chỉ nhặt được vài viên vừa ý. Những mảnh vụn từ rừng được mài nhẵn nhụi bởi gió, nước chảy có kích thước từ vài centimet đến vài chục centimet nằm nhan nhản ở các bờ suối A Lưới đã thành “toan vẽ” không mất tiền mua của chàng trai miền sơn cước.

“Ban đầu, tôi chưa có kinh nghiệm hay chọn đá xù xì về vẽ đã khó lại hao cọ, không lên đúng màu nên vẽ hỏng không ít lần. Bây giờ tôi đã biết chọn đá theo hình dáng phù hợp với ý tưởng. Đôi khi sự xù xì của của viên đá lại có thể diễn tả được xúc cảm của tôi một cách tự nhiên nhất”, Thành nâng niu hòn đá trong tay chia sẻ.

Mang đá cuội từ suối về, Thành lại cặm cụi kỳ rửa lớp đất bùn thật sạch, hong đá thật khô ráo. Căn phòng nhỏ của Thành từ đó luôn ngổn ngang đá cuội. Thành biến hóa những viên đá cuội trơ trọi thành những tác phẩm sinh động về động vật: đàn cá bơi tung tăng trong bể nước; những con bướm vàng như vừa thoát xác giang đôi cánh rực rỡ; con tắc kè hoa như đang chạy qua trước mắt giữa rừng già A Lưới hay Sao La đùa bên suối… Các đề tài phong cảnh thiên nhiên quê hương, vẽ các thành viên trong gia đình cũng được nhiều khách hàng của Thành ở nhiều độ tuổi ưa chuộng. Mỗi viên đá một dáng, một hình riêng nên tác phẩm thường độc đáo không bao giờ lặp lại.

Tranh đá cuội không phải chỉ có chàng trai 9X vẽ, nhưng thể hiện sáng tạo vẽ tranh 2D, 3D ít người đủ kiên trì theo đuổi. Thành vẫn diễn đạt ngôn ngữ hội họa khá tốt, dù tranh 3D trên đá đòi hỏi ở người vẽ nhiều công đoạn, quan sát và sáng tạo cao hơn so với những chất liệu khác như vẽ trên vải, trên tường.

Mỗi sản phẩm vẽ động vật 2D, 3D anh mất khoảng 30 phút. Những mẫu vẽ nhiều chi tiết hơn mất từ 4 tiếng đến vài ngày để hoàn thiện. Trong khi mẹ của Thành đã từng lo lắng con chọn theo học nghề hội họa thu nhập sẽ bấp bênh lại vất vả. Thành đã bán được hàng trăm tác phẩm của mình trong năm với giá từ 250.000 đồng - 500.000 đồng/sản phẩm. Những tác phẩm độc đáo hơn, khó và cần nhiều thời gian tỉ mỉ hơn, có giá tiền triệu một viên đá cuội. Thu nhập từ “nghề tay trái” đã mang lại cho chàng trai phố núi nguồn thu ổn định, đó là nền tảng để Thành hướng đến những giấc mơ vẫn còn đang dang dở.

“Sắp tới, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc sáng tác tranh trên đá cuội. Tôi mong sớm có thể mở một phòng trưng bày các tác phẩm trên đá cuội cũng như tranh khác của mình, đồng thời mở lớp dạy vẽ tranh trên đá cho học sinh vùng cao A Lưới”, nghe Thành nói trong niềm vui khấp khởi. Anh cũng chia sẻ kế hoạch sẽ kết hợp với một số homestay, các tour du lịch thực hiện những lớp vẽ trải nghiệm trên đá cuội từ các dòng suối A Nor, A Lin, Pâr Le cho du khách khi tới thăm quê mình.

Bài, ảnh: Lê Hòa

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu
Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Cô học trò nhỏ đam mê robot

Trần Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 5/1, Trường tiểu học Vĩnh Ninh cùng các đồng đội đã vượt qua các đối thủ khi tranh tài tại cuộc thi robot quốc tế - Global Robotics Games dành cho học sinh tiểu học tại Singapore.

Cô học trò nhỏ đam mê robot
Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật

Không chỉ vinh dự, những nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) xem đó còn là trọng trách nặng nề trong hành trình bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa cho hậu thế. Họ như là vốn quý, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước.

Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật
Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư pháp phương Tây) dành tâm trí hoàn toàn vào từng nét chữ. Dưới cử động thuần thục của những ngón tay, từng chữ cái với những nét mực uốn lượn thanh tao lần lượt xuất hiện trên trang giấy.

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy
Return to top