ClockThứ Bảy, 26/11/2022 07:00
DU LỊCH THỪA THIÊN HUẾ:

Tìm điểm “tắc” để phát triển thế mạnh

TTH - “Huế rất mạnh trong việc nhận ra thế mạnh của mình, việc xây dựng kế hoạch cũng rất tốt, nhưng quá trình triển khai luôn có vấn đề”. Đó là lời chia sẻ một cách thẳng thắn của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại Diễn đàn du lịch Huế năm 2022 - “Du lịch chăm sóc sức khỏe ở tỉnh Thừa Thiên Huế” vừa được tổ chức giữa tháng 11 vừa qua.

Khởi động lại du lịch tàu biểnNâng chất lượng du lịch Cố đô theo chuẩn ASEANNuôi cá phục vụ du lịch ở A Lưới

Du khách thăm Di sản Cố đô ngày mưa

Sở dĩ Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh như thế vì qua phân tích, đánh giá, tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Thừa Thiên Huế có tính vượt trội. Nhưng nếu không có cách làm hay, đổi mới, nhất là về phía cơ quan quản lý Nhà nước thì việc không phát huy được các thế mạnh, tiềm năng là điều rất có thể xảy ra. Điều này đã diễn ra với nhiều dòng sản phẩm du lịch khác.

Việc nhận ra thế mạnh, nhưng quá trình triển khai để phát huy hiệu quả thế mạnh luôn có vấn đề tồn tại. Nhận định này đúng với nhiều lĩnh vực và có lẽ phù hợp nhất với ngành du lịch. Ở Huế không thiếu tài nguyên du lịch, không thiếu những đặc trưng riêng để thu hút khách, nhân lực ở Huế cũng được đánh giá là khá dồi dào… Nhưng điệp khúc “Du lịch Huế phát triển chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh” vẫn được nhắc đi, nhắc lại qua bao nhiêu năm.

 “Đại Nội về đêm” - sản phẩm du lịch được xác định là thỏi “nam châm” thu hút khách cho Huế, giữ chân du khách ít nhất thêm một đêm nữa. Đây có lẽ là minh chứng rõ nhất cho nhận định về cách làm du lịch ở Huế có vấn đề. Trong các kế hoạch phát triển ngành du lịch của tỉnh đều nhấn mạnh khai thác Đại Nội về đêm; hay như tại kế hoạch phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường cũng đề cập giải pháp này… Nhưng đến nay chưa được thực hiện, và cũng chưa thể khẳng định năm 2023 có được khai thác hay không. Thực tế, vào năm 2017, sau bao năm ấp ủ, thử nghiệm, Đại Nội đã mở cửa về đêm. Nhưng rồi câu chuyện cách làm, cách triển khai chưa phù hợp, đơn điệu dịch vụ, chưa có nhiều trải nghiệm… là những nguyên nhân khiến sản phẩm “đóng cửa” sau đúng một mùa hè khai thác.

Các doanh nghiệp khảo sát du lịch sức khỏe tại Huế

Cũng liên quan đến hệ thống di sản, câu chuyện chiết khấu được đề cập rất nhiều. Doanh nghiệp cho rằng, đã là kinh doanh thì cần có cơ chế chiết khấu, mua bao nhiêu vé sẽ được giảm, tặng kèm, hay một hình thức nào đó để vừa hỗ trợ, vừa kích thích doanh nghiệp. Chiết khấu gần như là cơ chế quan trọng nhất trong kinh doanh. Thông tin từ ngành du lịch mới đây, cơ chế chiết khấu đến nay chưa được thực hiện và có thể thời gian dài nữa vẫn chưa áp dụng được.

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch không phải mới được nhìn nhận gần đây mà đã phải hơn một thập kỷ qua. Vai trò quan trọng của thu hút đầu tư được khẳng định, những tồn tại cũng được chỉ ra, nhưng việc thu hút vẫn rất chậm và chưa thấy những chuyển biến đáng kể thời gian qua. Đó phần lớn cũng ở cách làm. Môi trường đầu tư ở Huế không năng động bằng các địa phương, ảnh hưởng bởi thời tiết, chi phí đầu tư cao… khiến doanh nghiệp tính toán các khấu hao, khó thu hồi vốn hơn so với các điểm đến khác. Trong tình huống này, đòi hỏi Huế có nhiều cơ chế hỗ trợ tốt hơn, như về giải phóng mặt bằng, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng thiết yếu... Như tuyến đường về biển, được cho là động lực để biển Thuận An thu hút đầu tư tốt hơn, nhưng lại là câu chuyện thi công chậm.

Trước đây, Huế có chương trình Áo dài show của Công ty CP VKSTAR. Vào thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh, chương trình luôn hết chỗ mỗi tối cho cả hai suất diễn. Nhưng mới đây khi gặp lại vị nữ giám đốc công ty thì biết rằng chương trình đã dời vào Đà Nẵng để tổ chức. Rất muốn tổ chức ở Huế vì là người con của Cố đô, nhưng việc khó khăn trong tìm kiếm mặt bằng, hoặc có cũng không được sự cam kết lâu dài để doanh nghiệp bỏ ra một nguồn kinh phí lớn để đầu tư sân khấu, khán đài, âm thanh, ánh sáng… Muốn hay không muốn, Huế đã mất đi một shows diễn, một dịch vụ mang tính tiên phong trong khai thác thế mạnh văn hóa phục vụ du khách.

Thực tế cho thấy, chất lượng dịch vụ du lịch là một trong những yếu tố quan trọng để giúp du lịch phát triển bền vững, là yếu tố then chốt tạo nên uy tín, thương hiệu không chỉ cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch mà còn cho cả ngành du lịch. Nhưng nhiều dịch vụ ở Huế chậm nâng cấp, chậm thay đổi cho phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của khách. Ca Huế trên sông Hương là hiện thân cho việc chậm đổi mới này. Giá dịch vụ lại có xu hướng giảm qua các năm, chất lượng của nghệ sĩ, tính an toàn, chất lượng bến bãi… là những vấn đề được chỉ ra, dù đây rõ ràng là sản phẩm hấp dẫn nhất về đêm ở Huế hiện nay.

Những hạn chế, tồn tại được phân tích trên tất cả đều được các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong cuộc nhận thấy, nhưng khâu giải quyết vấn đề là chưa tốt. Nguyên nhân vì sao cần được nhìn nhận và sớm có những lời giải tốt hơn trong thời gian đến. Nếu không du lịch Huế lại tiếp tục kéo dài sự chậm đổi mới.

Bài, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Return to top