ClockThứ Ba, 15/12/2020 07:00

Tìm cách “giữ lửa” nghề

TTH - Vào thời điểm du lịch chưa trở lại trạng thái bình thường, các doanh nghiệp và người lao động đang cố gắng để giữ ngọn lửa đam mê với nghề.

Trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ khách trong mùa dịchSiết chặt quy trình thẩm định hồ sơ cấp thẻ hướng dẫn viên

Lao động trong lĩnh vực lưu trú đang dần trở lại với công việc

Trọn đam mê

Đã qua 10 tháng, hướng dẫn viên (HDV) tiếng Anh - Nguyễn Duy Thành không tham gia hướng dẫn bất kỳ một tour du lịch nào. Nỗi nhớ nghề càng cồn cào hơn khi những công việc mới chuyển đổi quá khó khăn đối với anh. Làm môi giới bất động sản không thành công vì không có chuyên môn; chuyển sang làm dịch vụ vận chuyển khách cũng không khả quan vì nhu cầu khách ít và không có nhiều mối khách quen.

“Vào nghề HDV đã gần 20 năm, HDV như máu thịt đối với tôi. Được phục vụ khách không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định, mà đó là cả niềm vui. Nghề HDV cho tôi tất cả, từ những khó khăn mới lập nghiệp ban đầu, ổn định cuộc sống, nuôi con cái ăn học, mua nhà... Chỉ mong sao dịch bệnh sớm kết thúc và trở lại với công việc nhanh nhất có thể. Những ngày qua, đọc được thông tin đã có vaccine phòng COVID-19 và đang được thử nghiệm, cảm xúc không thể vui hơn, ngày được phục vụ khách đã không còn xa nữa rồi”, HDV Nguyễn Duy Thành bộc bạch.

Nhiều người làm trong ngành du lịch không giấu nỗi nhớ nghề và thường xuyên chia sẻ lại những kỷ niệm phục vụ khách cùng thời điểm này của năm ngoái và các năm trước. HDV Nguyễn Đình Quyên chia sẻ dòng cảm xúc: “Đã gần 1 năm từ ngày nhận được tour cuối, không có từ nào diễn tả hết nỗi “thèm” được hướng dẫn khách, phục vụ khách và sống với nghề đã chọn”. Dù hiện tại HDV này đang làm công việc khác, song anh cho biết, chưa bao giờ có ý định sẽ bỏ nghề du lịch. Ngay khi Việt Nam đón khách du lịch trở lại, anh sẽ “gác” công việc kia và quay trở lại với nghề HDV.

Ngành du lịch Huế đang tìm giải pháp để giữ lao động

Thế giới và Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm vaccine COVID-19, thông tin không thể vui hơn với những người làm trong nghề du lịch. Theo dự báo của các tổ chức du lịch, khả năng bắt đầu từ quý II năm 2021, nước ta sẽ đón khách quốc tế trở lại. Nếu điều này diễn ra đúng dự báo thì khoảng 6 tháng nữa, nhịp sống du lịch sẽ khởi sắc. Hàng ngàn lao động trong ngành du lịch sẽ trở lại với công việc.

“Tranh thủ khoảng thời gian trước khi quay trở lại, tôi sẽ luyện lại kỹ năng phục vụ, ôn lại những kiến thức đã quên và học thêm những kiến thức mới để phục vụ khách tốt hơn. Đặc biệt là kỹ năng về đảm bảo an toàn cho khách, xử lý những tình huống khẩn cấp”, HDV Nguyễn Đình Quyên chia sẻ.

Tìm cách “giữ lửa” nghề

Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, dù đang có chuyển biến tích cực, khi ở thời điểm hiện tại là khách nội địa đang từng bước phục hồi, các khách sạn đã bắt đầu đón khách, lượng lao động ở lĩnh vực lưu trú đang dần trở lại; các doanh nghiệp lữ hành nội địa cũng đang có tín hiệu khởi động, song tính đến đầu tháng 11/2020, 70% doanh nghiệp lữ hành hoạt động cầm, tạm dừng và làm việc luân phiên. Đời sống của lao động trong ngành du lịch vẫn còn nhiều khó khăn. Làm gì để giữ chân, giữ ngọn lửa đam mê cho các lao động và trong tư thế sẵn sàng quay trở lại với ngành du lịch là điều không phải dễ, nhất là đối với những lao động đã chuyển nghề và đang thành công với công việc mới.

Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tự hào Việt Nam - Huế cho biết, để giữ được ngọn lửa nhiệt huyết của các lao động, trước hết là ở doanh nghiệp phải cố gắng, chịu trách nhiệm chia sẻ khó khăn trong khả năng cao nhất cho nhân viên, bằng những mức lương nào đó, dù thấp hơn nhưng cũng phải có. Thứ hai không kém cạnh là tạo được môi trường làm việc tình cảm, gần gũi như trong một gia đình là giải pháp quan trọng để giữ chân lao động.

Ông Trần Hữu Cửu, Chủ tịch Hội HDV chia sẻ, để phần nào hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với các thành viên, hội quyết định không thu hội phí trong năm 2020; tranh thủ những lúc rảnh, hội tổ chức các buổi office (trao đổi) để tập huấn, chia sẻ công việc và những buổi gặp gỡ chia sẻ khó khăn, động viên nhau trong giai đoạn này. Ngoài ra, hội cũng thành lập các nhóm nhỏ để hỗ trợ nhau trong tìm công việc mới; tạo ra các nhóm sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau mà các thành viên đang chuyển đổi tạm.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết, chúng tôi đã đề nghị với UBND tỉnh có những giải pháp hữu hiệu hơn, nhất là các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch vì hiện nay ít lao động tiếp cận được. Ngoài ra, ngành tiếp tục đề xuất các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như giảm tiền điện, nước, giảm thuế… Đối với các đơn vị lữ hành, ngoài chính sách thuế cần nghiên cứu cơ chế để tiếp cận các gói vay tín dụng, vì rất ít đơn vị lữ hành có tài sản thế chấp… Chỉ khi cứu được doanh nghiệp mới có thể cứu được người lao động, giữ được sự nhiệt huyết và đam mê với nghề.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch chuyên đề

Sản phẩm của du lịch chuyên đề thường mang tính đặc trưng, chuyên sâu và kén người làm, nhưng lại tạo lợi thế cạnh tranh có một không hai. Ở Huế, tiềm năng, tài nguyên du lịch là lợi thế để khai thác các sản phẩm du lịch chuyên đề.

Tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch chuyên đề
Return to top