ClockThứ Năm, 30/08/2018 13:45
ĐẤT "VÀNG" QUANH ĐẠI NỘI:

Tiềm năng lớn cho du lịch

TTH - Cách đây hơn chục năm, tại một vài hội thảo bàn giải pháp làm mới du lịch Huế, các chuyên gia cho rằng, nên hình thành các tuyến phố đi bộ quanh khu vực Đại Nội nhằm khai thác vị thế “vàng” về du lịch khu vực thành nội Huế.

Thêm sản phẩm cho du lịch

Đường Đoàn Thị Điểm - tuyến  đường "vàng" du lịch. Ảnh: Phan Thành

Một trong số những con đường du lịch lý tưởng tại khu vực thành nội là đường Đoàn Thị Điểm, chạy sát chân Đại Nội-nơi được ví như trái tim của du lịch Huế. Dưới tán cây xanh, hàng ngày, có rất nhiều du khách bộ hành trên tuyến đường này trong hành trình tham quan Huế, khi đến Đại Nội.

Không ít du khách và các chuyên gia du lịch bày tỏ sự tiếc nuối bởi đường Đoàn Thị Điểm đến nay vẫn còn hoang sơ, nhiều khoảnh đất có vị trí đắc địa sát nách di sản Đại Nội vẫn còn để hoang. Trên tuyến đường này, nhiều đoạn rất nhếch nhác, như đoạn đi qua hông Bảo tàng Lịch sử cách mạng tỉnh. Tại đây, khu tập thể của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Huế trước đây trong khuôn viên di tích Quốc Tử giám, sát lề đường Đoàn Thị Điểm đã cũ nát từ lâu chưa được giải tỏa. Trên vỉa hè của tuyến đường, một vài điểm cà-phê, giải khát, quán nước mía, nước dừa… tự phát cũng tạm bợ, nhếch nhác. Dưới con mắt của những người làm kinh tế, lẽ ra, tuyến đường Đoàn Thị Điểm phải được khai thác tối đa cho dịch vụ du lịch, chẳng hạn như việc quy hoạch các ki-ốt ngăn nắp, đẹp mắt để bán hàng lưu niệm cho du khách ghé chân ngay sau khi rời Đại Nội.

Tiếp nối đường Đoàn Thị Điểm là đường Mai Thúc Loan. Đây cũng được xem là tuyến đường “vàng” khi nằm ở trung tâm thành phố, sát nách Đại Nội-nơi mỗi năm đón hàng triệu lựợt khách tham quan. Chỉ cách Đại Nội vài chục bước chân nhưng mặt bằng vỉa hè tuyến đường này lâu nay chủ yếu dành cho mặt hàng áo quần may sẵn bình dân, một vài quán ăn bình dân, chủ yếu phục vụ người dân địa phương, với các ki-ốt tạm bợ. Không chỉ sát nách cố cung xưa thuộc quần thể di tích triều Nguyễn đã được công nhận di sản thế giới, tuyến đường này còn có di tích cấp Quốc gia-Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế (tại 112 Mai Thúc Loan) và bảo tàng tư nhân của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn.

Có vị trí "vàng" ở vùng lõi du lịch nhưng lợi thế của đường Mai Thúc Loan (ảnh) chưa được khai thác hiệu quả. Ảnh: Phan Thành

Đại Nội-hoàng cung xưa của triều Nguyễn-được bao bọc bởi các tuyến đường Mai Thúc Loan, Đặng Thái Thân, Đoàn Thị Điểm, Lê Huân, tiếp nối các tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Thánh Tôn, Phan Đăng Lưu, Hàn Thuyên, Nguyễn Biểu ...theo kiểu ô bàn cờ. Đây cũng là các tuyến phố thương mại lâu đời của Huế. Tuy nhiên, việc quy hoạch chúng như thế nào, với hệ thống dịch vụ gì, kiến trúc sa sao để tạo sự đồng bộ, thống nhất nhằm mục đích phục vụ du lịch một cách tối ưu nhất thì đến nay chưa được đặt ra. Các dịch vụ tại khu vực này lâu nay mang tính tự phát, chưa tạo được đột phá về diện mạo đô thị và kinh doanh gắn với du lịch.

Cách đây hơn chục năm, khi các tuyến phố đi bộ chưa hình thành trên đường Nguyễn Đình Chiểu và gần đây là trên các tuyến đường Phạm Ngũ Lão-Võ Thị Sáu-Chu Văn An, các chuyên gia cho rằng, nên hình thành phố đi bộ xung quanh Đại Nội. Theo đó, sẽ xây dựng các tuyến phố ẩm thực, mua sắm, thời trang, nghệ thuật..., tạo khu du du lịch mua sắm, ăn uống, giải trí  liên thông, nối liền giữa các tuyến đường. Đây sẽ là khu dịch vụ bổ trợ thu hút du khách sau khi tham quan Đại Nội theo kiểu nhà nhà làm du lịch.

Các chuyên gia cho rằng, với tiềm năng du lịch di sản đan xen trong khu dân cư như Huế, không cần đầu tư nhiều về hạ tầng, chỉ cần có định hướng tốt, chính sách hỗ trợ tốt để người dân tham gia làm du lịch, Huế sẽ tạo được đột phá từ khu vực nội thành, xuay quanh trục Đại Nội. Thậm chí, với thời tiết mùa mưa ở Huế, một số ý kiến, trong đó có dịch giả Bửu Ý cho rằng, nên thiết kế hệ thống hành lang liên thông có mái che như công trình Khách sạn Morin trên đường Lê Lợi cho các tuyến đường quanh Đại Nội để du khách thuận tiện tản bộ.

Cách đây vài năm, tại các diễn đàn phát triển du lịch Huế, các chuyên gia nhận định, sau hàng chục năm khai thác, điểm đến Đại Nội nói riêng và di sản văn hóa Huế nói chung đang có nguy cơ bảo hòa, cần sự làm mới. Nguồn thu dịch vụ ở Đại Nội lâu nay chủ yếu là từ tiền bán vé vào cổng. Nếu không tận dụng để đầu tư khai thác tốt các dịch vụ bổ trợ quanh Đại Nội nhằm tăng doanh thu, tạo việc làm cho người dân thì đây có thể xem như một sự lãng phí. 

 Nhật Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Đánh thức” tiềm năng du lịch

Với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa lịch sử, thị xã Hương Trà đang tích cực tìm hướng phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch
Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều
Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên

TIN MỚI

Return to top