ClockThứ Ba, 10/02/2015 09:12

Thưởng ngoạn bộ tranh “Triều đình Huế” của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân năm Ất Mùi 1895

TTH - Sau khi có đủ nhân duyên xuất bản tập sách “Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn”, chúng tôi may mắn được thân hữu thông báo cho biết thêm một số tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân (NVN) hiện còn lưu giữ được ở trong và ngoài nước. Nhân dịp xuân Ất Mùi – 2015, xin giới thiệu bộ tranh “Triều đình Huế” (la Cour de Hué) do NVN thực hiện năm Ất Mùi – 1895, dưới triều Thành Thái, cách đây chẵn 120 năm.
 Thượng thư Bộ Công (Đào Tấn)
 
Ảnh chụp chân dung cụ Đào Tấn 
 
Bộ tranh gồm có 6 bức vẽ bằng màu nước trên giấy, kích thước 50 cm x 60 cm, đặc tả cảnh sinh hoạt tại các cơ quan trọng yếu của triều đình nhà Nguyễn, gồm:

1. Viện Cơ mật (le Conseil Secret):

 

Viện Cơ mật
  

Viện Cơ mật được thành lập năm 1835, dưới triều Minh Mạng (1820-1840). Nhà vua đích thân chọn bốn vị quan lớn (văn, võ) từ tam phẩm trở lên sung vào Viện để bàn bạc các việc trọng yếu của đất nước.

2. Bộ Lại (Ministère de l’Intérieur):
 

Bộ Lại
Bộ này có nhiệm vụ quản lý quan lại thuộc ban Văn, có nhiệm vụ bổ dụng, thuyên chuyển, thăng thưởng, khảo sát, phong tước, phong tặng… tương đương Bộ Nội vụ ngày nay.

Cơ cấu lãnh đạo một bộ gồm một quan Thượng thư (bộ trưởng), hai quan Tham tri (thứ trưởng), và hai Thị lang (vụ trưởng), cùng các thuộc viên như Lang trung, Viên ngoại, chủ sự, tư vụ, thư lại.

3. Bộ Hộ (Ministère des Finances):
 

Bộ Hộ

 
      
 Thượng thư Bộ Công Trương Như Cương


Ảnh chụp chân dung cụ Trương Như Cương

 Bộ đảm trách công việc tài chánh, thuế khóa, ruộng đất, tiền tệ, kho tàng, lương thực, hóa vật v.v. tương đương Bộ Tài chính ngày nay.

4. Bộ Lễ (Ministère des Rites):

Bộ Lễ
 
Bộ chuyên trách về nghi lễ, giáo dục, ngoại giao.

5. Bộ Công (Ministère des Traveau publics):
 

Bộ Công

Chuyên trách xây dựng cung điện, thành trì, lăng tẩm; chế tạo tàu thuyền, xe cộ, mua sắm nguyên vật liệu v.v.; tương đương Bộ Xây dựng ngày nay.

6. Lễ Phục mạng (la Cérémonie de Phuc mang):

 

Lễ phục mạng


Miêu tả lễ báo cáo hoàn tất công vụ của một vị quan (khâm sai) trước vua và triều đình. Vị quan này nhận lệnh vua giao phó (khâm mạng), sau khi giải quyết xong phải làm lễ báo cáo đầy đủ (phục mạng), đồng thời hoàn trả các phù, tiết, ấn, kiếm… vua ban để thực thi công vụ. Lễ này thường diễn ra tại sân điện Cần chánh, được cử hành theo nghi thức thường triều. 

Bộ tranh “Triều đình Huế” này nằm trong chuyên đề tư liệu lịch sử được NVN vẽ năm 1895, tức trước bộ tranh “Đại lễ phục triều đình An Nam” (la Grande tenue de la Cour d’Annam) 7 năm (tháng 12 năm 1902). Chắc chắn rằng, bộ tranh không chỉ gồm sáu (6) bức như hiện đang được trưng bày tại Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội. Bởi lẽ, với đề tài “Triều đình Huế” ông không thể chỉ vẽ 4 bộ (thay vì 6 bộ), và ngoài Viện Cơ mật còn có Tôn nhơn phủ, Viện Đô sát, Quang lộc tự, Thái thường tự… cùng các cơ quan cơ yếu khác; đồng thời, lễ Phục mạng cũng chỉ là một lễ thường trong rất nhiều nghi thức quan trọng khác của triều đình nhà Nguyễn. Do đó, khi đối chiếu với bộ tranh hoàn chỉnh về đề tài Đại lễ phục gồm có tới 54 bức, cho thấy có khả năng đây là một mảng đề tài lớn khác của NVN, tuy nhiên đã bị thất tán và chưa được sưu tập đầy đủ.

Cùng bút pháp hiện thực quen thuộc dễ nhận thấy như trong Đại lễ phục triều đình An Nam, ở bộ tranh này, NVN đã sử dụng thủ pháp ước lệ để dễ dàng miêu tả công việc đặc thù của các cơ quan. Chẳng hạn, Bộ Công thợ thuyền đứng, ngồi cưa xẻ chạm trổ vật liệu dùng trong xây dựng; Bộ Hộ tấp nập thương nhân vào ra giao dịch tài chánh thuế khóa; Bộ Lễ trưng bày áo mão cân đai, vật phẩm cúng tế... Một điểm thú vị khác, NVN ngoài việc miêu tả tư liệu, các nhân vật trong tranh ông cũng hiện rõ ràng, sinh động dưới bút pháp truyền thần chân thực của một nghệ nhân bậc thầy. Có thể thấy điều này khi đối chiếu ảnh chân dung của các vị thượng thư đương nhiệm như Trương Như Cương (Bộ Hộ), Đào Tấn (Bộ Công)… Điều này càng khẳng định thêm giá trị về nghệ thuật tạo hình, tư liệu lịch sử vào giai đoạn cuối thời nhà Nguyễn trong các tác phẩm của NVN.

Chúng tôi hy vọng sẽ lần lượt công bố thêm các tác phẩm khác ở các mảng đề tài khác của NVN để người xem hiểu rõ, đánh giá đúng tài năng và công lao của NVN đối với văn hóa mỹ thuật Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

 
Nguyễn Văn Nhân là người ở phường Kim Liên, tổng Kim Liên, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Ông sinh khoảng 1840, là nghệ nhân truyền thần và trang trí, làm chức Kí lục (có thể là chuyên viên chuyên trách nghề vẽ) tại Tòa khâm sứ Trung kỳ cho đến lúc hồi hưu vào năm 1900 (khoảng 60 tuổi). Sau đó tiếp tục cộng tác với học giả L. Cadière trong vai trò người khởi xướng ý tưởng và được giao nhiệm vụ phụ trách phần đồ họa chuyên đề l’Art à Hué cho tập san Hội những người bạn Cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Hué – BAVH) do L. Cadière điều phối. Nguyễn Văn Nhân qua đời trước khi tuyển tập đồ họa này được xuất bản, năm 1919.
 
Nguyễn Văn Nhân có thể được xem là nghệ nhân thuộc thế hệ đầu tiên tiếp xúc với nghệ thuật phương Tây một cách tự phát bằng ý thức tự học thông qua môi trường công vụ đặc thù. Và là người đầu tiên ứng dụng các kỹ thuật tạo hình phương Tây kết hợp với truyền thống vẽ truyền thần bản địa, và bước đầu đạt được những thành tựu đáng trân trọng qua các tác phẩm hiện đang được lưu giữ.
 
Tác phẩm chính: chân dung thiền sư Linh Cơ, thiền sư Phước Chỉ, chân dung Phạm Phú Thứ v.v., bộ tranh Triều đình Huế (la Cour de Hué), bộ tranh Đại lễ phục triều đình An Nam (Grande Tenue de la Cour d’Annam ) gồm 54 bức… Các tác phẩm này hiện đang được tiếp tục khảo sát, nghiên cứu để minh định các vấn đề liên quan.
 
Bài, ảnh: Trần Đình Sơn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top