ClockThứ Ba, 19/12/2017 14:24
LIÊN KẾT DU LỊCH:

Thực hiện cam kết ngay từ đầu năm 2018

TTH - Sau chuyến khảo sát các điểm du lịch tại Huế giữa tháng 12/2017 của CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, phía CLB cam kết sẽ tăng cường đưa khách đến Huế và ngược lại, các nhà cung ứng ở Huế phải đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá cả để hai bên đều có lợi.

Đoàn famtrip Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh khảo sát các tuyến điểm du lịch Huế

CLB Lữ hành UNESCO khảo sát và đạp xe tham quan Thủy Biều

Nhiều góp ý cho du lịch

Trong ba ngày khảo sát ở Huế (từ 9-12/12), đoàn famtrip quyết định không khảo sát hệ thống di sản mà chỉ khảo sát các điểm đến du lịch mới nhằm hỗ trợ cho di sản khi làm tour. Những ngày ở Huế, trực tiếp sử dụng và trải nghiệm các dịch vụ, các thành viên trong đoàn có nhiều góp ý cho Huế một cách thẳng thắn.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH JTB-TNT nhận định, Huế có nhiều sản phẩm hay nhưng cần tìm tòi cái độc, lạ và có chiều sâu hơn mới đủ sức hấp dẫn. Cụ thể như tại làng nghề chạm khắc gỗ Mỹ Xuyên, đây là một làng nghề nổi tiếng, nhưng khi đến thì có cảm giác như bao làng nghề chạm gỗ khác trên cả nước. Cần có nhà trưng bày về lịch sử và một số sản phẩm giúp làng nghề nổi tiếng, thông tin về các nghệ nhân được công nhận nơi đây để khi du khách đến thỏa mãn được nhu cầu tìm hiểu văn hóa. Hay phá Tam Giang rất đẹp, cần có một nhà trưng bày để giới thiệu hệ sinh thái, các loại hải sản đặc trưng nơi đây. Cần xây dựng một chòi cao hơn để khi du khách đến lên đó chụp ảnh bình minh, hay hoàng hôn để tạo điểm nhấn, chứ như hiện nay chỉ mức trung bình.

Về chất lượng dịch vụ, Giám đốc Công ty TNHH JTB-TNT cho biết ở Huế khá tốt, tuy nhiên, ông cũng góp ý khi cung ứng dịch vụ thì cần phải tốt và chuẩn mực nhất. Hôm ông lưu trú tại một khách sạn ở TP. Huế thì vòi tắm có dấu hiệu bị hỏng. “Những gì được mặc định thì cần tốt nhất. Khi thấy xộc xệch như thế thì chủ doanh nghiệp cần phải sửa ngay, tạo cảm giác chu đáo. Đó là những cái nhỏ nhặt nhưng tạo sự thành công cho dịch vụ du lịch”, ông Tấn góp ý.

Ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Công ty TNHH Exotic Việt Nam nêu ý kiến, Huế đang bị áp lực cạnh tranh với các địa phương xung quanh. Trước đây khi xây dựng tour đến miền Trung, ít nhất phải ngủ ở Huế một đêm. Nay thì dần thay đổi, đến Huế chỉ là để tham quan mà thôi. Đây là vấn đề mà ngành du lịch cần phân tích và có giải pháp tốt.

“Theo tôi, làm sao đó khi xây dựng sản phẩm thì làm cho du khách “rớt” lại Huế một buổi trưa hay một buổi tối. Huế có thể áp dụng hình thức “bán hai tặng một”. Khi du khách đến Huế đã đi hai điểm di tích có bán vé, điểm thứ 3 là miễn phí thì kéo thêm thời gian để đi. Dù có thể mất doanh thu bán vé, nhưng đổi lại khách ở lại một đêm, sử dụng dịch vụ lưu trú, ăn uống và nhiều dịch vụ khác sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với thu vé. Hình thành các sản phẩm bổ trợ cho di sản phải nằm trên trục đường đi tham quan. Khi đi thăm lăng Tự Đức có đi qua một làng làm hương. Nếu làng nghề này được đầu tư quy mô hơn, có các hình thức trải nghiệm thì chắc chắn sẽ kéo thời gian khách ở lại lâu hơn”, ông Phương chia sẻ.

Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt – Trần Văn Long cho rằng, lâu nay Huế quá tự hào những gì đang có. Đầu tiên Huế cần thay đổi là cách làm du lịch, cần cầu thị. Trong thị trường cạnh tranh và có quá nhiều lựa chọn, không cầu thị hội nhập thì sẽ thất bại. Bên cạnh, có cảm giác Huế đang bị kẹp chặt giữa các địa phương xung quang và không thể di chuyển được. Huế không nên đua, mà hãy giữ những gì rất Huế: văn hóa, đền đài, lăng tẩm… nhưng đòi hỏi phải có sự thay đổi dựa trên cái “rất Huế” đó, không cần quá nhiều sản phẩm, chỉ cần 1-2 sản phẩm đặc thù mà làm thật tinh, thật hoành tráng. Cần quy hoạch, tôn tạo lại di sản và kêu gọi doanh nghiệp vào để có thêm những dịch vụ gia tăng gắn với di sản.

Tăng cường đưa khách đến Huế

Sau chuyến khảo sát, doanh nghiệp giữa các bên có một buổi gặp mặt, tại đây, ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng, Giám đốc TNK Travel, Phó Chủ nhiệm CLB Lữ hành UNESCO khẳng định, CLB sẽ thành lập một liên minh và sẽ tăng cường đưa khách đến Huế ngay trong năm 2018. Sau chuyến khảo sát này, CLB sẽ làm việc ngay với hãng hàng không để đặt sơ ri vé. Đổi lại, cơ quan quản lý và các nhà cung ứng dịch vụ ở Huế phải có đồng hành như thế nào với CLB, như có chế độ ưu đãi về vé tham quan, khách sạn, nhà hàng.

Phía CLB Lữ hành UNESCO giao cho Công ty Du lịch Việt làm đầu mối để liên kết và thống nhất các điều kiện. Ông Trần Văn Long nhấn mạnh, với giá dịch vụ ở Huế hiện nay thì không nên giảm giá, nhưng cần có cam kết về chất lượng, thực phẩm tươi hơn, “đầy đặn” hơn… Khi thiết kế tour, CLB sẽ chọn Huế là điểm chính và đưa khách bay thẳng đến Huế. Khi đã có ký kết thì cần có cơ chế giám sát và cuối năm 2018 có tổng kết để kiểm chứng hiệu quả, rút kinh nghiệm.

Về phía Huế, ông Lê Xuân Phương, Giám đốc DMZ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lữ hành tỉnh khẳng định: “Tôi sẽ đại diện cho các nhà cung ứng dịch vụ ở Huế để ký kết, chịu trách nhiệm làm đầu mối để sớm có ký kết chính thức. Tháng 1/2018, khi tổng kết của CLB Lữ hành UNESCO tại TP. Hồ Chí Minh thì Huế sẽ vào và tiến hành ký kết chính thức”.

Với phương châm “nói là làm”, hy vọng hai bên sẽ đạt được hiệu quả khi hợp tác. Quan trọng hơn, Huế cần có những điều chỉnh phù hợp, để đạt mục tiêu tăng lượng khách, thời gian lưu trú và thu nhập từ du lịch.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cấp mở rộng lên 4 làn xe mới đảm bảo khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn

Ngày 16/3, Đoàn giám sát của Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” do Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn đã đi khảo sát tình hình thực hiện dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan (cao tốc đi qua Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng).

Nâng cấp mở rộng lên 4 làn xe mới đảm bảo khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn
Khảo sát khu vực diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu

Ngày 7/3, Đoàn công tác của tỉnh do Thượng tá Phan Thắng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh làm trưởng đoàn đã khảo sát, xác định các khu vực diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu cấp khu vực tại tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024.

Khảo sát khu vực diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu
Liên kết & nâng tầm thương hiệu

Câu chuyện về liên kết để nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề đã và đang được các doanh nghiệp (DN), làng nghề triển khai nhằm hiện thực hóa mục tiêu mở rộng cơ hội giao thương, góp phần bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống.

Liên kết  nâng tầm thương hiệu
Phát huy lợi thế liên kết để phát triển du lịch

Liên kết đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch phát triển. Năm 2024, với vai trò là trưởng nhóm liên kết phát triển du lịch 5 địa phương ở miền Trung, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đề xuất và triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết, xúc tiến quảng bá du lịch, góp phần phát triển ngành công nghiệp không khói.

Phát huy lợi thế liên kết để phát triển du lịch
Return to top