ClockThứ Bảy, 21/08/2021 06:45

Thu hút đầu tư vào du lịch, cơ chế & còn hơn thế nữa - Kỳ 1: Thắp đuốc tìm “sếu” đầu đàn

TTH - Nghị quyết 54 -NQ/TW định hướng Thừa Thiên Huế đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch của Đông Nam Á; đến năm 2045 trở thành trung tâm du lịch của châu Á. Mục tiêu đã có, nhưng yêu cầu đặt ra là Huế cần phải có những giải pháp căn cơ hơn trong thu hút đầu tư, những thương hiệu du lịch hàng đầu để giúp du lịch Cố đô cụ thể hóa các mục tiêu của một trung tâm du lịch hàng đầu.

Phấn đấu thu hút 60% khách đến Huế so với cùng kỳĐầu tư phải bài bản

Thừa Thiên Huế là một trong ít địa phương có cảng biển du lịch, nhưng chưa phát huy hết lợi thế để thu hút đầu tư (Ảnh chụp thời điểm trước bùng phát dịch COVID-19)

Vì sao môi trường đầu tư ở Huế thiếu năng động, không thể thu hút được những nhà đầu tư lớn, có thương hiệu; hoặc có nhưng lại chậm triển khai để thực hiện vai trò dẫn dắt… là câu hỏi đã được đặt ra suốt nhiều năm qua.

Điểm yếu của du lịch Huế

Trong một tham luận của lãnh đạo Tổng cục Du lịch gần đây đánh giá, khi nhắc đến vùng đất Cố đô, sẽ nghĩ ngay là nơi của những di sản và lễ hội, điểm nhấn quan trọng nhất trên “Con đường di sản miền Trung”, là nguồn tài nguyên quý giá của du lịch không chỉ riêng Huế mà của Việt Nam; những tiềm năng khác về tài nguyên thiên nhiên, như biển, núi, sông, suối… là những nền tảng để Thừa Thiên Huế có những bước phát triển toàn diện và bền vững, trở thành thành phố Festival, thành phố Văn hóa của ASEAN, trung tâm văn hóa, du lịch lớn của cả nước.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra một dự án du lịch ở Vinh Thanh, Phú Vang

Nhưng khi đánh giá thực tế, xét về các chỉ số thể hiện tốc độ phát triển của điểm đến, như số lượng khách, ngày lưu trú, mức chi tiêu của du khách… Thừa Thiên Huế đang ở mức thấp, không bằng các điểm đến khác. Một thước đo mà theo những chuyên gia, nhà hoạch định chính sách có vai trò quan trọng hơn, quyết định khả năng phát triển bền vững của điểm đến, nâng khả năng cạnh tranh với những điểm đến khác chính là số lượng các nhà đầu tư mà Huế đang sở hữu còn quá ít ỏi. Điều này sẽ khiến việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 54 sẽ không dễ dàng, nếu không có sự tăng tốc sớm.

Theo các chuyên gia, chính việc thiếu những nhà đầu tư lớn, những dịch vụ vui chơi giải trí đẳng cấp, có thương hiệu… nên du lịch Huế vẫn đang phụ thuộc quá nhiều vào văn hóa - di sản. Trong khi đó, loại hình này cũng chậm đổi mới, khiến Huế không thể cạnh tranh trong việc thu hút và giữ chân khách ở lại lâu hơn. Đã hơn 10 năm, hầu hết các nghị quyết, đề án, kế hoạch phát triển du lịch Thừa Thiên Huế đều đề ra giải pháp tập trung thu hút được những thương hiệu du lịch lớn như Hilton, Hyatt, Marriott, InterContinental,... để làm đòn bẩy, tạo đột phá trong phát triển du lịch. Nhưng đến nay Huế vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư nào.

Trong sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 03, điểm hạn chế này cũng đã được chỉ ra, các dự án đầu tư phát triển khu du lịch trọng điểm ở khu vực TP. Huế, Cảnh Dương - Lăng Cô; các dự án du lịch, dịch vụ ở Vinh Thanh, Thuận An và vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tiến độ còn chậm. Số lượng các cơ sở lưu trú cao cấp để đáp ứng nhu cầu du khách còn ít, sau 10 năm, số lượng khách sạn 3 - 5 sao vẫn là 28 cơ sở.

Vắng bóng những thương hiệu du lịch lớn

Cuối năm 2020, chúng tôi có dịp đến Phú Quốc và choáng ngợp trước những đại công trình, những “quần thể” dịch vụ du lịch đẳng cấp đã và đang hình thành, với hai đầu tàu Sungroup và Vingroup. Gần hơn có Đà Nẵng và Quảng Nam nằm trong mối liên kết du lịch “ba địa phương – một điểm đến” với Huế cũng tăng tốc mạnh mẽ khoảng 10 năm qua, những thương hiệu du lịch hàng đầu đã tạo điểm nhấn cho du lịch tỉnh bạn.

Trong chương trình quảng cáo trên các sóng truyền hình trước khi vào chương trình thời sự 19h, hàng loạt dự án, điểm đến du lịch có mức đầu tư lên đến hàng tỷ USD tại Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Quốc… được quảng bá nhiều lần. Riêng với Huế, chưa có lần nào xuất hiện để quảng bá điểm đến trong khung giờ “vàng” này. Nghĩ không thể không chạnh lòng, bởi du lịch Huế có điểm xuất phát sớm, từng có một thời gian là điểm đầu tư hấp dẫn nhất ở nước ta.

Du lịch Lăng Cô đang mời gọi đầu tư

Mới đây, Tập đoàn Swiss -Belhotel International (một trong những chuỗi khách sạn phát triển nhanh nhất thế giới) lên kế hoạch mở rộng danh mục đầu tư tại Việt Nam với hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng và căn hộ mới tại các điểm đến trên khắp cả nước. Các điểm đến được tập đoàn này nghiên cứu gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Quốc, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Sapa và Hội An, nhưng lại không có Huế trong kế hoạch phát triển.

Trong lúc chờ đợi những thương hiệu du lịch lớn, như Hilton, Hyatt, Marriott, InterContinental... đến để giúp Huế làm đòn bẩy, tạo đột phá trong phát triển du lịch, việc thu hút những “ông lớn” trong nước, như Vingroup, Sungroup, FLC... được cho là dễ dàng hơn, nhưng điều này du lịch Huế vẫn chưa thể làm được. Trên thực tế, những nhà đầu tư trên đều đến Huế tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá cơ hội, nhưng lại không chọn là điểm để rót vốn. Trong khi đó, nhiều địa phương trong nước, không cần quá nhiều, chỉ cần đón được một trong những “ông lớn” trên đến đầu tư, đã giúp du lịch có bước tiến mạnh mẽ.

Tại hội nghị phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên được tổ chức tại Huế đầu năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký kết biên bản hợp tác chiến lược với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp du lịch lớn, như Tập đoàn FLC, Vietravel, Tập đoàn Sovico Holding, Công ty CP Văn Phú Invest. Việc ký kết này hy vọng sẽ là tạo chững “cú hích” cho thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư hạ tầng và du lịch dịch vụ. Đây được xem là những con “sếu” đầu đàn mới cho Huế, nhưng đến nay chưa nhiều dự án triển khai, hoặc có cũng ở giai đoạn bắt đầu.

Cũng cần nhìn nhận khách quan, Thừa Thiên Huế cũng đã tập trung để tìm “sếu” đầu đàn. Trước đây Huế đã tạo nhiều điều kiện cho Tập đoàn Bitexco vào đầu tư và kỳ vọng sẽ là đầu tàu dẫn dắt cho du lịch Cố đô trong tương lai. Nhưng vì lý do chủ quan, lẫn khách quan mà vai trò của tập đoàn này không được thể hiện, dần tháo vốn ra khỏi vùng đất Cố đô.

Có cần “sếu” đầu đàn?

Từ thực tế đang thiếu các nhà đầu tư lớn, cùng với đó dịch COVID-19 xảy ra như liều thuốc thử hạng nặng, kiểm tra sức đề kháng của doanh nghiệp, cho thấy những tập đoàn, doanh nghiệp càng lớn, tổn thất càng nặng nề do đại dịch. Vì vậy, thời gian qua có ý kiến cho rằng, liệu chăng cần phân tích lại vấn đề là Huế có cần “sếu” đầu đàn không, hay cần có một hình thái phát triển riêng, tối ưu hơn, xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ tương đương nhau và cùng nhau phát triển.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế, Tổng Giám đốc Tập đoàn BRG tại Thừa Thiên Huế cho rằng, không riêng gì du lịch mà tất cả các ngành kinh tế khác, khi đã được xác định là mũi nhọn thì phải có đầu đàn. Chính những “sếu” đầu đàn giữ vai trò dẫn dắt, hỗ trợ và kéo các doanh nghiệp xung quanh cùng đi lên. Khi thu hút được nhà đầu tư lớn, bản thân họ sẽ làm được rất nhiều việc cho địa phương bằng chuỗi các dịch vụ vui chơi giải trí, lưu trú, nghỉ dưỡng… Nguồn lực quảng bá của doanh nghiệp cũng rất lớn, đến được những thị trường mà địa phương đôi khi chưa tiếp cận được. Cũng chính nhà đầu tư lớn giải quyết được vấn đề hàng không, giúp mở cửa bầu trời bằng nguồn khách của mình…

Tại hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức tại Thừa Thiên Huế cách đây không lâu, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng phân tích, các “sếu” đầu đàn, tập đoàn tư nhân đầu tư, gắn kết với dân cư, doanh nghiệp nhỏ tại điểm đến sẽ tạo ra sức mạnh vô cùng lớn để thu hút du khách. Du lịch là sự nối kết giữa các con tim, làm du lịch mà không khiến du khách rung động thì không thể thành công được. Do đó, chính những con “sếu” sẽ đóng vai trò tiên phong, tạo điểm nhấn thu hút khách cho điểm đến.

Cũng tại hội nghị này, bổ sung vai trò của các “sếu” đầu đàn, PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu ví dụ, với bộ ba Bà Nà Hill, Asia Park và InterContinental của Sungroup đã giúp Đà Nẵng định hình “chân dung” du lịch của mình. Sự có mặt của Sungroup buộc Đà Nẵng có tư duy làm du lịch khác, lấy nhà đầu tư này làm chuẩn, thước đo về chất lượng dịch vụ. Do đó, đối với các địa phương như Thừa Thiên Huế, trong thu hút nhà đầu tư, có thể chọn 1 - 2 doanh nghiệp chiến lược và tạo điều kiện tối đa, để định hình cho du lịch Cố đô.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, nguyên lý phát triển và thực tiễn đều đã chứng minh, để phát triển du lịch nhanh, bền vững phải có những nhà đầu tư lớn mang tính dẫn dắt. Đó là nhà đầu tư có tâm huyết với vùng đất. Trong các giải pháp phát triển của ngành du lịch, thu hút các nhà đầu tư lớn tiếp tục được đặt ra và ưu tiên hàng đầu.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Kỳ 2: Điểm nghẽn trong thu hút đầu tư

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng
ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

TIN MỚI

Return to top