ClockThứ Năm, 18/07/2013 05:27

Thơm nồng cái bánh ú tro

TTH - Chiếc bánh ú tro chỉ nhỏ bằng bàn tay, bánh có dạng hình chóp, bên ngoài bọc lá dong, khi bóc vỏ để lộ thân bánh có màu đỏ nung. Bánh ú tro được ăn kèm với đường trắng, bánh có vị bùi bùi, thoang thoảng mùi nếp mới, vị nồng của hương tro lò ngói.

Mệ Hiên, một người có thâm niên làm bánh ú tro ở Phú Mậu, Phú Vang gần 50 năm kể lại: Tôi không biết truyền thống làm bánh ú tro mỗi dịp Tết Đoan Ngọ có từ bao giờ. Thời tôi về làm dâu, mẹ chồng tôi đã dạy cho tôi cách gói và nấu bánh ú tro. Nguyên liệu để làm bánh ú tro rất đơn giản, gồm có: nếp, măng tươi và nước tro từ các lò ngói. Vào những ngày cuối tháng tư âm lịch, người dân Thanh Tiên thường đi đò qua sông, về xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền để tìm tro trong các lò ngói. Tro càng để lâu ngày thì bánh cáng chất lượng. Tro đem về ngâm trong thùng nước sạch 10 ngày đến khi nước tro có màu vàng, chất cặn lặn hết xuống phía đáy thùng mới đạt yêu cầu. Trong thời gian đó, phải có người canh thường xuyên để nước tro không bị khoấy động.

 

Bánh ú tro - đặc sản dân dã của làng Thanh Tiên. Ảnh: Hiền An

Nếp làm bánh là nếp mới, còn non nẻo và được dầm trong nước tro một đêm rồi vớt ra. Bánh ú tro được gói trong chiếc lá dong xanh. Dây buộc bánh là cây lác mọc ở ven sông, hồ được người dân trong làng đem về phơi khô, tước thành từng sợi.

Mệ Hiên cho biết: Bánh ú tro nhìn rất đơn giản nhưng khi gói, người gói phải khéo tay mới gói được những chiếc bánh có ba góc sắc nhọn, đó là đặc trưng rất riêng của chiếc bánh ú tro. Khi nấu, bánh ú tro được gói thành từng chùm, xếp xen kẽ với măng vòi. Nồi bánh được nấu bằng củi, khoảng 3 đến 4 tiếng đồng hồ thì bánh chín tới. Những người làm nghề lâu năm đều có chung một nhận định: “Bánh ú tro chất lượng phải là những chiếc bánh có màu đỏ đậm, thân bánh láng lẩy, không bị chảy nước. Mùi bánh dậy lên mùi thơm của tro, của nếp, của măng, hiện lên màu đỏ gạch của ngói, gợi lên bao cảm xúc về hình ảnh làng quê nông thôn.

Hiện nay, trong làng Thanh Tiên có khoảng 7 đến 8 hộ dân còn giữ nghề truyền thống làm bánh ú tro. Mệ Hiên năm nay đã bước qua tuổi 73, mệ tâm sự: “Tôi già rồi nhưng vẫn cố gắng làm bánh ú tro để gìn giữ cái nghề của ông cha để lại. Bây giờ tôi đã dạy cho con dâu tôi cách làm, sau này con dâu tôi lại dạy cho cháu dâu, cứ thế cái nghề làm bánh ú tro sẽ được truyền lại cho các thế hệ tiếp theo”.

Họa sĩ Thân Văn Huy, một người con của làng Thanh Tiên cho biết: “Bên cạnh hoa sen giấy, bánh ú tro là một trong những đặc sản của làng rất được khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng. Mỗi dịp Festival Huế, du khách gần xa về làng Thanh Tiên không chỉ để ngắm hoa sen giấy mà còn để thưởng thức những chiếc bánh ú tro do người dân trong thôn tự tay làm”.

Diệu Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lồng đèn bánh ú

Cách đây mấy năm, một người bạn phương xa có dịp về Huế dự festival. Hỏi bạn ấn tượng nhất điều gì, bạn trả lời: Lồng đèn bánh ú. Hỏi vì sao thích, bạn cười: Vì nó đẹp.

Lồng đèn bánh ú

TIN MỚI

Return to top