ClockThứ Bảy, 01/01/2022 13:15

Thích ứng để hoạt động

TTH - Năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng “dấu chân” của tuổi trẻ thừa thiên huế in đậm trên mọi mặt trận, để lại hình ảnh đẹp về thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, sáng tạo…

Các “thuyền trưởng” & vai trò dẫn dắt, kết nối đoàn viênKhánh thành công trình do Hội Phụ nữ-Hội Nông dân và Huyện Đoàn thực hiệnChi 14 tỷ đồng hỗ trợ tết cho đoàn viên, người lao động

Hỗ trợ khai báo y tế tại Sân bay Phú Bài và tại chốt kiểm soát y tế

Không ngại hiểm nguy

Những ngày cuối tháng 11 đầu tháng 12, TP. Huế đồng loạt đẩy mạnh triển khai tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ở tất cả các địa phương. Với mong muốn góp một phần sức nhỏ cho quê hương, Trần Quốc Thắng, học sinh Trường THPT Gia Hội đã đăng ký tham gia hỗ trợ tiêm chủng tại phường Phú Hậu.

“Em đăng ký hỗ trợ vào buổi sáng để có thời gian tham gia học online đầu giờ chiều. Ngày cuối tuần, em có thể đảm nhận cả hai ca nếu thiếu nhân lực”, Thắng chia sẻ.

Đây không phải là lần đầu Thắng tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của địa phương. Đối với em, được cống hiến sức trẻ vì mục tiêu chung của cộng đồng là trách nhiệm của mỗi thanh niên.

Anh Trần Đình Quang, Bí thư Đoàn phường Phú Hậu nhận xét, Thắng là gương đoàn viên tiêu biểu của địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Dù còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng em luôn cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia, đặc biệt là công tác truy vết các F, tầm soát và hỗ trợ tiêm chủng.

Theo anh Quang, năm nay, những hoạt động văn hóa, vui chơi, văn nghệ hay thể thao đều bị hạn chế để tránh tụ tập đông người. Các hoạt động đoàn của địa phương phần lớn đều tập trung cho công tác hỗ trợ phòng, chống dịch; tuy vậy vẫn thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên đăng ký tham gia.

Mở rộng toàn tỉnh, áo xanh tình nguyện là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch. Ở mỗi giai đoạn của “cuộc chiến” với COVID-19, đoàn viên, thanh niên luôn sẵn sàng tham gia mọi “mặt trận” theo sự điều động của địa phương.

Trở lại thời điểm những tháng giữa năm 2021, người dân xa quê ồ ạt từ các tỉnh phía nam trở về Thừa Thiên Huế khiến các khu cách ly quá tải. Để kịp thời phục vụ hàng chục nghìn suất ăn mỗi ngày cho người dân, lực lượng thanh niên tình nguyện đã đồng loạt ra quân hỗ trợ tại các bếp ăn dã chiến.

Tại các chốt kiểm soát y tế tại hai đầu Bắc - Nam của tỉnh hay những vùng đang thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng thanh nhiên cũng sẵn sàng chung sức hỗ trợ người dân tối đa.

Ở gian đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, những nghĩa cử cao đẹp đó đã được tuổi trẻ Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy với việc tham gia hỗ trợ Chiến dịch tiêm vắc-xin và tầm soát dịch bệnh tại các địa phương.

Đến nay, 100% tổ chức cơ sở Đoàn thành lập đội hình sẵn sàng tham gia hỗ trợ nhập số liệu tiêm chủng vắc-xin phòng dịch COVID-19 khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng. Lực lượng thanh niên tại địa phương cũng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng “Sổ sức khỏe điện tử” để tự theo dõi sau tiêm vắc-xin.

Đoàn viên huyện Nam Đông hỗ trợ người dân thu hoạch cam và vận chuyển đến khách hàng đặt mua

Nhiều mô hình hay

Theo thông tin từ Tỉnh đoàn, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến các phong trào, hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên. Tuy nhiên, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt Đoàn trên địa bàn dân cư đã có nhiều giải pháp đổi mới về nội dung, phương thức, nhiều mô hình được triển khai có chiều sâu với những cách làm sáng tạo.

Nổi bật, phải kể đến mô hình “Tủ mì 0 đồng - lan tỏa yêu thương” được Tỉnh đoàn phối hợp cùng Hội Từ thiện An Lạc triển khai tại nhiều địa phương. Mỗi tủ mì trung bình sẽ hỗ trợ khoảng 100 phần ăn sáng miễn phí cho người lao động nghèo, khuyết tật và các gia đình khó khăn tại địa phương.

Bà Lê Thị Hoa (phường Phường Đúc, TP. Huế) – “khách hàng” thường xuyên của Tủ mì 0 đồng do Đoàn thanh niên địa phương triển khai chia sẻ, phần ăn sáng được hỗ trợ giúp những người lao động chân tay như bà bớt được một khoản chi tiêu, có thêm tiền để trang trải cuộc sống, nhất là trong những lúc khó khăn do dịch bệnh như hiện nay.

Sau gần bốn tháng triển khai, mô hình đã được nhân rộng thành 9 tủ mì đặt tại các huyện: A Lưới, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, TP. Huế... Ngoài sự kết nối hỗ trợ của Tỉnh đoàn, đoàn thanh niên tại địa phương đã tiếp tục kêu gọi thêm các nguồn lực tại chỗ để tạo sự lan tỏa, làm phong phú thêm tủ mì 0 đồng. Tuy chỉ là những phần ăn sáng có giá trị không lớn, nhưng “Tủ mì 0 đồng” do tuổi trẻ Thừa Thiên Huế triển khai góp phần lan tỏa yêu thương đến cộng đồng, chia sẻ với người yếu thế để họ có động lực vươn lên trong cuộc sống.

Trong thời gian học sinh trên địa bàn tỉnh thực hiện học tập trực tuyến trên truyền hình và internet, nhiều đoàn xã, phường, thị trấn đã đồng loạt ra quân thực hiện chương trình “Cùng em online”. Lực lượng tình nguyện về tận nhà các em học sinh cần giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật trong buổi học hay thậm chí là cho mượn máy tính, điện thoại để sử dụng đối với những hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ dừng lại ở hoạt động an sinh xã hội, các cấp bộ Đoàn còn hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản khi các khâu giao thương tắc nghẽn, gặp khó khăn do dịch bệnh.

Là một trong những mô hình được tuyên dương tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo cụm Bắc Trung Bộ năm 2021 diễn ra cuối tháng 11 vừa qua, Chương trình “Hỗ trợ tiêu thụ cam Nam Đông” do Tỉnh đoàn triển khai đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ khắp mạng xã hội. Với hình thức phân phối online thông qua mạng xã hội và tổ chức các buổi livestream chào bán sản phẩm, các đơn hàng sẽ được chuyển đến tận tay người mua trên phạm vi toàn tỉnh. Chương trình đã hỗ trợ người dân tiêu thụ khoảng 100 tấn cam trước khi mùa mưa bão đến...

Ngoài ra, tổ chức Đoàn tại các địa phương cũng nhanh chóng bắt nhịp và ứng dụng công nghệ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân. Điển hình, Chương trình “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch” của Thị đoàn Hương Trà với định kỳ 2 tuần 1 số livestream quảng bá các loại đặc sản địa phương; Huyện đoàn Phú Lộc kêu gọi giải cứu thủy, hải sản do bà con nuôi trồng bị ùn ứ do lúc đó đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Đại diện Tỉnh đoàn cho biết, thời gian qua, “dấu chân” của đoàn viên, thanh niên xuất hiện trên mọi mặt trận đã để lại hình ảnh đẹp về thế hệ trẻ năng động, sáng tạo trong phong trào.

Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, các cấp bộ Đoàn sẽ tiếp tục đồng hành cùng công tác phòng, chống dịch tại địa phương; đồng thời nỗ lực, phát huy thêm nhiều ý tưởng, sáng kiến phục vụ lợi ích của cộng đồng để xứng đáng là lực lượng xung kích, kế cận của Đảng.

Bài: Minh Nguyên

Ảnh: Minh Nguyên & Tỉnh đoàn cung cấp

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên

Với nhiều mô hình thiết thực và cách làm hiệu quả, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã lan tỏa những giá trị, nét đẹp của sách và văn hóa đọc đến với các bạn đoàn viên, thanh niên.

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên
Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống

Ngày 17/4, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai năm 2024 đến cán bộ các sở ban, ngành, tổ chức, đơn vị phòng chuyên môn thuộc tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Đến dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống
Nỗi niềm người dân làm du lịch

Dịch vụ du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển đúng định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng du lịch thế giới là chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.

Nỗi niềm người dân làm du lịch
Return to top