ClockThứ Ba, 16/04/2019 07:00

Thêm sản phẩm & nâng chất lượng để hấp dẫn khách

TTH - Theo nhận định của ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt (top 3 doanh nghiệp đưa khách đến Huế năm 2018), du lịch Huế không thiếu sản phẩm, mà vấn đề là dịch vụ của các sản phẩm chưa “tới” và bị động trong việc khai thác.

Khách đến Huế dịp giỗ tổ Hùng Vương tăng hơn 10%

Huế cần có chiến lược kích cầu khách quay lại lần 2, lần 3

Chỉ tăng trưởng tự nhiên

Khi xét tăng trưởng của mỗi điểm đến nói chung và Huế nói riêng phải dựa trên nhiều yếu tố; trong đó, số lượng khách luôn là yếu tố được xét đầu tiên. Thống kê từ Sở Du lịch, khách nội địa đến Huế trong năm 2017 khoảng 2,295 triệu lượt, sang năm 2018 là 2,381 triệu lượt. Tăng 3%, tương ứng với 86 ngàn lượt khách là con số tăng trưởng quá thấp cho một điểm đến như Huế.

Ông Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty CP Truyền thông quảng cáo và Dịch vụ du lịch Đại Bàng phân tích, Huế là điểm đến mà gần như 100% khách du lịch đến miền Trung phải dừng chân tham quan. Nhiều năm qua, lượng khách nội địa đến Huế duy trì ổn định, tuy nhiên, sự tăng trưởng này ở mức thấp, chỉ mang tính tăng trưởng tự nhiên, chứ chưa có tính đột phá như một số địa phương.

Hiến kế để phát triển du lịch Huế gần đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel cho biết, đối với khách nội địa của công ty, xu hướng chọn Huế đang giảm hơn so với trước rất nhiều, thay vào đó là những điểm đến mới. Xét về mức chi tiêu, khách nội địa đang dần tiệm cận với khách quốc tế. Do đó, Huế cần tập trung đẩy mạnh hơn dòng khách này, vì xét về các tiêu chí quảng bá, vận chuyển… kích cầu khách nội địa vẫn dễ và ít kinh phí hơn so với khách quốc tế.

Du khách nội địa tham quan Huế

Ông Lê Xuân Phương, Giám đốc Công ty CP Du lịch DMZ thông tin, qua chuyến làm việc của công ty gần đây, các doanh nghiệp (DN) lớn ở hai đầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều khẳng định sẽ đưa khách về Huế nhiều hơn trong thời gian đến, vì một số điểm đến trong khu vực đang quá tải và mất dần bản sắc riêng, còn với Huế những giá trị văn hóa vẫn giữ nguyên vẹn. Nhưng đó là yếu tố khách quan, câu hỏi đặt ra cho Huế là làm sao tạo thêm những sản phẩm mới, những trải nghiệm mới khi khách về nhiều hơn, bởi Huế còn khá đơn điệu về dịch vụ, chợ đêm vẫn thiếu, kể cả nơi nghỉ dưỡng và vui chơi…

Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt đánh giá, nhìn tổng thể chung, Huế có rất nhiều sản phẩm, nhưng điểm yếu của Huế là chất lượng dịch vụ, những sản phẩm đều khai thác chưa “tới”, khiến du khách chưa cảm thấy thật sự “sướng” khi đến du lịch. “Cách làm du lịch của Huế thiếu sự dứt khoát và chưa hướng tới hiệu quả lâu dài. Như cam kết đưa khách ra Huế của công ty đã thống nhất bước đầu giữa hai phía, chúng tôi xúc tiến triển khai ngay, nhưng phía Huế lại chậm, khiến cam kết này cứ kéo dài, làm cho chúng tôi thấy “nản”, ông Long giãi bày.

Cần những giải pháp căn cơ

Không phủ nhận rằng, là điểm đến có từ lâu, nguồn khách nội địa đã từng đến Huế không ít. Để kích cầu khách nội địa, cần xác định ngoài khách chưa đến Huế, làm sao để kích cầu khách quay lại lần 2, lần 3.

Ông Nguyễn Đình Thuận góp ý, để làm được điều trên, quan trọng là Huế có gì mới, hoặc “mặc áo” mới cho những sản phẩm cũ. Giải pháp thứ hai là các dịch vụ liên quan được kết nối lại về một đầu mối, xây dựng thành một “land tour” có giá cạnh tranh thật sự, vì xét về giá tour đến miền Trung hiện nay đang ngang bằng tour đi Thái Lan. Tiếp đến là chính sách ưu đãi, giảm giá cho những du khách quay lại Huế lần 2, lần 3 khi vào tham quan, trải nghiệm di sản.

Một thực trạng cố hữu của Huế là ai cũng nói khó khăn, chỉ ra hạn chế, nhưng lại không nêu giải pháp, hoặc khi kêu gọi sự chung tay thì né tránh. “Quan trọng với Huế là phải cùng nhau ngồi lại, chỉ ra được khó khăn, tìm giải pháp. Những việc liên quan đến DN thì cần liên kết thực hiện, còn những việc liên quan đến cơ chế, chính sách, mang tính định hướng thì tham mưu lãnh đạo tỉnh để giải quyết. Sau đó, phân công nhiệm vụ rõ ràng, có giám sát, may ra Huế mới thay đổi”, ông Lê Xuân Phương nhìn nhận.

Ông Trần Văn Long cho rằng, Huế cần có những thông tin sớm và duy trì các sản phẩm du lịch. Chẳng hạn như Đại Nội về đêm, năm 2018, khi nghe thông tin, DN đưa vào chương trình tour ngay, nhưng trước khi khách bắt đầu đi, trao đổi lại mới biết chương trình đã ngưng hoạt động. Trường hợp khách đến Huế đúng ngày mưa, chương trình thông báo ngưng hoạt động, làm cho du khách rất hụt hẫng; trong khi đó, phía ban tổ chức không có phương án nào thay thế. Năm 2019, chương trình có hoạt động hay không, đến hiện tại phía DN cũng không biết. Điều này làm cho DN rất bị động. Đó là lý do mà DN thay thế những phương án an toàn hơn khi chọn các địa phương khác.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Huế đang tích cực triển khai nhiều sản phẩm mang tính định kỳ, nhất là đưa Huế thành “Kinh đô ẩm thực”, hay thành phố của lễ hội với nhiều lễ hội trải đều trong năm. Ngoài ra, những sáng kiến, ý kiến đóng góp của DN thấy hợp lý và góp phần phát triển cho Huế thì ngành sẽ giải quyết hoặc tham mưu lãnh đạo tỉnh giải quyết ngay. Chẳng hạn như miễn phí cho phụ nữ trong và ngoài nước tham quan di sản khi mặc áo dài trong dịp Quốc tế Phụ nữ vừa qua đã tạo được ấn tượng, quảng bá hình ảnh tốt hơn.

Với tổng lượng khách đến Huế vào khoảng 4,5 triệu lượt như hiện nay, một số dịch vụ đã cho thấy quá tải. Do đó, để tăng khả năng thu hút khách và có sự chủ động thì các dịch vụ tương ứng phải phát triển song song với tốc độ tăng trưởng khách.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình

TIN MỚI

Return to top