ClockThứ Bảy, 19/12/2020 14:23

Thêm liên kết, thêm khả năng thu hút khách

TTH - Một trong giải pháp quan trọng nhất để hồi phục du lịch cuối năm 2020 và trong năm 2021 là mở rộng liên kết giữa các địa phương, không chỉ tạo ra chuỗi sản phẩm hấp dẫn mà còn tận dụng trao đổi nguồn khách cho nhau.

Tạo điểm nhấn thu hút khách bằng sự kiện, lễ hộiTìm vị trí thích hợp cho các chương trình, sự kiện ngoài trờiTăng cường các giao dịch thương mại điện tử để thu hút khách

Ký kết hợp tác giữa các địa phương

Mở rộng liên kết

Hơn 10 năm qua, liên kết phát triển du lịch “ba địa phương – một điểm đến” gồm Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam đã giúp 3 địa phương xây dựng thương hiệu điểm đến chung vững chắc. Dịch bệnh COVID-19 xảy ra, tác động lớn đến du lịch, song sự liên kết của 3 địa phương vẫn thể hiện vai trò. Đánh giá của Tổng cục Du lịch, tại thời điểm từ tháng 5 – 7/2020 (thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát lần thứ 2) 3 địa phương trở thành “điểm sáng” trong liên kết hỗ trợ nhau phục hồi du lịch nhanh nhất trong cả nước.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trước dịch COVID-19, sự liên kết phát triển du lịch luôn là giải pháp được đề cao. Khi triển khai những đề án phục hồi du lịch sau dịch bệnh, tính liên kết càng được quan tâm hơn. Điều này phản ánh đúng xu hướng hội nhập toàn cầu, là du lịch không thể đứng riêng lẻ, điểm đến càng không thể phát triển một mình.

Không dừng lại 3 địa phương, sự liên kết kích cầu sau dịch được mở rộng thành “bốn địa phương – một điểm đến”, khi có sự tham gia của du lịch Quảng Bình. Theo đánh giá của các doanh nghiệp du lịch, 4 địa phương có những thế mạnh riêng, các sản phẩm có tính bổ trợ nhau rất cao để hướng đến tính hiệu quả trong thu hút khách nội địa. Thêm Quảng Bình là thêm khám phá thiên nhiên hang động, sản phẩm mới tăng tính đa dạng cho “hành trình khám phá di sản” của khách khi đến miền Trung.

Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình chia sẻ, tôi đã từng đi quảng bá tại một hội chợ ở châu Âu, ở đó có các lữ hành lớn hỏi ở đây có ai ở Đà Nẵng không? Ở Đà Nẵng có hang động rất đẹp. Tôi không buồn vì điều đó mà phải mừng bởi đây thể hiện sự liên kết. Họ không cần biết Quảng Bình là đâu, chỉ biết đến Đà Nẵng và được đi khám phá hang động, như thế đã tạo thành một thương hiệu chung.

Cũng theo ông Hồ An Phong, nếu vào TP. Hồ Chính Minh quảng bá sản phẩm riêng Quảng Bình thì rất khó thu hút được khách, mà phải hình thành chuỗi. Khách có thể bay ra Quảng Bình để đi hang động, vào Quảng Trị thắp hương, vào Huế tham quan di sản rồi kết thúc ở Đà Nẵng. Về lâu dài, liên kết ở miền Trung không chỉ có 3, 4 địa phương mà cần có một vệt từ Quảng Bình đến Bình Định. Có sự tính toán phù hợp về di chuyển và có sự mới mẻ trong sản phẩm. Khi tạo ra được một vệt như thế mới tăng lợi thế so sánh khi du lịch trên thế giới bình thường trở lại.

Cuối tháng 11 vừa qua, tại Quảng Nam diễn ra diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế). Diễn đàn đã chứng kiến nhiều ký kết hợp tác giữa chính quyền các địa phương, hiệp hội du lịch và các

doanh nghiệp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và hỗ trợ nhau về giá trị tài nguyên du lịch, di sản văn hoá, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống…

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn liên kết phát triển du lịch trên, đoàn famtrip và caravan gồm 70 thành viên từ các doanh nghiệp và cơ quan báo chí truyền thông đã khảo sát, nghiên cứu xây dựng các tuyến du lịch từ Hà Nội vào Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Mô hình du lịch bằng xe tự lái (caravan) dành cho đối tượng khách gia đình, nhóm bạn bè, với tên gọi “Trở lại miền Trung” sẽ là sản phẩm được các doanh nghiệp các địa phương tập trung xây dựng, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều du khách trải nghiệm lái xe khám phá rất nhiều điểm đến dọc miền Trung, như Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Thành cổ Quảng Trị (Quảng Trị), Quần thể Di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), TP. Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam).

Đưa khách đến cho nhau

Là doanh nghiệp được hưởng lợi và có hợp tác bước đầu thành công nhất ở Huế sau diễn đàn du lịch tổ chức ở Quảng Nam, khi lượng khách đến Alba Thanh Tân từ đầu tháng 12 đến nay đều đạt công suất cao, có những ngày đạt công suất tối đa. Bà Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc Khách sạn Alba Spa, kiêm Trưởng phòng sale Alba Thanh Tân cho biết, trong chương trình liên kết, Alba  tập trung đến sản phẩm hướng đến sức khỏe dựa trên lợi thế sẵn có của suối khoáng nóng. Cùng với đó là giá dịch vụ được ưu đãi tối đa nên được doanh nghiệp trong liên kết rất ủng hộ, minh chứng là lượng khách ở Hà Nội, Quảng Bình và Đà Nẵng chiếm đa số những ngày qua.

“Sự liên kết là điểm khởi đầu để các doanh nghiệp và du khách các tỉnh bạn để biết đến sản phẩm, điểm đến mới ở Thừa Thiên Huế. Liên kết cũng giúp những doanh nghiệp, điểm đến như Alba có cơ hội giới thiệu sâu hơn, kỹ hơn những đặc trưng, điểm mạnh. Để hợp tác lâu dài, cần rất nhiều nỗ lực của các đơn vị để tạo ra liên kết sâu sắc và đôi bên cùng hưởng lợi”, bà Châu Thị Hoàng Mai bày tỏ.

Có thể nói, trong những mục tiêu liên kết mới được đề ra, có một vấn đề được nhấn mạnh trong giai đoạn mà chỉ có thể kích cầu khách nội địa, đó là tăng cường trao đổi khách giữa các địa phương cho nhau. Tận dụng sự liên kết, ưu đãi để đưa khách đến sử dụng dịch vụ.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phân tích, trong tình hình ngành du lịch các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và thiên tai như hiện nay đòi hỏi phải triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ để kích cầu du lịch nội địa. Thời gian qua, việc liên kết chỉ diễn ra trong nội vùng, chưa có liên kết điểm mới, thị trường mới. Vì vậy, trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang triển khai các giải pháp kích cầu du lịch nội địa nhằm khôi phục và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trọng tâm là tăng lượng khách du lịch từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và ngược lại. Xem đây là mục tiêu bao trùm trong giai đoạn 2020 – 2025 nhằm tăng số lượng khách du lịch nội địa, các địa phương sẽ "cứu nhau", giúp ngành du lịch khôi phục và ổn định hoạt động sau những tổn thất do đại dịch gây ra.

Lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế thông tin, để đạt mục tiêu và hướng đến tính hiệu quả, yêu cầu cho các địa phương là luôn cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về tuyến điểm tham quan, lộ trình tham quan, số lượng phòng nghỉ và các dịch vụ khác; không được tự ý thay đổi chương trình, mọi thay đổi phải được sự đồng ý của hai bên.

Liên kết đã thấy hiệu quả, song một vấn đề cần được thống nhất là sự “phân vai” được thể hiện rõ khi thành phần liên kết được mở rộng. Ai đóng vai trò động lực? Ai đóng vai trò phụ trợ? Ai tạo ra sản phẩm đặc trưng?... Khi xác định đúng vai trò, có “đầu tàu” trong liên kết phát triển sẽ giúp các địa phương “kéo nhau” mà không bị trật đường ray.

Bài, ảnh: QUANG SANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030
Trung Quốc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư nước ngoài

Theo kế hoạch hành động vừa được Nội các Trung Quốc công bố, Trung Quốc sẽ tiếp tục rút ngắn danh sách cấm đối với đầu tư nước ngoài và thực hiện các chương trình thí điểm nhằm tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn cho các công ty toàn cầu trong lĩnh vực đổi mới khoa học và công nghệ.

Trung Quốc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư nước ngoài
Khai thác sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe

Sau quá trình nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, Thừa Thiên Huế sẽ đưa vào khai thác sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe một cách bài bản để thu hút khách trong và ngoài nước.

Khai thác sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe
Tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế: Một bàn tay không làm nên tiếng vỗ

Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là định hướng lớn và xuyên suốt nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024 của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này cần nhiều hơn các giải pháp vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước vẫn dự báo còn nhiều khó khăn.

Tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế Một bàn tay không làm nên tiếng vỗ
Liên kết & nâng tầm thương hiệu

Câu chuyện về liên kết để nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề đã và đang được các doanh nghiệp (DN), làng nghề triển khai nhằm hiện thực hóa mục tiêu mở rộng cơ hội giao thương, góp phần bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống.

Liên kết  nâng tầm thương hiệu
Return to top