ClockThứ Sáu, 01/11/2019 14:28

Thanh toán trực tuyến trong du lịch: Tiện dụng & chuyên nghiệp

TTH - Thanh toán trực tuyến trong du lịch được xem là giải pháp tiết kiệm nhân lực, phù hợp với xu thế phát triển du lịch 4.0, góp phần hạn chế việc trốn thuế.

Khai trương Trung tâm năng lực vì sự phát triển du lịch bền vữngDoanh nghiệp tư nhân song hành cùng Huế trong kết nối, phát triển du lịchCơ hội cho du lịch

Thanh toán trực tuyến thông qua các công nghệ là xu hướng trong ngành du lịch (Trong ảnh: Nhân viên Vietsoftpro kiểm tra thanh toán trên máy tính)

Xu hướng không dùng tiền mặt

Đánh giá từ Sở Du lịch, với sự phát triển công nghệ và đang được áp dụng vào ngành du lịch mang đến nhiều tiện ích. Xu hướng mới là đặt tour, khách sạn trực tuyến, kèm theo đó là thanh toán trực tuyến. Việc thanh toán trực tuyến phát triển thể hiện một điểm đến năng động, tăng những tiện ích. Bên cạnh đó, một chi tiết cho thấy lợi ích khi áp dụng thanh toán trực tuyến là không dùng tiền mặt, giúp giảm tình trạng trốn thuế, thất thu thuế của Nhà nước.

Ông Tạ Thanh Giang, Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp, Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel nhận định, xu hướng thương mại điện tử trong ngành du lịch sẽ càng phát triển bởi giúp tiết kiệm thời gian và chi phí hơn đáng kể so với giao dịch thanh toán truyền thống. Tính bảo mật cao trong những lần giao dịch thanh toán với những tiêu chuẩn bảo mật cao. Thanh toán trực tuyến còn giúp cho việc thanh toán khi mua bán, trao đổi trở nên đơn giản và dễ dàng hơn như mua hàng online, đặt các dịch vụ phòng khách sạn...

Theo Sở Du lịch, hiện nay có khá nhiều hình thức thanh toán trực tuyến. Ở nước ta, thanh toán trực tuyến được sử dụng nhiều thông qua hệ thống các máy POS (máy quẹt thẻ) tại các trung tâm thương mại, điểm mua sắm và khách sạn. Gần đây, có các phần mềm thanh toán của các ngân hàng và doanh nghiệp công nghệ, đang được áp dụng nhiều trong du lịch.

Riêng ở Huế, việc thanh toán trực tuyến chưa nhiều và đang dừng lại việc thanh toán bằng chuyển khoản. Chuyến khảo sát tại một số khách sạn, nhà hàng, chợ truyền thống của ngành du lịch Huế gần đây cho thấy, chủ yếu vẫn đang sử dụng thanh toán tiền mặt, chỉ ở một số khách sạn cao sao mới có áp dụng thanh toán bằng quẹt thẻ. Các hình thức hiện đại hơn vẫn chưa được áp dụng. Đại diện Khách sạn Imperial Huế thông tin, khách sạn cũng đang dừng lại ở thanh toán bằng chuyển khoản, việc áp dụng công nghệ mới vào thanh toán trực tuyến đang được nghiên cứu để triển khai.

Việc áp dụng thanh toán trực tuyến mang tính tiên phong ở Huế có thể là tại các sản phẩm mang tính công nghệ mới trong di tích của Công ty Vietsoftpro. Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Vietsoftpro thông tin, hiện tất cả các dịch vụ được sử dụng trong di tích Huế mà công ty đang triển khai đều áp dụng thanh toán trực tuyến. Hiện nay, khách hàng có thẻ visa, tài khoản ngân hàng của người Việt Nam là có thể thanh toán. Thực tế, giới trẻ ai cũng có smart phone và đều yêu chuộng công nghệ, thanh toán trực tuyến. Hiện, công ty đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Viettel để khai thác một loại thẻ tích hợp, dễ dàng thanh toán trực tuyến.

Cần chuẩn bị tốt

Hà Thái Thùy Linh, du khách đến từ Quảng Ninh, trong chuyến du lịch đến Huế gần đây cho hay, khi đi du lịch bạn ấy chỉ mang theo một ít tiền mặt. Khi đến Huế, hầu hết các giao dịch được thực hiện trực tuyến ở những nơi có thể áp dụng thanh toán bằng công nghệ. Theo Linh, không chỉ bạn hạn chế dùng tiền mặt mà nhiều người khác cũng có thói quen ít dùng ít mặt.

Huế đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh. Theo lãnh đạo Sở Du lịch, trong kế hoạch phát triển du lịch thông minh, thanh toán trực tuyến là yêu cầu được đặt ra.

Mới đây, ViettelPay cho biết, sẵn sàng có những hợp tác và hỗ trợ về công nghệ để có thể triển khai áp dụng rộng rải thanh toán trực tuyến trong du lịch ở Huế. Trước mắt, có thể áp dụng thanh toán trực tuyến vé vào cửa các điểm di tích. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng đang đầu tư nhiều công nghệ, các app thanh toán trực tuyến để đón đầu việc hợp tác ở Huế, hướng đến thị trường du lịch hạn chế sử dụng tiền mặt theo định hướng.

Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Huế cho biết, việc áp dụng công nghệ vào thanh toán trực tuyến là xu thế tất yếu. Khi Nhà nước có chủ trương, ngân hàng yêu cầu, công nghệ phát triển, thị trường đòi hỏi chắc chắn thanh toán trực tuyến phải phát triển. Có điều, hiện đang có rất nhiều hình thức thanh toán online. Do đó, Nhà nước cần lựa chọn và ủng hộ hình thức nào đó để tập trung phát triển, thu hút các công ty công nghệ để làm giúp chuyện này.

Cũng theo ông Hoàng Văn Khánh, thanh toán trực tuyến sẽ liên quan rất nhiều thứ, an ninh mạng, an ninh tiền tệ, chuẩn định dạng, lệ phí giao dịch… Theo xu hướng phát triển, chỉ khoảng 3 năm nữa sẽ bùng nổ thanh toán trực tuyến nên trong phát triển cần đi cùng với sự quản lý tốt.

Một minh chứng cho sự phát triển mà không kiểm soát được là với tour giá rẻ, hay tour 0 đồng từng nổi lên vào năm 2018 và đầu năm 2019, dù du khách mua hàng và sử dụng dịch vụ ở Việt Nam, nhưng tất cả số tiền này được chuyển từ tài khoản của khách du lịch sang chủ cửa hàng cũng được mở tại nước ngoài mà không cần thông qua bất kỳ ngân hàng hay cổng trung gian thanh toán nào của Việt Nam, làm thất thu một lượng thuế rất lớn. Đây chính là lỗ hổng và là thách thức, đòi hỏi cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp để kiểm tra, giám sát khi thanh toán trực tuyến “lên ngôi”.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch chuyên đề

Sản phẩm của du lịch chuyên đề thường mang tính đặc trưng, chuyên sâu và kén người làm, nhưng lại tạo lợi thế cạnh tranh có một không hai. Ở Huế, tiềm năng, tài nguyên du lịch là lợi thế để khai thác các sản phẩm du lịch chuyên đề.

Tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch chuyên đề

TIN MỚI

Return to top