ClockThứ Năm, 24/04/2014 13:25

Thạch thần tướng quân miếu ở Huế

TTH - Thạch thần tướng quân miếu là ngôi miếu cổ, nằm ngay góc ngã tư đường Phùng Hưng và Nhật Lệ (TP Huế), phía đông nam, địa chỉ số 2 đường Nhật Lệ (TP Huế). Dân sở tại có người cho biết, miếu thờ Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường, có người nói miếu thờ Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt. Do miếu đã được trùng tu năm 1968 bằng xi măng cốt thép nên khó giám định. Khi chưa có điều kiện tra cứu thư tịch và vào trong miếu nghiên cứu, chúng tôi vẫn nghiêng về hướng miếu này thờ Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt vì phát hiện dấu vết gạch bìa cuối Lê đầu Nguyễn ở di tích này.

Miếu Thạch Thần

Tra cứu B.A.V.H tập XX, năm 1933, có bài “Kinh thành Huế địa danh học” của L.Cadiere, có viết về di tích này: “Thạch thần tướng quân miếu. Miếu thờ hai tượng đá của hai vị tướng quân. Hai tượng đá biểu thị cho các ông quan là ông Lê Văn Duyệt và ông Nguyễn Văn Thành, hai tượng này lại không được đặt ở lăng Gia Long như ý nghĩa chúng phải đặt ở đó mới đúng” (tr.158). Và nhà nghiên cứu Võ Hương An, vị lão thành từng sống ở Huế, trong bài “ Huế của một thời - Đường xưa Thành Nội” (2013), viết về ngôi miếu: “Ngay nơi góc đường Phùng Hưng/Nhật Lệ này, bên này đường là một cái miếu nhỏ và bên kia đường là cơ sở đầu tiên của Trường Bá Công, tiền thân Trường Kỹ thuật Huế. Cái miếu rêu phong núp dưới hai cây bàng cổ thụ, có tên chính thức là Thạch thần tướng quân miếu. Khi tôi còn ở Huế vẫn thấy địa phương thờ cúng, nay không biết còn hay không. Quanh gốc bàng, la liệt ông táo, bình vôi. Đó là miếu thờ hai pho tượng bằng đá của Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt, hai danh tướng của vua Gia Long, mà gốc gác việc thờ phụng hai pho tượng này đã là đề tài tìm hiểu của nhà Huế học thời danh L. Cadiere”.

Ngôi miếu đơn giản với bình đồ chữ nhật cỡ 5x7 mét. Một cửa giữa bốn lá và một cửa hông. Liên ba giữa có hoành phi với 4 chữ Hán thếp vàng “名 高 天 古” (DANH CAO THIÊN CỔ), có lạc khoản “愷 定 十 年…” (KHẢI ĐỊNH THẬP NIÊN) cho biết bức hoành có niên đại 1925, với nội dung ca ngợi hai vị đại công thần. Toàn bộ đồ tự khí quá thô sơ, riêng hai tượng đá rất độc đáo. Tượng Nguyễn Văn Thành với mũ cánh chuồn (quan văn) nhưng bị mất cánh phải. Bài vị trước tượng có dòng lạc khoản, chỉ ngày tháng bắt đầu an vị tượng thờ: “嘉 隆 …十 六 年 五 月 八 日…” (GIA LONG… THẬP LỤC NIÊN NGŨ NGUYỆT BÁT NHẬT…” (Gia Long năm thứ 16, ngày 8 tháng 5…). Tượng Lê Văn Duyệt với mũ quan võ. Bài vị trước tượng có dòng lạc khoản “明 命 …十 三 年 七月” ( Minh Mạng năm thứ 13 tháng 7…). Như thế từ mùa hạ năm 1817, sau khi Nguyễn Văn Thành quyên sinh, vua Gia Long đã cho dựng miếu , tạc tượng, lập bài vị để thờ vị đại công thần này. Còn đại công thần Lê Văn Duyệt, sau khi ông mất vào năm 1832, vua Minh Mạng cho tạc tượng, lập bài vị cho vị đại công thần này và an vị vào miếu thờ Nguyễn Văn Thành.

Khi mới xây dựng, hướng của miếu quay về phía tây nam. Năm 1968, tỉnh trưởng Thừa Thiên & Thị xã Huế đã xoay hướng ngôi miếu về hướng tây bắc khi trùng tu miếu. Hiện nay khuôn viên miếu đã được chính quyền sở tại tận dụng để làm trụ sở đội dân phòng khu vực, sân trước miếu đã tráng xi măng, lợp tôn để cho người thuê bán bún, cháo sớm chiều.

Huế là thành phố di sản văn hóa thế giới, di sản ấy có sự góp phần không nhỏ của hai nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt. Tiền nhân đã dựng miếu, tạc tượng lập bài vị để thờ hai ngài. Bây giờ chính quyền sở tại đã tận dụng khuôn viên miếu, tạo mặt bằng cho thuê bán mặt hàng ăn ngay trước miếu. Hằng ngày vẫn có người mở cửa vào miếu thắp hương khấn vái, còn trước miếu người ngồi ăn cháo nói cười trông rất phản cảm… Rất mong, các cơ quan hữu trách có những động thái tích cực để sớm trả lại mặt bằng khuôn viên Thạch thần tướng quân miếu như xưa. Người dân Nam bộ rất sùng kính Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt, vì vậy nếu phục dựng ngôi miếu Thạch thần tướng quân miếu thì nhiều du khách sẽ đến Huế, ngoài việc tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Huế, còn có nhu cầu đến chiêm bái một nơi thờ phụng hai vị đại công thần này.

Trần Viết Điền
ĐÁNH GIÁ
1
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam

Theo “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn, địa danh Phủ Cam ra đời cùng thời với Phủ Dương Xuân dưới thời các chúa Nguyễn. Cho nên phải gọi là Phủ Cam mới đúng.

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam
Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế

Trong lịch sử vùng Huế, những ngôi làng Việt cổ thường nằm dọc lưu vực sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương. Từ làng xã “gốc” phát triển về thượng nguồn hoặc hạ lưu, hình thành những làng “ngọn”. Vùng đất Phú Lộc, ngoài lưu vực sông Truồi, còn có dải cồn cát ven biển và đầm phá có vị trí chiến lược, vành đai an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng, để bảo vệ Kinh đô Huế.

Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế
Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ

Trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu, ngoài di tích nhà ở, nhà thờ và lăng mộ của cụ Phan, còn có nhiều lăng mộ, bia tưởng niệm… của các chí sĩ yêu nước được đưa vào đặt, an táng ở đây; trong đó, có lăng mộ của nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, một trong những nhân vật được xem là biểu tượng của tinh thần chống Pháp bất khuất cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, ít ai biết vì sao lăng mộ của ông lại được đưa vào an táng trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm Phan Bội Châu.

Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top