ClockChủ Nhật, 18/12/2016 07:58

Tăng tương tác để giới thiệu di sản văn hóa Huế

TTH - Sẽ không gì lý tưởng hơn khi thưởng lãm khu di sản Huế có sự đồng hành của các hướng dẫn viên du lịch hoặc với thuyết minh viên điểm đến. Tuy nhiên, nếu điều đó không thể, du khách vẫn có thể khám phá và cảm nhận Hoàng cung Huế theo cách riêng của mỗi người qua những không gian triển lãm và trung tâm diễn giải được tổ chức ngay trong Đại Nội.

“Đọc” di sản văn hóa Huế bằng hình ảnh tư liệu được trưng bày

Thêm điểm dừng hấp dẫn

“Với các họa tiết trang trí có tính biểu tượng, chiếc cầu thang bằng gỗ này mang ý nghĩa đặc biệt, tượng trưng cho sự kết nối giữa thế giới thần linh với thế giới trần tục, tượng trưng cho lối dẫn hoàng đế giáng hạ khi có lễ tế ở miếu…”, là một trong những thông tin về Hiển Lâm Các đang được Trung tâm diễn giải Hiển Lâm Các giới thiệu bằng 3 thứ tiếng: Việt, Anh và Pháp. Trung tâm này vừa được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế đưa vào hoạt động thử nghiệm cuối tháng 11/2016. Đây là thành quả của chương trình hợp tác trong lĩnh vực văn hóa giữa Thừa Thiên Huế và vùng Nouvelle Aquitaine (Pháp).

So với nhiều không gian khác trong khu di sản Đại Nội, Trung tâm diễn giải Hiển Lâm Các sinh động hơn hẳn, bởi cách diễn giải thông tin hoàn toàn lạ và đa dạng về cách thể hiện, từ ngôn ngữ nói, ngôn ngữ hình đến văn bản, hình ảnh trình chiếu minh họa. Nhiều thông tin chi tiết về Hiển Lâm Các – đài kỷ niệm và là nơi được tin có linh hồn các vua Nguyễn hiển linh khi diễn ra các nghi lễ tại Thế Tổ Miếu, vốn chỉ được giới thiệu qua các bài thuyết minh hướng dẫn, qua sách vở… thì nay chỉ cần “nhấp chuột” là du khách đã được giới thiệu cụ thể. Và ở đó, nhiều thông tin về hệ thống đền, miếu triều Nguyễn, về đời sống nghi lễ cung đình Huế với những triết lý bí ẩn, thâm sâu cũng được diễn giải, giới thiệu một cách hấp dẫn.

Chị Lilly Michelle (du khách Anh) dừng lại rất lâu trước những bản tin giới thiệu về ý nghĩa chiếc cầu thang gỗ của Hiển Lâm Các, vui vẻ chia sẻ: “Hình ảnh đẹp và cách diễn giải dễ hiểu là điều khiến tôi rất thích khi đến đây. Nếu không có những thông tin này, thật khó để chúng tôi hiểu được ý nghĩa nơi này, cũng như những vẻ đẹp tiềm ẩn trong văn hóa của các bạn”.

Chủ động tạo sự tương tác

Nhiều năm trở lại đây, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã sắp xếp lại các tuyến tham quan đồng thời tăng cường các hoạt động trưng bày ở nhiều điểm di tích trong khu vực Đại Nội để chủ động cung cấp thông tin cho khách tham quan, nhằm tạo thêm sinh động cho các điểm đến, cũng như chủ động tạo thêm sự tương để du khách tiếp cận với di sản theo nhiều cách có thể.

Trước đây, khi triển khai dự án bảo tồn, tu bổ phục hồi hệ thống trường lang Tử Cấm thành Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế gặp nhiều thắc mắc về sự cần thiết, thì nay hệ thống này không chỉ đã làm tốt chức năng là lối đi lại che nắng, che mưa mà còn là không gian lý tưởng tạo nên sự liên hoàn, kết nối giữa công trình kiến trúc trong khu vực. Sau khi được phục hồi, hệ thống trường lang Tử Cấm thành đã trở thành một không gian văn hóa giới thiệu các loại hình di sản văn hóa Huế đã được quốc tế ghi nhận, tôn vinh. Và nay, đây đang là nơi để những người làm công tác bảo tồn di sản giới thiệu với du khách những câu chuyện bằng hình ảnh về các vị vua nhà Nguyễn, về bút tích châu phê trên các văn bản hành chính một thời, về con người, đời sống cung đình xưa…

Tranh thủ các mối quan hệ hợp tác quốc tế, Trung tâm BTDTCĐ Huế nhận được nhiều sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để giới thiệu, quảng bá về di sản Huế, như phim 3D về Hổ Quyền, về vườn ngự Thiệu Phương, về Hoàng thành Huế… Những bộ phim này đang được mở chiếu, giới thiệu rộng rãi với du khách khi vào thăm Đại Nội. Sắp tới, để tăng thêm sự tương tác giữa du khách với di sản văn hóa cung đình Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế tiếp tục tạo dựng thêm những không gian diễn giải theo công nghệ 3D, tăng cường tương tác giữa du khách với các bảo vật quốc gia tại khu di sản Huế, như Cửu đỉnh và Cửu vị thần công.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, cho biết: Quản lý di sản không có nghĩa chỉ mở cửa để du khách vào thăm các công trình kiến trúc mà còn phải tăng cường các hoạt động giới thiệu, diễn giải một cách hợp lý để không gian di sản thực sự biểu cảm được cả phần hồn tinh túy và kiến trúc công trình. Từng bước, chúng tôi sẽ tăng cường chất lượng các hoạt động này ở các khu di sản để giúp du khách có thể hình dung được phần nào không gian, cuộc sống hoàng tộc xưa.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật

Ngày 20/4, tại xã Vinh Thanh (Phú Vang), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (RCI) tổ chức ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật. Tham dự tại có Đại diện văn phòng RCI cùng hơn 50 người khuyết tật và người chăm sóc trên địa bàn các xã Vinh Thanh, Vinh An, Vinh Xuân, Vinh Hà và Phú Gia.

Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật
Tuổi trẻ kiến trúc với di sản

Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc là hoạt động được tổ chức hai năm một lần (bắt đầu từ năm 1988) bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đây là hoạt động truyền thống có tầm vóc, quy tụ các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc trên cả nước, là cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo và hội nhập của các kiến trúc sư tương lai khi còn khoác áo sinh viên.

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi

Sau 5 năm triển khai, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh dù đạt nhiều thành quả nhưng vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến môi trường diễn xướng cho loại hình di sản này vẫn chưa nhiều và có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thu hút người tham gia…

Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi
Return to top