ClockThứ Năm, 08/06/2017 14:32

Tăng thực hành trong đào tạo du lịch

TTH - Đối với doanh nghiệp (DN) du lịch, họ luôn mong muốn tuyển dụng được những nhân viên có tay nghề, chứ không nhất thiết yêu cầu nhân viên bằng cấp cao nhưng thiếu kỹ năng.

Sinh viên Trường cao đẳng Nghề du lịch biểu diễn pha chế

Cần lao động có kỹ năng

Lao động mới ra trường thiếu kỹ năng là vấn đề luôn được nhắc đến nhiều trong những cuộc bàn thảo từ cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo cho đến các DN sử dụng lao động. Điều này được ông Michal Zite, Giám đốc điều hành Laguna Lăng Cô đánh giá: “Một trong những vấn đề dễ nhận thấy ở ngành du lịch khu vực miền Trung nói chung, cụ thể là ở Huế, đó là việc tuyển dụng được những lao động có trình độ và tay nghề tốt ngày càng khó khăn hơn. Để có những nhân viên làm được việc thì DN phải “dày công” đào tạo thêm một thời gian. Nhưng điều này đối với DN cũng chỉ là phương án bất đắc dĩ, vì sẽ tốn kinh phí và thời gian”.

Sự cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch ngày càng trở nên gay gắt hơn. Nó không chỉ thể hiện ở cạnh tranh về giá cả, chất lượng dịch vụ, số lượng khách ở mỗi điểm đến… mà ngay cả nguồn lao động cũng có sự cạnh tranh không kém cạnh. Không như trước đây, lao động vào làm việc thường qua một lớp đào tạo do DN tổ chức. Nhưng với hiện nay, nếu lao động không đủ tay nghề, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ tốt thì tự loại mình ra những đợt tuyển dụng của DN. Và chỉ có những lao động thực sự giỏi kỹ năng mới có thể vào làm việc ở các DN lớn, đẳng cấp quốc tế với thu nhập hậu hĩnh.

Gần đây, có khá nhiều DN du lịch hàng đầu ở Đà Nẵng, Phú Quốc… “lặn lội” ra Huế để tìm kiếm lao động chất lượng. Điều rất bất ngờ là các DN này tìm chọn nhân viên có kỹ năng thực sự, chứ không tập trung những lao động có bằng cấp cao. Bà Hoàng Thị Lan Anh, Giám đốc Nhân sự Khách sạn Crowne Plaza Đà Nẵng cho hay, chủ động tìm kiếm lao động chất lượng có lợi hơn nhiều lần so với đăng tuyển dụng và chờ đợi lao động đến. Khi có lao động tốt sẽ bắt tay vào làm việc ngay, không cần thêm ba tháng hay nửa năm đào tạo thực tế tại DN như nhiều năm qua vẫn thường làm.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, ở Huế có khá nhiều cơ sở đào tạo về du lịch, một số trường đào tạo bài bản, lao động khi ra trường đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhưng điều đáng lo ngại là một số trường không phải chuyên về du lịch cũng tham gia đào tạo. Đánh giá về chất lượng lao động này khi ra trường chỉ đáp ứng được những vị trí lao động bình thường, ở các DN nhỏ và nguy cơ bị đào thải là rất cao.

Thực hành sẽ giúp sinh viên có kỹ năng tốt khi ra trường

Sinh viên sẽ có lợi nhất

Làm gì để nâng cao tay nghề cho các sinh viên du lịch, ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề du lịch phân tích, mỗi cơ sở sẽ có một triết lý đào tạo riêng, khó có thể so sánh, nhưng có một chỉ số luôn được nhiều trường quan tâm là tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm đúng ngành đào tạo. Đối với cao đẳng Nghề du lịch, nâng cao kỹ năng nghề bằng việc tăng cường thực hành ở các DN là giải pháp được xem quan trọng nhất. Môi trường làm việc thật ở DN là yếu tố giúp các em có những va chạm với nghề ngay từ khi còn là sinh viên. Cái lợi lớn nhất là giúp các em tăng khả năng giao tiếp, tạo tính kỷ luật trong công việc, kỹ năng thực hành sẽ được rèn luyện hằng ngày. Áp lực của công việc giúp các em khi ra trường sẽ hạn chế những bỡ ngỡ ban đầu. Môi trường đó chỉ có ở các DN, chứ cơ sở đào tạo chỉ là môi trường giả định.

Nguyễn Anh Tuấn, sinh viên năm cuối Trường cao đẳng Nghề du lịch đang thực tập ở Laguna Lăng Cô cho biết, ở trường cũng có quầy thực hành pha chế. Nhưng khi tham gia làm thực tế, dưới sự theo dõi của nhiều du khách khiến em phải cẩn thận hơn, luyện tập nhiều hơn để không mắc lỗi. Khi biểu diễn pha chế được du khách vỗ tay và ly cocktail của mình được du khách khen ngon mới là thành công.

Quá trình để sinh viên đi thực tập ở DN trải qua ba giai đoạn: nhà trường xin cho sinh viên thực tập, giai đoạn thứ hai là hai bên cùng bố trí thực tập và đoạn thứ ba là cùng nhau xây dựng chương trình thực tập. Điều đáng mừng là hiện nay có nhiều DN chủ động liên hệ đưa sinh viên về thực tập. Và đáng mừng hơn nữa, dù chỉ tham gia thực tập nhưng các em vẫn được DN trả lương. Như ở Laguna Lăng Cô các em được trả 1 triệu đồng/tháng; một số em thực tập ở Khu nghỉ dưỡng Hyatt Đà Nẵng nhận lương 3 triệu đồng/tháng. Các em xuất sắc còn được nhận vào làm sau này, ông Vũ Hoài Phương thông tin.

Du lịch mang tính mùa vụ khá cao, nhiều doanh nghiệp sẽ thiếu lao động vào mùa cao điểm, nhất là vào dịp lễ, Tết, mùa hè. Thay vì tuyển dụng lao động bên ngoài thì nhiều DN tận dụng sinh viên để tiết tiết kiệm chi phí. Cách làm rất linh động của cơ sở đào tạo là chấp nhận thay đổi thời gian học của sinh viên. Ông Vũ Hoài Phương cho hay: “Những lúc họ cần mình mà không cung ứng và những lúc họ không cần mình lại đưa các em đến thì không có hiệu quả. Bởi thế, nhiều năm qua, thời gian nghỉ hè của nhà trường gần như không có, bởi phải tiến hành "xoay" các lớp học, làm sao đó bất kỳ thời gian nào cũng có sinh viên sẵn sàng đến thực tập tại DN khi có đề nghị”.

Khi tham gia làm việc thực tế ở các doanh nghiệp, sinh viên có thể tìm kiếm công việc ngay ở DN nếu thể hiện được chuyên môn. Giám đốc điều hành Laguna Lăng Cô cam kết, các bạn sinh viên tốt nghiệp khóa học có thành tích học tập và thực lực xuất sắc sẽ có cơ hội tham gia phỏng vấn và đảm nhận những vị trí phù hợp tại Laguna.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang

Công tác đoàn và phong trào thanh niên trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã có bước phát triển toàn diện cả chiều rộng, lẫn chiều sâu; thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang
Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình

TIN MỚI

Return to top