ClockThứ Hai, 06/06/2016 14:58

Tăng cường nhân lực du lịch tuyến huyện

TTH - Trong phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, du lịch luôn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt ở một số địa phương có thế mạnh về du lịch. Tuy nhiên, nhân lực quá thiếu và yếu đã gây rất nhiều khó khăn.

Thiếu và yếu

Chúng tôi về thôn Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, Quảng Điền) lúc người dân nơi đây đang đón một đoàn khách. Du lịch đã “đổi da, đổi thịt” vùng đất này. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, người dân chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang làm dịch vụ du lịch. Đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình phần nào được cải thiện. Cũng một ngày cuối tháng 5, chúng tôi có dịp về cầu ngói Thanh Toàn và chứng kiến rất đông du khách về đây tham gia, tận hưởng những sản phẩm du lịch cộng đồng do người dân làm chủ thể.

Cơ quan chức năng kết hợp với các doanh nghiệp khảo sát tuyến du lịch sinh thái ở Nam Đông

Du lịch là thế mạnh của nhiều địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ không ít khó khăn, trong đó yếu tố con người là hàng đầu. Lực lượng chuyên môn quá thiếu dẫn đến nhiều khâu làm không tốt. Chẳng hạn như khả năng tự quảng bá của các địa phương hầu như không có. Khâu xúc tiến kêu gọi đầu tư phải do các cơ quan khác thực hiện, dẫn đến nhiều dự án, sản phẩm mới sắp được triển khai mà cơ quan chuyên môn là Phòng Văn hóa Thông tin không nắm bắt được.

Ông Trần Công Trực, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Quảng Điền, cho biết: “Trong phân công công việc, phòng chỉ có một chuyên viên phụ trách về mảng du lịch. Chuyên viên này cũng chỉ phụ trách 70% về du lịch và phải kiêm nhiệm thêm 30% công việc của các lĩnh vực khác. Để khắc phục phần nào khó khăn, chúng tôi xây dựng hệ thống cộng tác viên ở các xã, doanh nghiệp trên địa bàn. Đội ngũ này thường xuyên theo dõi và báo cáo các hoạt động du lịch. Nhờ vậy, những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhanh được tháo gỡ. Khi phân công nhiệm vụ cho từng chuyên viên của phòng, chúng tôi cũng yêu cầu sự phối kết hợp với nhau, khi du lịch quá nhiều việc thì cán bộ khác có thể phụ giúp”.

Là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch chỉ sau TP. Huế, nhưng ở phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Lộc cũng chỉ có một chuyên viên phụ trách mảng du lịch. Anh Nguyễn Hoàng Thái Duy, chuyên viên phụ trách du lịch cho biết, trong du lịch có rất nhiều lĩnh vực đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, nhưng những chuyên môn này chưa được đào tạo bài bản nên gặp nhiều trở ngại. Hơn thế, khối lượng quá lớn dẫn đến sót việc.

Ông Lê Ngọc Sanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẳng thắn: “Nhân lực ở các huyện không chỉ thiếu mà yếu cả về chuyên môn. Bởi lẽ, như tên gọi của phòng, chức năng bề nổi là văn hóa và thông tin, chứ không phải du lịch. Khi có việc quan trọng thì bị cuốn theo, dễ bỏ quên mảng du lịch. Ngay cả các cán bộ phụ trách, có đến 80-90% không được đào tạo chính quy về du lịch, chủ yếu là “tay ngang” từ các lĩnh vực khác kiêm nhiệm”.

Cần tăng cường nhân lực

Theo ông Lê Ngọc Sanh, chỉ được học tập, làm việc trong môi trường chuyên môn về du lịch thì nghiệp vụ mới có thể nâng lên. Còn như thực trạng chung hiện nay thì rất khó đòi hỏi nghiệp vụ của các cán bộ. Phải có thêm cán bộ chính quy, chuyên ngành về du lịch để phần nào cải thiện được tình hình thiếu nhân lực du lịch ở các địa phương như hiện nay.

Trong tất cả các lĩnh vực, chứ không riêng du lịch, yếu tố con người luôn quyết định. Dù có nhiều điều kiện để phát triển, có sức hấp dẫn nhưng không có người để kết nối với các doanh nghiệp, không có người làm công tác xúc tiến, quảng bá thì hiệu quả cũng không có. Ông Trần Công Trực, nói: “Có thêm biên chế về du lịch là rất cần thiết. Khi đó, chúng tôi có thể xây dựng được nhiều kế hoạch phát triển du lịch hơn. Hiện nay, dù muốn làm nhưng không có người thực hiện nên đành chịu”.

Tại A Lưới, địa phương có tốc độ phát triển du lịch cao trong những năm gần đây cũng gặp tình trạng chung. Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện cho hay: “Do khối lượng công việc nhiều, chỉ một chuyên viên phụ trách không thể xử lý, nên vừa qua phòng đã ký hợp đồng với một cán bộ chuyên môn nữa nhằm tăng hiệu quả công việc. Nếu tính đầu việc hiện nay, chúng tôi cần ít nhất hai cán bộ chuyên môn về du lịch nữa. Vì thực tế địa bàn của huyện quá rộng, các điểm du lịch nằm cách xa nhau”.

“Nhằm nâng cao nghiệp vụ, Sở đã mở nhiều lớp tập huấn cho các cán bộ phụ trách du lịch ở các địa phương; kết hợp với các dự án EU, ILO, JICA để tăng cường đào tạo thêm. Tuy nhiên, mức độ cũng vừa phải, thiếu liên tục và chủ yếu các lớp ngắn hạn nên chỉ dừng lại đào tạo các kiến thức cơ bản, chưa thể mở các lớp đào tạo dài hạn, có tính chuyên sâu”, ông Lê Ngọc Sanh cho biết.

Quang Đức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều
Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Return to top