ClockThứ Năm, 04/12/2014 11:14

Tấm lòng với Huế của hậu duệ Nguyễn Phúc tộc (Tiếp theo và hết)

TTH - Các hậu duệ phái nữ Nguyễn Phúc mà tôi từng có dịp gặp gỡ cũng để lại những ấn tượng sâu đậm về tình cảm đặc biệt dành cho Huế, đó là bà Tôn Nữ Thị Ninh, bà Phương Monie và bà Nguyễn Phúc Phương Thảo.

Tôn Nữ Thị Ninh là một trí thức Việt Nam vốn là người có thời gian sinh sống và học tập ở nước ngoài trong một thời gian dài. Bà từng học tập, rồi sau đó giảng dạy ở Pháp, ở Anh từ những năm 50 đến 70 của thế kỷ trước. Sau 1975, bà tham gia làm việc tại Vụ các tổ chức đa phương (Bộ Ngoại giao, Việt Nam), rồi bà trở thành Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia như Bỉ, Hà Lan... Bà còn giữ cương vị là người đứng đầu đại diện của phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu tại Bruxelles (Bỉ) v.v…

Bà Phương Monie nhận giấy chứng nhận hiến tặng cổ vật của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Ảnh: Hải Trung

Năm 1999, cùng với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Hội Đồng hương Thừa Thiên Huế tại Hà Nội, Tôn Nữ Thị Ninh đã tích cực vận động quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Huế qua tổ chức sự kiện “Tuần văn hóa Huế” tại Hà Nội từ ngày 08-4 đến 12-4-1999 tại khu triển lãm Vân Hồ nhân kỷ niệm 5 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là lần đầu tiên Huế tổ chức một sự kiện lớn ở ngoại tỉnh với nhiều hoạt động như tổ chức biểu diễn âm nhạc (truyền thống và hiện đại); triển lãm tranh, ảnh; giới thiệu trang phục áo dài; giới thiệu về văn hóa Huế (các diễn giả Hữu Ngọc, Cao Xuân Phổ, Ngô Huy Quỳnh); biểu diễn và tổ chức ẩm thực Huế; ca nhạc cung đình và biểu diễn thời trang tại Văn Miếu, ca Huế trên du thuyền Hồ Tây; thả diều Huế tại Quảng trường Ba Đình... Tuần văn hóa Huế 1999 đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người Thủ đô và bạn bè quốc tế tại Hà Nội, rất nhiều đại sứ, lãnh sự, tham tán văn hóa của các nước tại Việt Nam đã đến với Tuần văn hóa Huế năm 1999.

Hai năm sau, vào tháng 9-2001, với tư cách là Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Tôn Nữ Thị Ninh lại tiếp tục tổ chức sự kiện “Tuần văn hóa Huế” tại Bỉ. Dịp này, Tôn Nữ Thị Ninh đã mời đến Bruxelles các nghệ sĩ người Huế để tổ chức các hoạt động nghệ thuật, triển lãm như nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ và tôi (Hải Trung) trong tư cách là nhà thư pháp. Tuần văn hóa Huế được tổ chức khá thành công ở Bảo tàng Cinquantenaire ở Bruxelles. Riêng tiết mục triển lãm và trình diễn thư pháp của tôi theo yêu cầu của bà Tôn Nữ Thị Ninh thì phải được thực hiện ở cả thủ đô Bruxelles và hai thành phố Gant, Liègere. “Tuần văn hóa Huế” tại Bỉ thực sự thu hút sự quan tâm của nhiều sứ quán, lãnh sự của các nước tại Trung tâm chính trị châu Âu - thủ đô Bruxelles của Vương quốc Bỉ.

Với Phương Monie - cháu ngoại của vua Thành Thái (Việt kiều Campuchia) - thì đã dành những tình cảm thật đặc biệt với Cố đô Huế. Trong tháng 4-2013, bà đã ba lần hiến tặng các cổ vật, hiện vật mà cá nhân từng sưu tầm được như 5 sắc phong thần thời Nguyễn; 228 hiện vật gốm sứ có niên đại từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, làm phong phú thêm kho tàng hiện vật, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học của Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng như nhu cầu khám phá, tìm hiểu của du khách.

Bà cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng để chỉnh trang nhiều không gian thờ tự tại các di tích, tôn tạo, chỉnh trang nhiều di tích, đóng góp kinh phí trong việc mua cổ vật... Với những đóng góp rất tích cực vào công việc bảo tồn di sản ở Huế, tháng 4-2014, bà Phương Monie đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”. Đây là danh hiệu dành tặng cho những người nước ngoài có những đóng góp, cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Người cuối cùng mà tôi muốn đề cập trong bài viết này là bà Nguyễn Phúc Phương Thảo. Bà là con gái của vua Bảo Đại và thứ phi Mộng Điệp.

Còn nhớ, vào năm 1997, bấy giờ công cuộc trùng tu di tích Cố đô Huế đứng trước nhiều khó khăn, nhất là về tiềm lực tài chính để trùng tu di sản, với tấm lòng luôn hướng về quê hương, bằng quan hệ cá nhân, Nguyễn Phúc Phương Thảo tích cực vận động, tác động Quỹ Di tích Thế giới (World Monuments Found) tài trợ cho Huế 80 ngàn USD nhằm trùng tu di tích Minh Lâu (lăng Minh Mạng). Đây là số kinh phí rất ý nghĩa đối với di sản Huế ở thời điểm bấy giờ.

Năm 2011, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho tôi biết, con gái vua Bảo Đại ở Pháp có một bức tranh và nhã ý chuyển tặng cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Không lâu sau, bà có lời mời với đại ý là bà đã về Việt Nam, nhưng không ra Huế được, nên mời người có trách nhiệm vào TP. Hồ Chí Minh để có thể trao tặng bức tranh vẽ về gia đình Hoàng đế Bảo Đại. Tôi và một đồng nghiệp vào TP. Hồ Chí Minh gặp bà để nhận món quà đầy ý nghĩa này.

Đó là bức tranh sơn dầu vẽ hoàng hậu Nam Phương cùng các con là Bảo Long, Phương Mai, Phương Liên đứng dưới chân dung vua Bảo Đại. Chưa biết đích xác tác giả, chỉ thấy bên dưới góc phải của bức tranh có ghi hai chữ “Yết Kiêu” (có thể là cách gọi tắt của Đại học Mỹ thuật Đông Dương cũ, sau này là Đại học Mỹ thuật Việt Nam vì trường này nằm ở đường Yết Kiêu, Hà Nội) và ngày 12-1-1953 cùng chữ ký của người vẽ. Bức tranh đã được chuyển về bảo quản tại kho cổ vật và Bảo tàng đã làm một phiên bản để treo tại Khải Tường lâu, cung An Định - nơi gia đình cựu hoàng Bảo Đại sinh sống từ 1945, sau khi nhà vua thoái vị.

Một năm sau, bà Phương Thảo lại có dịp về Việt Nam. Lần này bà về Huế và cũng mang theo một món quà cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Bà hẹn gặp tôi tại bar-cafe khách sạn Tân Hoàng Cung. Nhè nhẹ mở túi xách, đặt lên bàn một chiếc khung to hơn cỡ A4, bà nói, đây là một văn bản gì đó của chùa Báo Quốc ở Huế trao cho cha tôi, mà tôi còn giữ đến giờ…

Thông tin liên quan:

>> Tấm lòng với Huế của hậu duệ Nguyễn Phúc tộc

Tôi cầm chiếc khung lên một cách trân trọng, rồi à một tiếng rõ to: đây là văn bản công nhận pháp danh “Trừng Loan” cho ông Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy của chùa Báo Quốc. Hiện hiện vật này cũng được lưu trữ và bảo quản tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và dự kiến sẽ trưng bày tại Khải Tường lâu, cung An Định vào thời gian đến.

Nhiều cổ vật, hiện vật có ý nghĩa liên quan đến văn hóa Huế do chính hậu duệ nội cũng như ngoại của dòng họ Nguyễn Phúc ở nước ngoài trao tặng cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cô đô Huế đối với chúng tôi rất có ý nghĩa, mà trên hết chính là sự tin tưởng của họ đối với Huế - Việt Nam hôm nay và mai sau.

Nguyễn Phước Hải Trung
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024

Đến với Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, Viện Nghiên cứu Vụ kịch Chiết Giang Trung Quốc (Zhejiang Wu Opera Research Centre) sẽ dàn dựng và biểu diễn một số tiết mục nổi bật giới thiệu sự quyến rũ và tinh hoa của nghệ thuật Vụ kịch Chiết Giang và Hí Kịch truyền thống Trung Quốc.

Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024
“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top