ClockThứ Ba, 13/02/2018 18:34

Tâm linh xứ Huế ngày xuân

TTH.VN - Xứ Huế mà tôi muốn nói ở đây không chỉ hạn hẹp ở khu vực này mà còn là cả miền Trung, cả khắp đất nước nhưng điều sâu xa nhất là thường đậm đặc ở đây, trên vùng đất Cố đô này. Lịch sử, địa lý, thiên nhiên và con người nơi đây đã tạo nên những nét nổi bật trong mỗi lần Tết đến, xuân về.

Tết có nghĩa là tiết, là mùa, đây nói là mùa xuân. Đậm đặc trong lòng người, trong cây cảnh, trong ngàn hoa, sông suối và nhất là trong tâm linh con người. Làm sao nói hết, Tết chỉ là một tên gọi nhưng nó đại diện cho mùa xuân, bàng bạc, lung linh trong cả mùa xuân và rồi trong cả năm tháng, cả cuộc đời trong lòng người dân Việt.

Tết đến, lòng người nơi đây và cả khắp nơi được buông thả, bay bổng, giao hòa cùng đất trời, cây cảnh và bạn bè, suy rộng ra là tất cả. Tâm linh rộng mở, có cả hướng nội, nhiều nhất là hướng ngoại, hình như mọi người chờ Tết đến để cho lòng thanh thản, rũ bụi đời, hòa vào tất cả và con người càng trở nên sung mãn hơn, thánh thiện hơn trong những ngày này.

Hoa thọ từ vùng quê được mang lên phố. Ảnh: L.Tuệ

Trong cung vua phủ chúa đã có bao nhiêu nghi lễ ứng hợp với ngày Tết, ngày xuân. Cung điện, lâu đài, đền tạ được chăm sóc quét dọn, treo đèn, lên nêu và hoa lá tốt tươi. Từ khắp nơi trong vùng Cố đô này, trong những ngày Tết đều có nhiều lễ lớn để tạ ơn trời đất, thần linh, sông núi, tổ tiên, nổi bật nhất là lễ tế Nam Giao đất trời giao hòa, âm dương đồng nhất, con người thành kính cầu mong trời đất và ông bà ban cho phước lành, hòa bình và an lạc. Và toàn thể dân gian hòa vào đó, tỏa ra cùng với quan binh để hưởng cho tận cùng niềm vui cao nhất bao lâu bị ức nén. Từ việc lau dọn các án thờ trong Đại nội, từ việc tạm cất ấn vàng nhà vua mấy ngày trong dịp Tết, chắc là các đấng quân vương đang cáo với đất trời, báo với thần dân xin được nghỉ ngơi, “gác kiếm” trong mấy ngày để hòa đồng với thiên nhiên cây cỏ. Các trò chơi trong cung vua phủ chúa, đổ xăm hường, chơi đầu hồ, thú thả thơ, thú thưởng trà, nhắm rượu với những tập tục rất quý phái nhưng được tập trung nhiều nhất trong những ngày này để nói lên niềm vui và an lạc dưới thế trong mùa ra hoa và nảy lộc.

Và rồi tập trung nhất, dễ thấy nhất, bày ra nhất giữa bàn dân thiên hạ là trong tất cả các xóm làng, trẻ già, trai gái ai nấy đều tự nguyện, sẵn sàng cho ngày vui lớn, những ngày được thả lòng mình tan ra trong cái se lạnh, trong hơi sương sớm, trong cỏ hoa mỗi dịp Tết đến xuân về.

Qua bao biến động lịch sử và nhân thế, ở nơi đây, các tập tục ngày xuân, ngày Tết vẫn còn được giữ vững. Bao năm chiến tranh ly loạn xa quê nhà. Một kinh đô cũ, một xóm làng thân yêu tưởng như đã khuất mờ qua bao bom đạn và chết chóc bỗng không ngờ tất cả đã trở về hiện hữu trong tôi những ngày này.

Chiều 23 Tết ấy, một tuần lễ nữa mới đến ngày đầu năm. Tôi từ Hà Nội trở về, ngắm thành phố qua vẻ đẹp ngày xuân. Ngày Tết đầu tiên sau đại thắng và thống nhất đất nước, tôi tạt qua làng Vỹ Dạ nổi tiếng. Vẫn là vườn cây xanh, vẫn “lá trúc che ngang mặt chữ điền”, nhưng tôi nhìn ra nơi nhà cụ thân sinh họa sĩ tài hoa Bửu Chỉ của xứ Huế, chính là ông cụ, một người hoàng tộc danh tiếng tự tay mình cầm cây kéo to tỉa tót lại bức hàng rào kiểng trước nhà. Và cũng thấy con cháu trong nhà đi tìm lá me sau vườn đánh bóng các đồ thờ bằng đồng. Lòng đầy xúc cảm, bất giác tôi la to: “Ôi, cái Tết xưa vẫn còn, ấm lòng làm sao”. Vài ngày sau, tôi lại đi qua, đã thấy cây nêu trên cao có chùm lá tre phơ phất giữa gió đông mà cũng là gió mùa xuân gây nên bao cảm khái trong tâm hồn.

Gói bánh tét ngày tết. Ảnh: Đăng Tuyên

Mê mải làm sao, vào tận từng xóm làng Ngọc Anh, Dương Nổ, Lại Thế, Triều Thủy, Cổ Bi, những xóm làng bao quanh Huế cũng như ra tận quê tôi, làng cổ Phước Tích có lịch sử trên 550 năm, nay đã được công nhận là làng Di sản cấp quốc gia, khắp vùng thôn quê nơi đây, lòng người lúc ấy còn băn khoăn trước tình thế mới, vui vì thắng lợi cũng nhiều mà lo cho cuộc sống tới cũng lắm, nhưng tất cả là mùa Xuân, ngày Tết đến rồi. Tất cả đang lao vào một cuộc chuẩn bị từ mỗi nhà, ra vườn, ra xóm làng và sông nước. Ai nấy đều muốn tạm quên mình, xóa cái mặc cảm tầm thường trong mỗi ngày để làm cho tâm hồn mình vui hơn, rộng mở hơn, hướng nội hơn để rồi hướng ngoại nhiều hơn, để cho lòng mình thanh thản hơn, hấp thu hạo khí của đất trời, hoa cỏ nhiều hơn.

Rồi cũng như mọi năm. Trong những ngày Tết trước đây và hiện nay, chúng tôi tổ chức Chợ xuân ở Huế cho mọi người thưởng thức. Trên bến Thương Bạc, tiếng kèn, khúc nhạc tấu lên, bên dòng Hương Giang là hàng chục quán xá, lều tranh, mái tồn, trai gái mọi nơi đi vào các trò chơi, thoải mái hơn bao nhiêu. Và cũng nơi đây, tiếp tục cho đến giờ là những cuộc bày cây cảnh, bonsai, viết chữ... 

Còn bao nhiêu lời nữa mới tạm kết thúc những dòng này nói về tâm linh xứ Huế trong mỗi ngày xuân. Một tâm linh như thế, đáng ca ngợi làm sao, vẫn miên trường vĩnh cửu dù còn nhiều thay đổi nhưng tôi vẫn vững tin là tất cả tâm linh đẹp đẽ đó vẫn được bảo tồn mãi mãi nơi đây và trên mọi miền.

Lê Trọng Sâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
"Đằm bụng" với bánh gói đậu xanh xứ Huế

Những hàng nậm, lọc ở Huế thường bán kèm một loại bánh cũng rất thơm ngon và hấp dẫn, chỉ là hơi kém tiếng một chút: bánh gói đậu xanh. Bánh có thể xem như một phiên bản chay của bánh nậm với cùng nguyên liệu chính là bột gạo và mùi vị khá tương đồng, nhưng săn hơn và được gói thuôn thuôn như bánh lọc.

Đằm bụng với bánh gói đậu xanh xứ Huế
Nỗi thương món Huế

Xứ Huế để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm trí tôi vì nhiều lẽ: Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng hữu tình, con người duyên dáng và thanh lịch, chất văn hóa ngấm trong từng danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nếp sống, nếp nghĩ của con người Cố đô... Và, tôi còn vấn vương xứ Huế vì một lẽ khác nữa - những món của Huế!

Nỗi thương món Huế
Gặp chàng trai xứ Huế nhiều lần vô địch giải vật truyền thống

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở thị trấn Sịa (Quảng Điền), Lê Phước Long (sinh năm 1996) mê bộ môn vật ngay từ lúc nhỏ. Chính thức bước lên sới vật để thi đấu năm 16 tuổi, đến nay Long đã đạt được những thành tích đáng kể với bộ môn thể thao truyền thống này.

Gặp chàng trai xứ Huế nhiều lần vô địch giải vật truyền thống

TIN MỚI

Return to top