ClockThứ Bảy, 18/05/2019 12:58

Tái hiện lễ cưới của người Pa Cô

TTH.VN - Theo truyền thống, con trai hay con gái Pa Cô sau thời gian tìm hiểu, yêu đương và quyết định tiến tới hôn nhân phải có trách nhiệm làm lễ báo cáo cho hai bên gia đình, nhà trai hay nhà gái trước tùy theo đôi trẻ lựa chọn.

Lời gọi mời từ đám cưới người Pa CôMùa lễ hội AzaMay nhờ rủi chịu?

Cô dâu chú rể tại tái hiện lễ cưới của người Pa Cô

Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2019, ngày 18/5, Lễ cưới của người Pa Cô tại vùng cao A Lưới được tái hiện.

Cưới, hỏi là nghi lễ quan trọng nhất của người Pa Cô. Khi con trai, con gái Pa Cô đến tuổi dựng vợ gả chồng, cha mẹ, anh em họ tộc bắt đầu chuẩn bị các lễ vật truyền thống...

Đối với con trai cần có tiền, vàng, bạc, cườm, bò, heo, áo quần, thau, chiếu… Con gái cần các lễ vật như, dèng, chiếu A lơơq, gạo, gà, vịt,...

Sau khi thực hiện Lễ Y py a đâ a, y a, ăm (lễ báo cáo cho bố, mẹ) và Pôôc  xeeq (đám hỏi), người Pa Cô tổ chức lễ cưới gồm có 2 bước là Pôôc đooq (đám cưới tại nhà trai) và Pa liah, a leq kâr mai (đám cưới nhà gái).

Khoảng một năm sau khi thực hiện lễ cưới tại nhà trai và nhà gái, nhà trai lại tổ chức nghi lễ Pâr đâyh a mânh.

20 năm sau ngày cưới, đằng nhà trai lại thực hiện nghi lễ Pa nâyq plô (chấm dứt của hồi môn) cho nhà gái.

Những hình ảnh tái hiện lễ cưới dân tộc Pa Cô, huyện A Lưới:

Sáng sớm, trước khi đưa con gái về nhà chồng, họ hàng nhà gái chuẩn bị những lễ vật cần thiết để tới đưa nhà trai. Trong lúc này, chủ nhà gái làm nghi lễ Pai a ngôh (lễ xuất gia). Nhà gái cùng già làng, trưởng họ mang theo một số lễ vật đại diện như: Dèng, gà luộc, gói xôi, số lượng tùy theo điều kiện của gia đình 

Cô dâu đội tấm Dèng “Pâr lang” 

Nhà gái tới nơi, mẹ chồng đến bên cô dâu cởi tấm Dèng “Pâr lang” từ cô dâu, đồng thời đeo cho cô dâu chuỗi cườm để thể hiện sự đón nhận dâu hiền

Tiếp theo là nghi lễ “Pa Kloaq”, trong nghi lễ này, họ hàng phía nhà trai sẽ đứng sẵn trước cửa chính cùng mâm cỗ tiếp đón họ hàng nhà gái

Khi nhà gái đã vào nhà, 2 bên gia đình sẽ bắt đầu những nghi lễ dưới sự chỉ dẫn và chứng kiến của già làng, trưởng họ 2 bên gia đình. Đầu tiên, nhà trai tiến hành làm lễ “Pâr xool” - lễ nhận thông gia, từ nay hai bên gia đình trở thành thông gia, giúp đỡ nhau khi khó khăn hoạn nạn

Người Pa Cô ngày nay không còn tục thách cưới, nhưng riêng lễ vật liên quan đến phong tục tập quán thì bắt buộc nhà trai lo cho bằng được theo số lượng quy định, còn trọng lượng thì tùy theo đỉều kiện của nhà trai

Nghi thức trao và nhận của hồi môn giữa 2 bên gia đình được thực hiện trình tự với hình thức hát “Kâr lơi” đối đáp giữa hai ông bố của cô dâu, chú rể

Phần trao của hồi môn của nhà gái để đáp lại tình cảm của nhà trai, đồng thời cũng là gửi gắm con gái còn non dại, mong bố mẹ chồng thương yêu như con cái trong nhà, anh chị em trong nhà quan tâm giúp đỡ và hơn hết là sự yêu thương, chung thủy đến đầu bạc răng long của chú rể

Nghi thức trao của hồi môn hoàn tất thì cha mẹ chồng thực hiện nghi thức “Pa tưup a đeh, pa cha đooi”. Với nghi thức này, đôi vợ chồng mới cưới ngồi ăn chung một chén cơm nếp để cầu mong vợ chồng mãi mãi hạnh phúc đến đầu bạc răng long...

...Cùng nhau uống ché rượu cần

Mọi thủ tục trong đám cưới nhà trai thực hiện xong, 2 bên gia đình bàn bạc và định ngày để tổ chức bước lễ cưới thứ 2 tại nhà gái. Khi đã chọn được ngày phù hợp để 2 bên gia đình kịp chuẩn bị mọi thứ, họ hàng nhà gái chào tạm biệt thông gia để đi về trong niềm hân hoan vui vẻ từ phía 2 họ. Từ đây cô dâu sẽ bắt đầu một cuộc sống mới ở nhà chồng

Pa liah, a leq kâr mai (đám cưới nhà gái) một tuần sau lễ cưới đầu tiên tại nhà trai, để 2 gia đình được thuận lợi trong việc qua lại thăm nom nhau mà không phải kiêng cữ

Đến dự lễ cưới tại nhà gái, nhà trai thường khiêng theo 1 con heo to và kèm theo của hồi môn khác, như: tiền, vàng, bạc, cườm, bò, heo, áo quần, thau, chiếu…

Trong lễ cưới này, người đi vào đầu tiên phải là cô dâu. Mẹ cô dâu cầm một chiếc đũa bếp đứng chờ con gái ở cầu thang đi vào trong nhà, cô dâu bước lên cầu thang đưa tay nhận lấy chiếc đũa mẹ trao và thả ngay chiếc đũa đó xuống dưới cầu thang. Nghi lễ này có nghĩa rằng từ nay con gái và con rể mới được phép vào nhà bố mẹ, lui tới, thăm nom cha mẹ. Sau khi thực hiện nghi lễ a leq kâr mai, các nghi lễ tiếp theo cũng được thực hiện trình tự như ở đám cưới tại nhà trai.

Thọ Thành (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lần về dấu xưa

Cũng như nhiều dân tộc khác đang sinh sống trên dãy Trường Sơn, cộng đồng người Pa Cô ở huyện A Lưới có nhiều tín ngưỡng độc đáo về văn hóa và tâm linh thờ cúng. Trong tâm thức của đồng bào, những ngôi nhà piing - nhà mồ được dựng lên ngoài để che chắn, tưởng nhớ người đã khuất thì đó còn là nơi lưu dấu những ký ức về tổ tiên, dòng họ.

Lần về dấu xưa
Tái hiện lễ lên ngôi và đại phá quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung

Tối 6/1, tại khu vực Tượng đài vua Quang Trung, núi Bân, phường An Tây, TP. Huế, UBND TP. Huế tổ chức chương trình nghệ thuật tái hiện lễ lên ngôi và đại phá quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung. Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ; lãnh đạo tỉnh, TP. Huế, các sở ban ngành, địa phương và đông đảo người dân trên địa bàn.

Tái hiện lễ lên ngôi và đại phá quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung
Chuyện về người Pa Cô thờ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967) là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc của Đảng. Suốt cuộc đời, ông đã cống hiến cho cách mạng với một lòng yêu nước nồng nàn, ý chí mãnh liệt, niềm tin bất diệt vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Chuyện về người Pa Cô thờ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

TIN MỚI

Return to top