ClockThứ Tư, 29/12/2021 07:15

Sông Hương: Bao giờ cập bến di sản? - kỳ III: “Bảo vệ sông Hương là bảo tồn giá trị lâu dài cho Huế”

 

 
 

Đó là khẳng định của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ với Báo Thừa Thiên Huế. Theo ông Thọ, sau khi quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương được phê duyệt, các sở ban ngành, UBND TP. Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần tái khởi động việc lập hồ sơ bổ sung sông Hương và cảnh quan hai bên vào Quần thể di tích cố đô Huế để UNESCO tái công nhận di sản thế giới.

Về triển vọng sông Hương trở thành di sản thế giới, ông Thọ nhận định: “Đến thời điểm này, khi đã có quy hoạch, cơ chế quản lý, việc lập hồ sơ sẽ không còn khó khăn và tôi tin UNESCO sẽ ủng hộ”. 

Năm 2004, Ủy ban Văn hóa - khoa học giáo dục Liên Hiệp quốc (UNESCO) đề nghị Việt Nam lập hồ sơ bổ sung sông Hương và cảnh quan hai bên vào Quần thể Di tích Cố đô Huế để UNESCO tái công nhận di sản thế giới nhưng cơ hội này đã qua. 

Phải nói rằng, sông Hương có vai trò vô cùng quan trọng, từ lịch sử, cho đến cảnh quan thiên nhiên, văn hoá…, gắn với sự phát triển, đi lên của Huế và người Huế. Sông Hương đi vào thơ ca, cuộc sống người Huế một cách tự nhiên. Nói đến Huế người ta lập tức nghĩ đến sông Hương và ngược lại, nhắc đến sông Hương người ta nghĩ ngay về Huế. Và có thể khẳng định, sông Hương gắn liền với Huế qua tất cả các giai đoạn thăng trầm.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ - Phan Ngọc Thọ trong một dịp cùng lãnh đạo các sở ngành khảo sát, kiểm tra việc làm tuyến đường dọc theo bờ sông Hương 

 

Việc đưa sông Hương trở thành một yếu tố di sản cảnh quan của Quần thể Di tích Cố đô Huế là điều tất yếu, sớm muộn gì cũng phải tiến hành.

Tuy nhiên, thời gian dài hoạt động này chưa được xúc tiến vì nhiều lý do. Trong đó, có lý do chúng ta đang làm quy hoạch. Làm sao vừa bảo tồn, vừa tôn tạo, phát huy giá trị cảnh quan hai bên bờ sông Hương để dòng sông thật sự góp phần phát triển Huế trong tương lai, hướng tới đô thị di sản, đô thị văn hoá, đô thị cảnh quan môi trường.

- Muốn lập được hồ sơ di sản thế giới cho sông Hương cần phải có quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương. Đầu năm 2021, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết đôi bờ sông Hương. Đây có phải là thời điểm thuận lợi để lập hồ sơ chưa, thưa ông?

Như tôi đã nói, quá trình nghiên cứu hồ sơ để đăng ký sông Hương trở thành di sản thế giới chúng ta có thời gian chững lại, để vừa quy hoạch vừa bảo tồn và phát huy giá trị sông Hương.

Và để có được cơ sở pháp lý cũng như niềm tin để đăng ký với UNESCO công nhận di sản thế giới, trong thời gian dài đã tiến hành quy hoạch hai bờ sông Hương với sự giúp sức của các tổ chức quốc tế, trong đó có KOICA, đến nay việc quy hoạch đó đã hoàn thành.

Quy hoạch trọn vẹn 15km từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh. Đây là không gian quan trọng của sông Hương. Quy hoạch đó được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá cao. Từ đó làm cơ sở quan trọng để có lòng tin, đăng ký với UNESCO công nhận sông Hương trở thành di sản thế giới.

- Vậy tiếp theo cần phải làm gì, thưa ông?

Khi đã có quy hoạch, các địa phương cần phải làm đó là tổ chức quản lý, giám sát cho tốt để sông Hương thật sự trở thành dòng sông thơ mộng, danh giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Huế.

Sau khi mở rộng, TP. Huế đã ôm trọn sông Hương. Vì thế, ngay từ bây giờ cần lên kế hoạch phối hợp các đơn vị liên quan, các bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học… đặc biệt với UNESCO để tiến hành bắt tay khởi động lại việc lập hồ sơ theo quy định, đăng ký trở thành di sản thế giới.

Toàn cảnh Kinh thành Huế hướng mặt ra sông Hương - minh đường trong yếu tố phong thủy chủ đạo của kinh thành Huế

 

- Nhiều ý kiến cho rằng, khi trở thành di sản thế giới, sông Hương sẽ mở ra những thuận lợi trong phát triển kinh tế, du lịch, đặc biệt là du lịch xanh, bền vững cho Huế. Vậy, quan điểm của ông trong vấn đề này?

 

Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng đã chỉ rõ, TP. Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phát triển nhanh, bền vững. Phát triển nhanh trên nền tảng tri thức và bền vững trên nền tảng văn hoá. Bên cạnh đó, các Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã xác định văn hoá là nền tảng phát triển đô thị Huế trong tương lai. Và đô thị Huế trong tương lai là đô thị di sản, văn hoá cảnh quan. Như vậy, nền tảng cảnh quan, văn hoá, môi trường sẽ là cốt lõi giúp cho TP. Huế đi lên.

Một trong những cảnh quan văn hoá, môi trường và nhân văn đó là sông Hương. Nói vậy để khẳng định, sông Hương sẽ bổ trợ cho Huế đi lên, phát triển.

Tuy nhiên, từng có thời gian chúng ta ngại nếu được công nhận di sản sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế. Nhưng tôi nghĩ rằng, thời điểm này khi quy hoạch hai bờ sông Hương đã được thông qua, chúng ta phải thực hiện theo quy hoạch. Quy hoạch này thể hiện sự hài hoà giữa bảo tồn và phát triển.

Tôi tin, UNESCO, cơ quan công nhận di sản thế giới – sau này khi công nhận di sản cho sông Hương sẽ dựa trên và tuân thủ quy hoạch đã được công bố. Việc này sẽ giúp sông Hương phát triển Huế và Huế bảo vệ sông Hương.

 

 

 

- Những năm gần đây, người dân, du khách đến Huế rất vui mừng khi chính quyền đã dốc sức cho việc tô điểm, làm đẹp và tôn vinh giá trị của sông Hương. Theo ông, như vậy đã đủ?

Chúng ta đã làm rất nhiều việc để bảo vệ, tôn vinh và phát huy giá trị sông Hương. Tuy nhiên, theo tôi vẫn chưa được nhiều và cần phải dốc sức, làm nhiều hơn nữa.

Để tiếp tục phát huy giá trị sông Hương, tôi nghĩ cần nghiên cứu có thêm không gian, hệ thống hạ tầng, dịch vụ với quy mô phù hợp. Tạo ra điểm đến để du khách quốc tế lẫn trong nước có thể thưởng thức được sông Hương, hưởng thụ dịch vụ một cách phù hợp với điều kiện của Huế.

Nhưng dù dịch vụ gì cũng phải được bảo vệ, quản lý một cách nghiêm ngặt để sông Hương mãi xanh, sạch, đẹp.

- Được biết, quy hoạch chi tiết 15km kéo dài từ Vọng Cảnh về đến Bao Vinh, vậy phía thượng và hạ nguồn thì sao?

 

Sông Hương đoạn chảy qua phố cổ Bao Vinh êm đềm, như một bức tranh tuyệt đẹp

 

Việc quy hoạch sông Hương với chiều dài 15km nằm ở vùng lõi từ đồi Vọng Cảnh về phố cổ Bao Vinh đã xác định rõ ba không gian với các chức năng khác nhau. Riêng phía thượng nguồn và hạ nguồn sẽ kết hợp với những quy hoạch khác, nhưng làm gì thì làm vẫn phải tạo được không gian công cộng để bảo vệ giá trị cảnh qua sông Hương và đôi bờ.

Tuyệt đối không để nhà máy, xí nghiệp mọc lên hai bờ, có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp đến sông Hương. Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý dọc theo hai bờ, các cồn nổi cũng như có biện pháp phòng, chống sạt lở lâu dài cho cả dòng sông. Bên cạnh đó, cần phải xử lý nghiêm túc các sai phạm đối với những công trình xây dựng trái phép, không phép xâm phạm đến sông Hương và cảnh quan hai bờ.

>> Sông Hương: Bao giờ cập bến di sản?- kỳ I: Gian nan đường đến di sản thế giới

>> Sông Hương: Bao giờ cập bến di sản? - kỳ II: Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Nội dung: PHAN THÀNH - LÊ THỌ

Hình ảnh: HOÀNG HẢI - TRẦN THIỆN - PHAN THÀNH - TƯ LIỆU

Thiết kế: QUANG THIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối di sản

Sự kiện đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” được vận hành vừa qua hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn. Song, để duy trì và khẳng định được tính “kết nối di sản” thì cần nhiều yếu tố, bởi đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng.

Kết nối di sản
Tuổi trẻ kiến trúc với di sản

Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc là hoạt động được tổ chức hai năm một lần (bắt đầu từ năm 1988) bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đây là hoạt động truyền thống có tầm vóc, quy tụ các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc trên cả nước, là cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo và hội nhập của các kiến trúc sư tương lai khi còn khoác áo sinh viên.

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi

Sau 5 năm triển khai, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh dù đạt nhiều thành quả nhưng vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến môi trường diễn xướng cho loại hình di sản này vẫn chưa nhiều và có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thu hút người tham gia…

Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi
Return to top