ClockThứ Bảy, 30/10/2021 13:50

Sẽ có “Ngôi nhà Huế” trên đường Lê Lợi

TTH - Trong định hướng phát triển, thành phố Huế muốn đưa địa chỉ 15 và 23 - 25 Lê Lợi trở thành “ngôi nhà Huế”, nơi trưng bày, giới thiệu các giá trị văn hóa để ai cũng có thể tìm thấy mình, tìm thấy Huế trong đó.

Bỏ không nhiều năm

Nhằm tạo điều kiện phát triển văn hóa, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống trên địa bàn TP. Huế, khu nhà, đất tại số 15 Lê Lợi được UBND TP. Huế đầu tư xây dựng và cho Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam thuê để kinh doanh về lĩnh vực này từ năm 2010. Cơ sở nhà đất này có diện tích đất 3.260m2, diện tích xây dựng 930m2, diện tích sàn sử dụng 2.790m2, tọa lạc tại vị trí đắc địa của thành phố.

Trong quá trình sử dụng, hoạt động của Trung tâm Trưng bày, giới thiệu sản phẩm truyền thống và đặc sản Huế chưa thật sự hiệu quả, chưa thu hút khách du lịch đến tham quan, mua sắm và không đáp ứng được mục đích, yêu cầu của phương án tổ chức khai thác. Năm 2018, UBND TP. Huế đã thu hồi mặt bằng tại địa điểm trên để tìm kiếm nhà đầu tư có đủ năng lực. Tuy nhiên, đến nay, cơ sở nhà đất này vẫn đang bỏ không.

Tuyến đường Lê Lợi đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền vốn được UBND tỉnh quy hoạch xây dựng không gian văn hóa nghệ thuật với mục tiêu kết nối các trung tâm nghệ thuật, nhà trưng bày, bảo tàng…, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách. Nhiều ý kiến cho rằng, khu nhà đất 15 Lê Lợi là “khu đất vàng”, việc bỏ không mấy năm nay rất lãng phí. PGS. TS. Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế bày tỏ: “Trong khi Bảo tàng Mỹ thuật Huế chưa có trụ sở thì địa điểm 15 Lê Lợi lại bỏ hoang mấy năm nay, quá lãng phí. Mặc dù không gian chưa đủ lớn nhưng địa điểm này có thể sử dụng để làm Bảo tàng Mỹ thuật Huế”.

Liên quan đến đề xuất sử dụng khu nhà đất 15 Lê Lợi làm Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định cho rằng, với một bảo tàng mỹ thuật đúng nghĩa để trưng bày tất cả các tác phẩm giá trị, đặc sắc thì không gian 15 Lê Lợi vẫn quá nhỏ, cần có không gian lớn hơn và đầu tư bài bản để hình thành bảo tàng mỹ thuật chứ không thể làm mới một không gian nhỏ.

Trước đây, khu nhà đất 15 Lê Lợi chỉ trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ hoặc nếu sau này chỉ sử dụng để trưng bày mỹ thuật một cách riêng biệt, địa chỉ này đều thiếu sức sống. “Trước đây chúng ta còn thiếu nguồn lực để đầu tư và ý tưởng quản lý, vận hành hiệu quả khu vực này nên có xu hướng triển khai theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, các phương án xã hội hóa vẫn chưa ổn, tiềm ẩn những rủi ro về mặt pháp lý cũng như hiệu quả hoạt động. Nếu chỉ sử dụng khu vực này làm nơi trưng bày mỹ thuật hoặc chỉ giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ thì sẽ rơi vào tình trạng cũ: hoạt động không hiệu quả, thiếu sức sống, không bền vững”, ông Phan Thiên Định nói.

Không gian sống động cho văn hóa nghệ thuật

Theo Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định, TP. Huế đang bàn bạc phương án sử dụng khu nhà đất 15 Lê Lợi sao cho thật hiệu quả, kết hợp với địa chỉ 23 - 25 Lê Lợi (Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế) trở thành không gian sống động, điểm nhấn trên trục không gian văn hóa nghệ thuật với 3 thành phần: văn hóa nghệ thuật, kinh tế sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (tập trung vào lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, văn hóa nghệ thuật).

TP. Huế sẽ đưa địa chỉ 15 & 23-25 Lê Lợi thành không gian dành cho văn hóa nghệ thuật

Trong không gian này, những người làm thủ công mỹ nghệ có thể trưng bày sản phẩm; các nghệ sĩ có thể trưng bày, trình diễn, giới thiệu những giá trị đặc sắc của mỹ thuật Huế. Đây cũng là không gian sáng tạo dành cho những người khởi nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo, văn hóa nghệ thuật theo xu hướng mới, đặc biệt là các bạn trẻ.

Lãnh đạo Thành ủy Huế cho rằng: Thành phố muốn kết hợp thủ công mỹ nghệ, văn hóa nghệ thuật và khởi nghiệp vào trong không gian này. Như thế, người làm thủ công mỹ nghệ có thể kết hợp với doanh nghiệp, những người làm design để hình thành nên những sản phẩm theo góc nhìn mới phù hợp với thị trường hơn. Hoặc, có thể kết hợp với những ý tưởng kinh doanh trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, văn hóa nghệ thuật. Sự kết hợp giữa những ý tưởng nghệ thuật và design theo xu thế thị trường sẽ mang lại thu nhập, phục vụ trở lại cho sáng tạo nghệ thuật. Như vậy, các ngành nghề: mỹ thuật, kinh doanh, design, khởi nghiệp, truyền thông… kết hợp với nhau sẽ tạo nên một tổng thể mới.

Địa chỉ này sẽ tạo ra sức sống khi hình thành nên không gian thư viện, trưng bày những sản phẩm truyền thống, nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật… thu hút các nhà nghiên cứu, những người yêu Huế, những bạn trẻ đang khát khao phát triển những giá trị văn hóa nghệ thuật, hàng thủ công mỹ nghệ Huế đang có. Ở không gian này, những người làm nghệ thuật có nơi trình diễn, giới thiệu sản phẩm, quảng bá một cách sống động các giá trị văn hóa Huế để những giá trị này đi vào cuộc sống, kích thích và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chứ không chỉ là nơi trưng bày.

“Những lớp người trẻ - già với những mong đợi khác nhau, nhưng đều có chung mong muốn phát huy những giá trị Huế sẽ gặp nhau trong không gian như thế, sẽ rất sống động và có sức hút. Thành phố muốn biến khu vực này trở thành “ngôi nhà Huế”, để ai cũng có thể tìm thấy mình, tìm thấy Huế trong đó. Tinh thần của thành phố là, không xem đây là nơi thu tiền về cho thành phố mà là nơi tạo ra không gian cho những người làm nghệ thuật, những người yêu văn hóa Huế, người làm thủ công mỹ nghệ và bạn trẻ khởi nghiệp. Từ đó, thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển theo hướng kinh tế sáng tạo dựa trên những giá trị đặc trưng về văn hóa nghệ thuật và cảnh quan cũng như lợi thế là trung tâm thương mại du lịch”, ông Phan Thiên Định mong muốn.

Từ đây đến cuối năm, TP. Huế sẽ yêu cầu dỡ bỏ hàng rào đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền; triển khai dọn dẹp vệ sinh, cải tạo, chỉnh trang hạ tầng để từng bước đưa khu vực 15 và 23-25 Lê Lợi vào hoạt động.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xúc tiến, quảng bá du lịch Huế tại Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh

Tại ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 20 năm 2024 với chủ đề “20 năm hành trình sống động” gắn với thông điệp chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City” (từ ngày 4-7/4), Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã tham gia với nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Xúc tiến, quảng bá du lịch Huế tại Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh
Trưng bày chuyên đề về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Chiều 22/3, tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (đóng tại TX. Hương Thủy) đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam”.

Trưng bày chuyên đề về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” là nội dung trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Điền tổ chức tại Trường THCS Ngô Thế Lân sáng 14/3.

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

TIN MỚI

Return to top