ClockThứ Năm, 22/11/2018 08:49

Sần sật canh chua cá nhám

TTH - Trưa ra chợ xách giỏ cho vợ, bất chợt thấy con... cá mập nhe hàm răng nhọn hoắt, bụng bảo dạ nhìn rứa ai dám ăn mà bán hả trời.

Thanh mát canh me đất cá cơmThương hoài canh cá ngạnh nấu khế

Là nghĩ cho vui vậy chứ mình biết đây là con cá nhám, bà con miền biển có nơi gọi là cá mập sữa. Và trong một thoáng bần thần, đã thấy 3- 4 chị nhào vô hỏi mua, thoáng chốc, con cá trơ trọi đúng khúc đầu.

Nhìn "hung ác" chứ cá nhám cũng là món ngon khó cưỡng

Thôi thì khúc đầu có dính tí gáy cũng được, bởi trong nhập nhoạng ký ức, cái thời rẻo đất sau nhà được ngoại trồng đôi ba cây ớt, bụi lá lốt cùng dãy gừng, nghệ xen lẫn trong đám me đất thanh tao, thì từng này cá cũng đủ ngoại làm 2 món.

Không bày bán phổ biến như các loại khác nhưng bây giờ cá nhám giá không rẻ chút nào. Còn thời đó, cá nhám rẻ như cho, chắc bởi nhìn hình thù hung dữ y chang cá mập với cái đầu dài nhọn, miệng rộng ngoác cùng hàm răng lởm chởm sắc nhọn nên ít ai dám ăn. Nhưng nghĩ là nghĩ vậy, chứ vào mùa mưa gió sụt sùi, nơi chái bếp thi thoảng mà có nồi cá nhám kho nghệ, hoặc tô canh chua đầu cá nhám thì…cứ gọi là thủng nồi trôi rế.

Như cá đuối, mỗi lần mua cá nhám, người bán còn khuyến mãi thêm phần gan cá béo ngậy. Nói khuyến mãi nhưng đừng tưởng của cho là của không ngon. Kho nghệ và nấu canh chua, không có phần gan cá “chêm” vào thì 2 món này mất đi năm bảy phần hồn cốt.

Cá nhám mua về, trước khi rửa qua nước muối loãng và để ráo, ngoại nhanh tay bắc ít nước lên bếp. Nước hơi nóng già, ngoại tắt lửa, thả cá vào rồi nhanh chóng vớt ra. Mình mà xớ rớ bên cạnh thì kiểu chi cũng được sai múc một ca nước lạnh xối thật chậm vào phần cá mới vớt, còn ngoại, dùng ngón cái miết nhẹ cho bay phần vảy cá li ti như đầu mút hột mè. Ngoại nói, công đoạn này rất quan trọng. Nước nóng quá và miết mạnh tay thì cá chín, rất dễ bay lớp da, nhìn mất ngon. Còn nước chưa đủ độ nóng, miết nhẹ tay thì kiểu chi lúc ăn vảy cá cứ bám dính vào khoang miệng, nhám nhám rất khó chịu.

Sơ chế xong, nếu là kho nghệ thì cá đem ướp với mắm, đường, hành, tiêu, ớt và củ nghệ được băm nhuyễn chừng 30 phút. Khi cá thấm cũng là lúc hành tím xắt lát vang tiếng xèo xèo trong nồi. Nghiêng tô đổ hỗn hợp ướp cá vào mỡ đang sôi rồi khuấy đều một lúc, sau đó xếp từng khoanh cá vào nồi, chờ sôi thêm lần nữa thì hạ lửa riu riu và khi đó, thằng cháu đã ngay ngắn nơi bàn ăn khoanh tay chờ cá chín với cánh mũi liên tục phập phồng.

Nấu canh chua sơ chế cũng y chang. Nhưng sau đó, ngoại tách riêng phần gan, còn đầu cá, sau khi ướp được lăn sơ qua trên chảo mỡ. Nếu có măng, dưa muối chua cùng thơm, cà, đậu bắp, bạc hà thì không nói làm gì. Nhưng những lúc không có, chùm ớt chỉ thiên, nắm me đất sau vườn được dịp phát huy tác dụng. Nước sôi, thả mấy trái ớt đập dập cùng phần đầu cá vào, can đầu cá chín thả nắm me đất đã được rửa sạch, cắt đôi. Nêm nếm vừa miệng, ngoại tắt lửa rồi rắc thêm nhúm ngò gai thái chỉ trước khi chứng kiến cuộc “càn quét” của thằng cháu đang tuổi ăn tuổi lớn.

Đến đây, chắc có người thắc mắc phần gan cá nhám đóng vai trò gì trong 2 món kho nghệ và nấu canh chua? Thì đây, cá nhám kho nghệ thịt mềm, ngọt đã đành, và nó càng béo, càng nồng nàn thơm, càng dễ hết cơm trong cái thời thiếu chất nếu “chẳng may” gắp trúng phần gan cá.

Còn canh chua, đầu cá nhám nhìn “hung ác” vậy thôi chứ ăn vào vừa giòn sần sật vì toàn sụn, lại vừa béo vừa thơm nhờ hương từ miếng gan cá được hòa lẫn vào nồi canh. Nhưng vậy cũng chưa đúng điệu. Có thời gian, phần gan cá được ngoại tao qua mỡ, hành, nước mắm rồi đánh nhuyễn để làm nước chấm. Khi đó, kể cả đang nhạt miệng cũng phải đầu hàng trước sức quyến rũ của tô canh chua cùng chén nước chấm béo, thơm, bùi từ gan cá nhám…

Bài, ảnh: LÊ TRANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Đằm bụng" với bánh gói đậu xanh xứ Huế

Những hàng nậm, lọc ở Huế thường bán kèm một loại bánh cũng rất thơm ngon và hấp dẫn, chỉ là hơi kém tiếng một chút: bánh gói đậu xanh. Bánh có thể xem như một phiên bản chay của bánh nậm với cùng nguyên liệu chính là bột gạo và mùi vị khá tương đồng, nhưng săn hơn và được gói thuôn thuôn như bánh lọc.

Đằm bụng với bánh gói đậu xanh xứ Huế
Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ được thưởng thức tô bún ngon nóng hổi vào sáng sớm thì chị chủ gánh bún vẩy tay ra ký hiệu đã hết trước sự hụt hẫng của thực khách. Những gánh bún vỉa hè bán sớm và cũng hết rất sớm như thế không hiếm ở Huế luôn cuốn hút người ăn theo cái vị riêng, độc đáo.

Gánh bún tinh mơ
Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Để ẩm thực thành lợi thế thu hút khách đến Huế

Du lịch ẩm thực đang là một xu hướng lớn trên thế giới. Huế tự hào với nền ẩm thực phong phú, đa dạng, nhưng để ẩm thực trở thành lợi thế cạnh tranh thu hút khách thì còn nhiều việc cần làm.

Để ẩm thực thành lợi thế thu hút khách đến Huế
Canh chua lá me đất

Sống trong lòng xứ Huế, thật đáng tiếc nếu thờ ơ không để ý tới thứ sắc màu tim tím mọc ven bờ sông Hương hoặc bất kỳ trong mảnh vườn nào đó. Thứ tôi muốn kể với thế giới liên quan đến sắc màu tim tím đời thường, gần gũi ấy đơn giản là một tô canh chua lá me đất. Mà nấu canh chua thì có nhiều kiểu chế biến lắm. Kiểu truyền thống, tùy theo vùng miền, mỗi nơi lại có một kiểu gây hứng thú riêng.

Canh chua lá me đất
Return to top