ClockThứ Bảy, 27/05/2017 13:21

Sản phẩm nào tạo “cú hích” cho du lịch Huế?

TTH - Doanh nghiệp (DN) trăn trở, sản phẩm văn hóa - di sản đã quen thuộc, thậm chí bão hòa ở một số thị trường; trong lúc đó, những sản phẩm khác lại không đủ tầm để tạo được cú “hích” đưa khách về Huế và tiêu tiền.

Du lịch tâm linh cũng là thế mạnh của Huế nếu khai thác tốt hơn. Ảnh: Phạm Bá Thịnh

Chưa làm lợi cho Huế

Thời gian qua, một số “liên minh” du lịch ra đời và hoạt động hiệu quả. Phát huy sức mạnh tập thể, các liên minh luôn có nguồn khách ổn định; đối tác “để” giá dịch vụ mềm hơn và các thành viên tránh được những rủi ro khi không tìm kiếm đủ nguồn khách như cam kết. Trong nhiều liên kết, điển hình là liên minh VCTC (Vietnam centre tourist conect). Lãnh đạo Sở Du lịch đánh giá, chính liên minh này đã duy trì số lượng khách Huế đi Đà Lạt; từ đó, chuyến bay thẳng giữa hai địa phương ổn định, mỗi lúc phát triển hơn.

Nhiều DN cho biết, năm nay sẽ tập trung đẩy mạnh đưa khách đi đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Sau đó, làm chương trình kích cầu đưa khách đi Thái Lan khi đường bay thẳng giữa Huế và Thái Lan chính thức hoạt động… Nhiều thị trường và điểm đến được các DN “đánh” vào, tuy nhiên, có thể thấy hầu hết đang ở chiều Huế đi các nơi, còn các nơi về Huế thì DN chưa làm được. Làm sao để cân đối hai chiều, qua đó, đưa khách về Huế nhiều hơn và tiêu tiền là điều đang được đặt ra.

Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội chi nhánh Huế, thành viên liên minh VCTC cho hay, ở góc độ của DN, đưa khách đi hay về vẫn có hiệu quả trong kinh doanh. Song khi đưa khách đến đâu thì điểm đến có lợi hơn vì là nơi tiêu tiền của khách. “Không phải DN không muốn làm các chương trình kích cầu, tăng cường quảng bá để đưa khách về Huế. Nhưng đánh giá một cách khách quan, Huế đang thiếu những sản phẩm đủ tầm để các DN đẩy mạnh. Di sản là chỗ dựa cho du lịch Huế, nhưng nhiều năm đã có nhiều khách đến, giờ vẫn sản phẩm đó mà tiếp tục mời gọi thì bị từ chối là điều dễ hiểu”, bà Lý giải thích.

Không khó để nghe phải câu nói “Huế cái gì cũng có, nhưng lại không có cái gì”. Ngoài văn hóa - di sản, Huế còn rất nhiều cái độc, lạ có thể tạo thành những món ăn đủ độ “phê” đối với khách, tiếc là những cái độc, lạ này chưa có những dịch vụ tốt.

Sông Hương - một trong những điểm nhấn của du lịch Huế. Ảnh: Văn Đình Huy

Ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển du lịch, Sở Du lịch nhìn nhận, du lịch luôn có tính chu kỳ và bão hòa. Văn hóa – di sản ở Huế đã phát triển lên đỉnh cao, khi đã “bão hòa” thì cần thay đổi hoặc tìm kiếm sản phẩm thay thế. Không phải ngành không có những định hướng và tìm kiếm đầu tư phát triển các sản phẩm bổ sung và thay thế cho di sản. Nhưng đúng là sản phẩm nào cũng được đầu tư để làm, quá dàn trải nên các sản phẩm gặp những khó khăn nhất định, hầu hết làm chưa “tới”, dẫn đến sự cầm chừng chưa thể “bứt” lên.

Chọn một và trau chuốt dịch vụ

Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phục trách Sở Du lịch khẳng định, định hướng phát triển du lịch của Huế vẫn lấy văn hóa - di sản làm trục chính; đồng thời, phát triển thêm các sản phẩm khác bổ sung. Việc cần làm với Huế hiện nay là sau khoảng thời gian dài được cho đã cũ thì giờ văn hóa - di sản phải được làm mới, tạo sự thêm sinh động và chiều sâu, làm sống lại những giá trị truyền thống. Có thể nói, Đại Nội mở cửa về đêm chính là một thay đổi rõ rệt.

Đại Nội về đêm hứa hẹn giúp Huế có thêm sản phẩm. Gần một tháng chính thức hoạt động, lượng khách vào tham quan chưa được như kỳ vọng. Một phần lý do được phân tích là từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5 là thời điểm hết mùa khách quốc tế, trong khi đó mùa khách nội địa lại chưa bắt đầu. Tuy nhiên, nhiều DN đánh giá, Đại Nội về đêm vẫn còn đơn điệu các dịch vụ. Bà Dương Thị Công Lý cho biết, nhiều DN rất kỳ vọng Đại Nội mở cửa về đêm sẽ là điểm nhấn, tạo cú “hích” để đẩy mạnh quảng bá và thu hút khách. Qua khảo sát, du khách đã vào tham quan Đại Nội về đêm cho rằng chưa hấp dẫn được họ. Cần đưa thêm các loại hình nghệ thuật vào phục vụ và thay phiên hằng đêm. Các ngày cuối tuần cần đẩy mạnh thêm những hoạt động mang tính tương tác và tổ chức thêm các trò chơi. Du khách vào là để hòa mình với đời sống cung đình xưa, chứ dừng lại ở mức tham quan thì sẽ thiếu hiệu quả…

Tổ chức các dịch vụ gắn với sông Hương được cho là sẽ tạo được sản phẩm hấp dẫn cho Huế. Nhiều chuyên gia còn góp ý về một hành trình đi tìm “huyền thoại Hương Giang”. Từ ý tưởng đến tạo thành sản phẩm cụ thể là cả quá trình. Các sản phẩm gắn với sông Hương cần có sự tính toán kỹ lưỡng, không làm mất đi vẻ đẹp của con sông.

Đại Nội về đêm cần tiếp tục hoàn thiện và tăng cường thêm các dịch vụ. Ảnh: Đức Quang

Du lịch tâm linh là thế mạnh của Huế nếu khai thác hiệu quả hơn. Theo ông Trần Viết Lực, du lịch tâm linh ở Huế chưa phát triển là do sự nhìn nhận. Hiện nay du lịch tâm linh đang bị nhập nhằng với tín ngưỡng tôn giáo. Trong du lịch tâm linh có thiền, yoga, ăn chay, thưởng ngoạn… Nếu Huế làm tốt, những chuyến du lịch tâm linh để nghỉ dưỡng sẽ rất dài ngày, khi đó tạo ra nguồn thu lớn cho du lịch Huế.

Ẩm thực cũng là thế mạnh của Huế, nhưng chưa thể là một sản phẩm đúng nghĩa. Du khách đến Huế khi ăn uống cũng chỉ để qua bữa, chứ chưa phải vừa ăn vừa ngẫm và tìm hiểu về những món ăn đó. Những món ăn cung đình cần được phục dựng lại, có những tour khám phá ẩm thực Huế. Các DN góp ý, cần có phố ẩm thực, ở đó bố trí nhiều không gian thưởng thức và quy tụ nhiều món ăn từ bình dân đến cung đình.

Ngoài ra, phá Tam Giang – Cầu Hai sẽ là cái độc, lạ không kém nếu khai thác tốt. Cần có sự đầu tư thêm cơ sở vật chất và một số dịch vụ, đây sẽ là điểm đến nổi bật trong bản đồ du lịch của Huế. Cần gắn du lịch biển với hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai để tạo ra sự khác biệt.

Các DN mong muốn những cái được cho nổi bật và có sự khác biệt của Huế đủ sức nặng với du khách. Không cần quá nhiều sản phẩm, chỉ cần một và làm tốt dịch vụ sẽ thu hút được khách.

ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top