ClockThứ Bảy, 01/10/2016 05:41
LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH DU LỊCH:

Sẵn sàng cho hội nhập?

TTH - Huế hội đủ mọi yếu tố để xây dựng được nguồn lao động du lịch chất lượng. Trước ngưỡng cửa hội nhập, lao động của Huế liệu có đủ sức cạnh tranh với các nguồn lao động từ bên ngoài?.

Thường xuyên để sinh viên cọ xát thực tế sẽ nâng cao được tay nghề

Học bấm nút thang máy

Nếu đặt câu hỏi, nêu những điều kiện thuận lợi phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng ở Huế, chỉ cần ít thời gian tư duy có thể nói “làu làu” vài thuận lợi. Ở Huế có các trường đào tạo về du lịch, từ đại học, cao đẳng cho đến trung cấp; có 83 doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực lữ hành và 593 cơ sở lưu trú, trong đó, 209 là khách sạn. Những thuận lợi không thể tốt hơn để sinh viên thực tập, bồi dưỡng chuyên môn và tìm kiếm cơ hội việc làm sau này. Vì sao lao động lại yếu chuyên môn?.

Một giảng viên gạo cội ở Khoa Du lịch thẳng thắn, sinh viên học toàn lý thuyết, bảo sao không thiếu kỹ năng nghề. Giờ mà về các trường, bảo các giảng viên trẻ trải mẫu một chiếc ga giường cho khoảng 10 dòng khách khác nhau e làm chưa được thì bảo sao dạy cho sinh viên. Du lịch đơn giản là một nghề, yếu tố thực tiễn quyết định năng lực cho mỗi sinh viên.

Trước khi là những người phục vụ, cung cấp dịch vụ, các sinh viên ít nhất một lần trải qua cảm giác là những người khách, người bỏ tiền ra để sử dụng những dịch vụ. Khi sử dụng các dịch vụ không tương xứng, nhân viên phục vụ không tốt, các em lên tiếng “chê” và không hài lòng ngay. Sau này đi làm, đã qua cảm giác không hài lòng trong các dịch vụ, các em sẽ cố gắng hoàn thiện, tránh mắc những sai lầm. Để tăng kiến thức thực tế này, thường có hai cách, cho các em đi thực tập và có những chuyến trải nghiệm thực tế. Đáng tiếc, hầu như các chuyến thực tế không được tổ chức nhiều, dù nhu cầu của các sinh viên rất lớn.

Chuyên môn rất khó được nâng cao khi không được “va đập” với thực tế

Nói đến chuyện thực tập của sinh viên du lịch, không có sinh viên trường nào “khổ” bằng. Mục đích những chuyến thực tập là xây dựng kiến thức thực tế, va đập và làm quen với môi trường làm việc. Ông Nguyễn Quốc Thành, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hương Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, nhiều doanh nghiệp khi tuyển nhân viên cứ đòi hỏi nhiều tiêu chí. Thử hỏi, khi sinh viên đến thực tập, các em học lễ tân thì cho đi bấm thang máy, nghề bếp thì đến nhặt rau và rửa chén bát thì lấy đâu là kinh nghiệm, giỏi tay nghề.

Theo số liệu từ các trường đang đào tạo du lịch ở Huế, mỗi năm có khoảng 1.800 lao động chính quy ra trường, ở cả bậc đại học, cao đẳng và trung cấp. Không chỉ vậy, các cơ sở đào tạo này mỗi năm còn mở thêm nhiều lớp học nghiệp vụ hướng dẫn viên cho các học viên  bên ngoài.

Lý do được đưa ra là các em chưa có kinh nghiệm, khi phục vụ lỡ có sự cố ảnh hưởng đến uy tín cả khách sạn. Một giảng viên Khoa Du lịch phân tích, trước khi chuyển sang đi dạy, tôi từng là hướng dẫn viên, rồi trưởng bộ phận sales manager của một khách sạn nên tôi biết lý do thực sự không phải vậy. Trong các công việc cụ thể của du lịch, luôn có những “mánh khóe” để kiếm thêm thu nhập. Lễ tân có tiền hoa hồng, phục vụ bàn có tiền tip. Khi các em vào, quyền lợi bị chia sẻ nên rất ít việc cho các em.

Chất lượng phục vụ ở một số doanh nghiệp thấp, một phần do thu nhập. Có khách sạn 4 sao giá phòng chỉ từ 370.000 nghìn đồng, trừ hết các khoản dịch vụ, phần tiền trả cho nhân viên chẳng được là bao. Chưa kể, các nhân viên lễ tân cần ăn mặc đẹp, “son phấn”, trang điểm để giữ bộ mặt cho doanh nghiệp. 

Yếu và thiếu chuyên nghiệp

Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch cho rằng, chất lượng dịch vụ phải đi đôi với chất lượng nguồn nhân lực mới bền vững được. Nguồn nhân lực ở Huế còn yếu thực sự. Chẳng hạn ở Lăng Cô, chỉ có Laguna là thu hút được nguồn nhân lực chất lượng, còn các doanh nghiệp khác hầu như nhân lực chưa đảm bảo. Nhìn vào danh sách nhân viên ở Thanh Tâm Resort, dù có đầu tư thêm nhiều cơ sở vật chất, với nhân viên như vậy thì rất khó phát triển. Ngay cả ở Khách sạn Indochine Palace, phong cách phục vụ cũng chưa được chuyên nghiệp. “Trong một bữa tiệc gần đây, các món ăn đều liên quan đến bánh mì, khi bánh mì sử dụng hết, không có nhân viên mang ra thêm, anh quản lý phải tự mình đi lấy cho khách. Đó là sự thiếu chuyên nghiệp trong cách phục vụ của một doanh nghiệp lớn. Đáng lẽ, quản lý chỉ đứng ra dấu hoặc bằng một phương pháp nào đó để nhân viên  phục vụ mang bánh mì ra”, ông Minh nêu ví dụ.

Nhằm nâng cao chất lượng, các trường du lịch ở Huế đã liên kết với các nước đào tạo nguồn nhân lực. Đây là một giải pháp hiệu quả, đẩy mạnh tính chuyên nghiệp và những dịch vụ được xem là chuẩn quốc tế. Không ít sự hợp tác chưa mang lại hiệu quả vì khả năng vận dụng thấp. Ở các nước, môi trường làm việc, thực tế công việc khác, nếu mang ra áp dụng ngay ở Huế, gặp khó là điều đương nhiên. Phải linh hoạt hơn và quan trọng là dùng những phương pháp hay biến những tiềm năng ở Huế thành thế mạnh.

Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Huế đang hội nhập sâu rộng, nhất là với các nước ASEAN, đòi hỏi các dịch vụ phải có một độ chuẩn cao. Với thực tế này, liệu du lịch Huế đã sẵn sàng hội nhập?. “Trong nay mai thôi, nếu chất lượng nguồn nhân lực của Huế không đảm bảo, không tránh khỏi khả năng người Huế “đứng một bên” mà xem người Malaysia, người Philippine, người Lào… sang làm việc”, ông Nguyễn Quốc Thành nói.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Return to top