ClockThứ Bảy, 18/01/2020 13:45

Phải là tăng trưởng thực

TTH - Với con số ước đạt trên 4,81 triệu lượt và doanh thu vào khoảng 4.945 tỷ đồng, hoạt động của du lịch Thừa Thiên Huế đã về đích so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm 2019 (4,5-4,7 triệu lượt khách và 4.700- 4.900 tỷ đồng). Ít nhất thì 10,54% tăng thêm từ doanh thu du lịch so với năm 2018 cũng đã cho thấy sự phát triển ở lĩnh vực này.

Bị động về chính sách giá trong du lịchDoanh thu du lịch 2 tháng đầu năm đạt gần 715 tỉ đồngTìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào du lịch

Du khách tham quan Lăng Minh Mạng thuộc quần thể di tích Cố đô Huế. Ảnh: NP

Tuy nhiên, con số này có thật sự tăng trưởng không, hoặc tăng trưởng như thế nào lại là một vấn đề cần phải được đánh giá, nhìn nhận một cách thấu đáo hơn. Theo chúng tôi, đó cũng là một cách nhìn thực chất để tìm ra một hướng vận hành hiệu quả trong việc khai thác tiềm năng và thế mạnh sẵn có.

Nhìn từ góc độ chi tiêu, năm 2019 vẫn chưa cho thấy một tín hiệu khả quan hơn. Trong mức tính bình quân, 1 triệu đồng vẫn là mức chi tiêu của khách khi đến Huế. Đây cũng là con số của năm 2018. Khó có thể đặt dấu bằng giữa hai khoảng thời gian này nếu xét trên biên độ trượt giá từng năm, thậm chí là từng thời kỳ trong năm. Điều này cũng có nghĩa là, 1 triệu đồng được chi tiêu trong năm 2019 không như giá trị của 1 triệu đồng của năm 2018. Doanh thu tăng về mặt con số, nhưng giá trị tăng trưởng có lẽ cũng nên được đặt về con số thực khi đặt nó trong tổng quan chung của nền kinh tế.

Xét ở một khía cạnh khác thì với mức  bình quân 1 triệu đồng, nguồn khách đến Huế chưa phải là khách hàng có mức chi tiêu cao, nếu không nói là còn thấp. Tuy nhiên, ở đây cũng cần đặt ra những câu hỏi khác: chúng ta bán mặt hàng nào, có những dịch vụ gì để có thể lấy tiền từ du khách? Có những dịch vụ nào thật sự đẳng cấp và chất lượng dịch vụ có “vui lòng khách đến”? Giỏ hàng của du khách sau khi rời Huế là gì và có thêm gì sau rất nhiều chương trình đã được kết nối, triển khai, đầu tư và thu hút đầu tư về du lịch, dịch vụ… cho đến lúc này dường như kỳ vọng vẫn nhiều hơn các “gói hàng” được mua sắm.

Không phải đến bây giờ những điều này mới được đề cập tới, song có thể nói, đây vẫn là mặt chưa được của du lịch dịch vụ trên địa bàn. Dù đây không chỉ là vấn đề của Thừa Thiên Huế mà của cả nước, khi mà mức chi tiêu cho mua sắm ở Việt Nam còn khá thấp (16,6%), trong khi các con số này là 19,6% ở Thái Lan và 22,3% ở Singapore. Ở Huế ngoài Vincom của Vingroup, các trung tâm dịch vụ mua sắm khác đa phần chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Chợ truyền thống gần như là một điểm tham quan, check-in nhiều hơn khi ở đó, còn xuất hiện rất nhiều mặt hàng có thể tìm thấy ở các địa phương khác. Hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ mang đặc trưng Huế vẫn chưa nhiều và có vẻ như cũng chưa đủ làm du khách quyến luyến đến độ phải “móc hầu bao” chi tiền.

Làm thế nào để du khách đến với Huế nhiều hơn cũng như quay trở lại nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn… cho đến bây giờ vẫn là một câu hỏi khó. Thực ra, bên cạnh sự kiến tạo và hỗ trợ của chính quyền, bản thân các doanh nghiệp và những người kinh doanh du lịch, dịch vụ phải nghĩ cách để khách hàng biết và lựa chọn các gói sản phẩm, giỏ hàng của mình nhiều hơn. Nếu chỉ bằng lòng với những gì đã có, với một con số như là sự tăng trưởng mà không có ý định, kế hoạch và chiến lược ở các cấp độ, quy mô khác nhau, du lịch vẫn sẽ nằm ở vòng quay chậm dần đều.

Tạo cớ, tạo cơ hội cho du khách xài tiền một cách vui vẻ, hào hứng mới là một cách biến du lịch thành một ngành kinh doanh chất lượng và hiệu quả.

KHANG NHIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các nước ngoài OPEC+ sẽ dẫn đầu tăng trưởng sản lượng dầu năm 2024

Theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tăng trưởng sản lượng dầu và chất lỏng toàn cầu trong thời gian tới chủ yếu sẽ được thúc đẩy bởi các nước ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), dẫn đầu là Mỹ, Guyana, Canada và Brazil, bù đắp cho việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC+.

Các nước ngoài OPEC+ sẽ dẫn đầu tăng trưởng sản lượng dầu năm 2024
TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO):
Phong vũ biểu hàng hóa tiếp tục cho thấy đà tăng yếu trong thương mại

Thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi khiêm tốn trong những tháng đầu năm 2024, nhưng có thể dễ dàng bị chệch hướng do các cuộc xung đột khu vực và căng thẳng địa chính trị, theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Phong vũ biểu hàng hóa tiếp tục cho thấy đà tăng yếu trong thương mại
Return to top