ClockThứ Bảy, 09/02/2019 08:24

Ở Bali mà nghe nhớ Huế

TTH - Hơn 10 ngày lang thang ở Bali (Indonesia), từ khách sạn, phố phường cho đến các điểm tham quan, ở đâu tôi cũng nghe một niềm nhớ Huế quê nhà. Mặt nào đó, Bali rất giống Huế ở những không gian văn hóa tâm linh và triết lý sống hòa thuận với thiên nhiên và thần linh...

Giới thiệu hình ảnh Indonesia đa chiều qua triển lãm tranh nghệ thuật

Ngay cả khu resort 5 sao Meliã Bali cũng được xây dựng bằng kiến trúc truyền thống Bali.

Bali là hòn đảo từ lâu được mệnh danh là thiên đường du lịch, là điểm đến tốt nhất thế giới năm 2017 theo xếp hạng của trang web du lịch TripAdvisor. Du lịch Bali có nhiều câu slogan rất ấn tượng để quảng bá cho điểm đến kiểu: “Nếu dãy Himalaya là nơi Phật sống thì Bali là nơi Ngài du ngoạn”; “Bali – vùng đất của những vị thần”; “Bali – nơi bạn có thể chạm tay vào thần linh”...

Bali có khoảng 3 triệu dân, trong đó 95% theo đạo Hindu (Ấn giáo), còn lại là các tôn giáo khác. Nhưng không tin được là Bali lại có đến hơn… 20 ngàn đền thờ Hindu giáo lớn nhỏ khác nhau. Thú vị là sự giàu hay nghèo của mỗi gia đình ở Bali, theo Sudarwati thì có thể nhìn thấy ngay từ ngôi đền trước nhà. Nhà giàu có thì đền to, có khi chiếm đến 1/3 diện tích đất ở; nhà nghèo thì đền nhỏ kiểu như miếu thờ ngoài sân ở Huế mình, nghèo nữa thì dựng lên một cây cột tre với 3 tầng thờ không cần mái che. Vậy nên, có cảm giác là ở Bali, cứ đi khoảng 5m thì gặp một ngôi đền.

Ở Bali có hơn 20 ngàn đền thờ lớn nhỏ khác nhau

Việc cúng thần linh và chăm sóc đền thờ được người dân thực hiện đều đặn mỗi ngày và họ tin rằng đó cũng là một cách thực hành triết lý “Tri Hita Karana” (đại ý hạnh phúc chỉ đạt được khi con người biết sống hòa hợp với thần linh, thiên nhiên và cả người với người) cũng như niềm tin chân thành và bất diệt rằng thần sẽ mang lại cho họ cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không đau ốm bệnh tật…

Nhìn đâu cũng thấy văn hóa truyền thống

Xuống sân bay quốc tế Ngurah Rai của Bali, sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, tôi ngớ người bởi toàn bộ “nội cung” sân bay được trải thảm với hoa văn truyền thống. Khắp nơi là những cây nêu được bện bằng lá cọ trang trí sặc sỡ cùng những dù lọng kiểu thường thấy trong các đền thờ được dựng lên để chào đón du khách. Bất ngờ nữa, Ngurah Rai là một sân bay quốc tế hiện đại 3 tầng, nhưng ở tầng dưới cùng, vẫn có một vòng thành với các cửa ra vào được xây dựng kiểu kiến trúc truyền thống trông như đang ở trong một ngôi đền Hindu nào đó. Tôi đã đi qua rất nhiều sân bay quốc tế cũng như nội địa ở châu Á và châu Âu, nhưng chỉ có đến Ngurah Rai tôi mới có cảm giác: “À, thế là mình đã đến Bali”!

Ấn tượng tiếp theo sau khi rời sân bay là kiến trúc. Ở Bali, chính quyền quy định tất cả nhà dân, công sở, khách sạn… đều không được xây dựng quá 3 tầng. Và điều nữa, tôi không rõ có quy định hay không nhưng gần như tất cả các loại kiến trúc ở đây, dù mới hay cũ, dù hiện đại hay cổ xưa đều loanh quanh với kiểu kiến trúc truyền thống bản địa chứ không xô bồ, lổm nhổm Đông – Tây giao duyên như ở Huế mình cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Ngay cả resort 5 sao Meliã Bali mà tôi trú ngụ, kiến trúc, trang trí cũng mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống chứ không giống những Meliã khác cùng hệ thống ở Việt Nam và thế giới.

 Một mâm lễ dâng cúng thần linh

Tất nhiên điều làm nên “thiên đường” của du lịch Bali không chỉ đến từ mỗi triết lý “Tri Hita Karana” hay không lãng quên văn hóa truyền thống mà còn đến từ việc tận dụng tối đa tiềm năng sẵn có để phát triển. Ở Bali, không chỉ có một loại hình du lịch mà có rất nhiều loại hình du lịch khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của tất cả các du khách mong muốn như du lịch thể thao, du lịch sinh thái hay du lịch văn hóa. Các hoạt động du lịch phù hợp với từng loại hình du lịch cũng được đầu tư kỹ lưỡng. Đặc biệt, ngoài những bãi biển đẹp, như biển Kuta, biển Sunar với những hàng dừa xanh và bãi cát trắng hay núi Gunung Agung thì chính quyền Indonesia cũng chú ý gìn giữ nét văn hóa của tín ngưỡng đạo Hồi (dù là thiểu số ở Bali) để thu hút tò mò và hấp dẫn rất nhiều du khách với những lễ hội đặc sắc.

Như Bali, chỉ có thể là Huế!

Những ngày ở Bali, tôi lúc nào cũng nghe nhớ Huế bởi ý nghĩ: Nếu có một nơi nào đó ở Việt Nam có thể làm và phát triển du lịch kiểu như Bali, nơi đó chỉ có thể là Huế. Nếu như Bali là nơi Phật du ngoạn, là nơi có thể chạm tay vào thần linh với hơn 20 ngôi đền lớn nhỏ cùng triết lý “Tri Hita Karana” được thực hành hang ngày. Thì Huế là nơi Phật sống với hơn 300 ngôi chùa lớn nhỏ cùng hệ thống lăng tẩm đền đài với triết lý sống hòa hợp tương tự của người dân đã thấm đẫm từ trong máu thịt để tạo nên một cuộc sống bình lặng, ít bon chen. Văn hóa và kiến trúc truyền thống của Huế cũng có thừa sự đặc sắc và độc đáo để tạo nên sự khác biệt. Và những bãi biển, có thể khẳng định luôn là chúng ta thừa sạch và đẹp hơn Bali nhiều lần. Chúng ta cũng không thiếu tiềm năng từ rừng xuống biển để tạo ra nhiều loại hình du lịch khác nhau cho từng loại du khách khác nhau…

Thần linh có mặt ở khắp mọi nơi

Nhưng đã có một sự khác biệt rất lớn về con số khi năm 2018, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đón khoảng từ 4- 4,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 40- 45% (tức khoảng 2 triệu) và doanh thu du lịch dự kiến đạt khoảng 4.000- 4.200 tỷ đồng. Trong khi đó, trung bình mỗi năm như năm 2017, Bali đón đến hơn… 6 triệu lượt khách quốc tế. Và con số sau đây mới khủng khiếp: Năm 2017, khi núi lửa Agung phun trào, Bali buộc phải đóng cửa sân bay quốc tế và trung bình mỗi ngày, hòn đảo này thiệt hại đến… 18 triệu USD nguồn thu từ du lịch và dịch vụ!

 Nhà văn, bác sĩ Phạm Nguyên Tường, người cũng vừa trở về từ Bali trong một chuyến công tác cũng đồng ý với những nhận định của tôi. Ông bảo những tồn tại, bất cập của du lịch Huế cũng chính là những tồn tại, bất cập của du lịch Việt Nam nói chung: sản phẩm chậm đổi mới, công tác giới thiệu quảng bá kém, việc liên kết, điều phối, quản lý của các cơ quan chức năng chưa thực sự hiệu quả, mạnh ai nấy làm.

“Dựa trên lợi thế là các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được vinh danh, theo tôi, du lịch Huế muốn phát triển như Bali thì cần phá bỏ sức ì của thói quen “ăn sẵn” trên di sản. Phải thường xuyên và liên tục làm mới di sản bằng các sản phẩm du lịch sáng tạo. Lâu nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai khá nhiều hoạt động biểu diễn tại không gian Đại Nội, tuy nhiên cần nhân rộng tại các điểm di tích khác. Du khách lên các lăng tẩm chỉ có đi và ngó nghiêng loanh quanh… rồi về, không có hoạt động nào khác. Đặc biệt phải tăng cường khâu giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ du lịch trong nước và nước ngoài (ví như Bali, ở những hội chợ quốc tế hàng năm, họ quảng bá mạnh đến mức người ta quên luôn cả… Indonesia!). Và cuối cùng cần đầu tư nghiêm túc các ý tưởng, các slogan quảng bá thông minh, tinh tế, cuốn hút, điều không chỉ Huế mà cả Việt Nam đều kém. Ví dụ ở Bali, chỉ riêng câu slogan trong rất nhiều câu sologan độc đáo của du lịch Bali “Nếu dãy Himalaya là nơi Phật sống thì Bali là nơi Ngài du ngoạn” thì ai cũng muốn một lần đến với hòn đảo xinh đẹp này…” – nhà văn Phạm Nguyên Tường nói.

Huế có thể là một Bali ở Việt Nam nếu có sự thay đổi về suy nghĩ và cách làm cũng như thái độ ứng ứng xử với văn hóa truyền thống!

Bài, ảnh: Khánh Tường

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại Thừa Thiên Huế. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư có hiệu quả tại tỉnh. Cùng với đó, một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới.

Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Return to top