ClockChủ Nhật, 15/08/2021 21:03

Nước mắt của ba

Giấc mơ về những cánh chim…Ngày chủ nhậtGiá của sự thật

Ba ít khi khóc. Kể cả khi gục ngã nhất cũng rất ít khi thấy được giọt nước mắt ba rơi. Nó nghe kể lại ngày má nó bỏ đi cũng vậy, khi ấy chị nó mới lên tám, còn nó thì đỏ hỏn trên tay. Ba gà trống nuôi con, chạy vạy lo cho đứa lớn ăn học lại bế đứa nhỏ đi khắp xóm xin sữa. Cái điệu người đàn ông mang cả con trên lưng chở đi làm dường như đã quen với khu xóm nhỏ. Nó nghe kể, hồi đó nó cũng ngoan, ít quấy khóc, nên được mấy người đồng nghiệp của ba thương, thường cho sữa hoặc chăm hộ. Những năm tháng “gà trống nuôi con” cũng qua đi khi hai đứa con dần trưởng thành. Nó nghe có bận chị nó hỏi ba:

- Sao ba không đi thêm bước nữa? Con và em không nghĩ gì đâu, chỉ cần thấy ba hạnh phúc là được.

Ba chỉ ì cười:

- Thời gian dành cho hai đứa bây hết rồi, đâu mà dành cho người khác được. Rồi ba cười hể hả cố đánh trống lảng sang chuyện khác.

Ấy thế dù hai chị em nó có giục ba biết bao nhiêu lần vì sợ sau này khi con gái lấy chồng, mình ba vò võ cô đơn thì ba nó vẫn cứ ở vậy cho đến khi mái đầu dần bạc trắng. Chị nó sau khi tốt nghiệp đại học thì ở lại Sài Gòn làm việc, căn nhà trống giờ chỉ còn hai cha con đùm bọc nhau.

Thế rồi dịch về, chị mắc kẹt lại Sài Gòn. Mỗi ngày, nó đều thấy ba dậy từ rất sớm, xem tin tức trên tivi rồi lại trên báo, cứ thấy mỗi ngày ca tăng lên là ba lại nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. Ba cứ thúc nó mỗi ngày đều gọi hỏi tình hình chị trên phố ra sao, ông vốn ít nói không mềm mỏng để có thể dặn dò kỹ lưỡng chị nó nên cứ bắt nó phải truyền tải kỹ càng mọi biện pháp chăm sóc cẩn thận cho chị. Những lúc nó gọi điện thoại nó để ý thấy ba cố tình đi ngang qua lại để nghe, nhưng vẫn vờ như đang làm việc khác. Đợi nó gọi xong lại hỏi nó thêm lần nữa chị đi làm hay ở nhà, ăn uống ra sao, có thực hiện đầy đủ 5K không.

Những ngày đầu Sài Gòn mắc kẹt, ba có nhắc hay chị về quê rồi khi nào dịch ổn thì lên phố làm lại, nhưng vì công việc dang dở, lại khó thu xếp cũng không biết rồi sẽ diễn biến xấu đến mức giãn cách xã hội nên chị cứ ráng ở lại làm thêm ít hôm. Nhiều bận, nó cứ thấy ba nó dậy từ sớm đi cắt mớ rau trong vườn, đóng thành thùng, rồi lại len lỏi đi vào chợ quê đông đúc hỏi thiệt kỹ những món nào để lâu được lại dễ bảo quản, chở ra tận bến xe gửi lên phố cho chị. Chị không còn nhỏ, nhưng mỗi lần gửi đồ ba đều cố gắng bảo nhà xe gửi tận nhà, bồi dưỡng thêm ít tiền dù chị cản: “Để con ra bến lấy cũng được, cũng sát bến”. Mỗi khi như vậy là ba lại mắng: “Đi lại xe cộ nguy hiểm”. Dường như trong mắt ba con gái của ba còn nhỏ xíu, cần ba dắt tay mới qua đường được. Mấy bận thấy nó cùng ba đóng thùng, sợ nó tủi vì ba lấy hết đồ ở nhà gửi lên cho chị, ba nó khuyên:

- Chị trên phố giờ đi lại khó khăn, ba con mình ráng ăn khổ ít hôm rồi ba mua đồ ngon cho con nhé?

Những lúc đó nó ứa nước mắt, không phải vì buồn tủi mà vì nó thấy thương ba nó ghê. Nó chợt nhớ những đêm khi ba nghĩ rằng nó đã ngủ rồi, ông lại lén nhổm dậy, lấy điện thoại ra nheo mắt coi tin tức, theo dõi từng diễn biến dịch ở Sài Gòn.

Rồi Sài Gòn gia tăng ca dịch, mỗi ngày lên đến mấy ngàn ca. Bắt đầu giãn cách xã hội, các phương tiện hầu như đều bị cấm hay hủy, đi lại trong phố còn phải có giấy thông hành, thật cần thiết mới được ra đường. Chị nó gần như bị trói chân trong căn trọ nhỏ, muốn về quê cũng không được. Đôi khi rảnh rỗi gọi về nhà cố đùa vui: “Tự nhiên thèm canh rau ba nấu”. Ba nó giấu mình một góc, để nó nói chuyện với chị nhưng nó để ý thấy ba khóc. Nó chưa bao giờ thấy ba khóc, đột nhiên lại thấy lệ lặng lẽ rơi, đợi nó cúp rồi ba nó mới nói: “Ba nghe nói trên phố giờ kiếm bó rau cũng không có, mà có cũng mắc lắm, chị bây sao mua được, nó lại tiếc tiền nữa”. Cứ mỗi câu ba nói là ba lại rơm rớm mắt, làm nó cũng khóc theo. Những ngày sau, ông chạy hỏi khắp nơi cách gửi đồ vào Sài Gòn nhưng đâu còn xe nào chạy, muốn về cũng khó, họa may có xe máy tự chạy về rồi qua chốt kiểm dịch nhưng mấy năm làm việc trên đô thị xa hoa, chị nó chưa đủ tiền dành dụm nổi một chiếc xe… Ba cứ đọc báo thấy đoàn từ thiện này kia đi cứu trợ là cứ cầu thầm cho con gái mình cũng nằm trong diện được cứu trợ.

Chị về trong một chuyến bay giải cứu với dạng được xét duyệt kỹ càng về tình trạng kinh tế khó khăn sau khi nộp đơn. Về tới quê cũng được đưa đi xét nghiệm rồi thực hiện cách ly kỹ càng. Ba dựng cho chị một căn chòi nhỏ trong vườn, để thực hiện nghiêm quy định cách ly, mỗi ngày đều nấu canh rau đủ loại mang đến để từ xa rồi chị lấy, sau đó từ xa cứ ngồi nhìn chị ăn cho hết rồi đem dọn. Nó đùa ba nấu thịnh soạn còn hơn những ngày Tết chị về rồi chọc ba sao cứ ngồi nhìn chị ăn cho bằng hết. Ba nó cười cười nhưng không hiểu sao trong khóe mắt ba nó cảm thấy có gì đó cay cay: “Có mỗi hai đứa bây, cứ ở yên trong tầm mắt ba là ba yên tâm nhất”.

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”
Return to top