ClockThứ Năm, 22/12/2011 12:02

Niềm mong chưa cũ

TTH - Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi việc lập hồ sơ bổ sung để đưa sông Hương và cảnh quan hai bên bờ sông vào danh mục Di sản Văn hóa thế giới bị ngưng lại. Vậy nhưng, với những người nặng lòng với di sản Huế, việc hồ sơ này tiếp tục được quan tâm, xây dựng và thành công luôn là niềm mong lớn và chưa bao giờ nguôi.

Hãy giữ cơ hội 

Tháng 7/2004, tại phiên họp lần thứ 28 tại Trung Quốc, trước tình trạng phát triển không kiểm soát của các cơ sở hạ tầng, sự lấn át các di tích lịch sử của các công trình mới và sông Hương đang bị đe dọa nghiêm trọng, UNESCO đã chính thức đề nghị Việt Nam và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế lập hồ sơ bổ sung để đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. Nếu đề nghị này được thực hiện thành công thì sông Hương không chỉ được tôn vinh là di sản độc đáo của nhân loại, mà còn được bảo vệ, gìn giữ trước những nguy cơ đe dọa xuất hiện ngày càng rõ nét. Nhưng năm 2006,việc lập hồ sơ cho sông Hương và cảnh quan đôi bờ bị tạm ngưng, với lý do “thời cơ chưa chín muồi”.
 
Lúc này, sẽ rất thừa nếu tiếp tục ca ngợi vẻ đẹp và những giá trị không gì so sánh được của dòng Hương. Bởi từ cổ chí kim, đã có quá nhiều nhà văn, nhà thơ và nhà nghiên cứu văn hóa Huế thể hiện và khẳng định. Nhà thơ Hải Trung đã bắt đầu “Sông Hương & những định ngữ thi ca” rằng: “Bản hùng ca của dãy Trường Sơn đã phổ những nốt dịu dàng vào lòng Huế, Hương Giang trở thành báu vật muôn đời mà tạo hóa đã kịp ban phát cho con người vùng đất này. Chính dòng Hương đã cưu mang vóc dáng và hình hài xứ Huế. Con sông này là lý do để tồn tại một đô thị từ Thuận Hóa đến Phú Xuân và sau này là kinh đô Huế, hình thành và phát triển đã qua 700 năm lịch sử”. TS. Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô (BTDTCĐ) Huế cũng nhấn mạnh: “Từ thời các chúa Nguyễn, đôi bờ sông Hương đã được chọn để thiết kế đô thị và đến lượt mình, các vua nguyễn cũng đã kế thừa và tạo thành một đô thị có sự cân bằng tuyệt đối giữa âm và dương. Trong con mắt của các nhà kiến trúc thời Nguyễn, sông Hương có một vai trò đặc biệt quan trọng về nhiều mặt. Trước tiên, đó là trục quy hoạch chính để nối liền kinh thành với vùng đền miếu lăng tẩm ở phía Tây và khu vực thương nghiệp, cảng thị ở phía Đông. Thứ đến, sông Hương là yếu tố phong thủy chủ đạo của kinh đô, là tuyến hào tự nhiên để bảo vệ mặt Nam của kinh thành…”.
 
Từ năm 2008 đến nay, Thừa Thiên Huế đã có nhiều biểu hiện tích cực trong công tác bảo vệ cảnh quan, môi trường thiên nhiên, nhất là với sông Hương và cảnh quan đôi bờ, như: Đã giao trách nhiệm cho TP Huế thực hiện chương trình tái định cư trên bờ và ổn định cuộc sống cho khoảng 7.000 nhân khẩu bà con vạn đò trên các nhánh sông Hương. Phê duyệt quy hoạch chung khu vực cảnh quan đôi bờ sông Hương từ cửa biển Thuận An đến lăng Gia Long với chiều dài 36 km và quy mô rộng 4.590 ha, với định hướng không gian kiến trúc cảnh quan và quy định quản lý chặt chẽ cho từng vùng, từng khu vực hai bên bờ sông. Đặc biệt, gần đây nhất là sự mạnh tay dẹp bỏ “đại công trường” khai thác cát sạn trên sông Hương và quyết liệt giải quyết vấn nạn này để bảo vệ dòng sông.
 
Tìm tư liệu cho bài viết, tôi đã may mắn khi tiếp cận được nội dung thuyết minh tổng hợp của quy hoạch chung khu vực cảnh quan hai bờ sông Hương từ cửa biển Thuận An đến lăng Gia Long. Ở đó, chuyện sông Hương và cảnh quan đôi bờ từng được UNESCO khuyến nghị và việc sông Hương cần được bảo vệ như thế nào đã như sợi chỉ đỏ thể hiện xuyên suốt. Theo đó, trong định hướng bảo tồn và phát huy giá trị, sông Hương được phân thành 3 khu vực để bảo tồn, gắn liền với bảo vệ di tích và cảnh quan. Gồm: Khu vực lăng tẩm triều Nguyễn gắn liền với cảnh quan sinh thái đầu nguồn sông Hương sẽ được đưa vào khoanh vùng kiểm soát phát triển, tôn tạo cảnh quan và hạn chế tối đa các tác động xâm hại của con người. Khu vực này chủ yếu khai thác du lịch, nghỉ ngơi, thư giãn, ngắm cảnh và các hoạt động văn hóa tâm linh. Khu vực thứ hai là TP Huế - bảo tồn dáng vẻ tự nhiên của dòng sông cùng các công trình di tích ven sông bằng hệ thống công viên cây xanh. Và thứ ba là khu vực đầm phá, cửa sông…
 
Niềm mong chưa nguôi
 
Khi trở lại vấn đề của dòng Hương và đôi bờ cảnh quan, có người vui: “Tỉnh đã bắt đầu lại rồi hả?”, nhưng cũng có tiếng thở dài nén lại: “Người ta không mặn mà đâu, vì sợ khó phát triển các công trình xây dựng”… Có điều, dù bận rộn và Huế mưa lạnh đến mấy, người ta vẫn dành cho tôi những san sẻ rất ấm về dòng Hương. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân bắt đầu bằng những băn khoăn: “Liệu vấn đề để sông Hương và cảnh quan đôi bờ được vào danh mục Di sản văn hóa thế giới có còn được lãnh đạo tỉnh đặt ra nữa hay không? Dưới con mắt của các nhà quản lý chính quyền, điều đó có lợi và hại như thế nào với Huế mà tiến độ triển khai xây dựng hồ sơ lại chậm đến vậy? Ông chắc chắn: “Một địa phương có một di sản được UNESCO công nhận, nhất là địa phương đó lại làm văn hóa du lịch, thì điều đó vô cùng quý giá. Nếu sông Hương và đôi bờ cảnh quan là di sản thứ 3 của Huế được UNESCO tôn vinh thì Huế sẽ vô cùng có lợi. Tuy nhiên, nếu hôm nay chính quyền Thừa Thiên Huế không quan tâm đúng mức đến một vấn đề quý giá như thế thì ngày mai, có nhiều thứ cũng quý nhưng giá trị không bằng cũng sẽ rất dễ bị bỏ qua”.
 
ÔngNguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh, cũng đồng tình: Chúng tôi rất hoan nghênh việc xây dựng hồ sơ để sông Hương và cảnh quan đôi bờ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Điều này sẽ làm cho giá trị của Huế nổi bật một cách toàn diện. Lâu nay, khi nhìn về văn hóa di sản Huế, chúng ta mới dừng lại ở kiến trúc của quần thể di tích Cố đô và di sản phi vật thể, mà chưa nhìn nhận đúng mức về mặt cảnh quan gắn thiên nhiên, kiến trúc và văn hóa lịch sử. Chỉ có điều đáng tiếc là việc này đã được triển khai rất chậm, có lúc người ta không muốn quan tâm đến. Có người e ngại, khi đề cao cảnh quan của sông Hương thì sẽ là trở lực cho sự phát triển; bộ hồ sơ cho di sản khi đã đệ trình thành công thì sẽ là khung pháp lý hạn chế nhiều vấn đề khác. Thực ra, đó là một suy nghĩ sai lầm bị giới hạn bởi chiều sâu của văn hóa Huế và bản lĩnh văn hóa chưa vững. Nếu sông Hương và cảnh quan đôi bờ được bảo vệ tốt thì nó sẽ là yếu tố kích thích sự phát triển mạnh mẽ của Huế, đưa Huế lên tầm cao mới gắn với những giá trị độc đáo của không gian xanh.
 
 
Sông Hương lững lờ trôi - Ảnh: Diên Thống
 
Năm 2005, Trung tâm BTDTCĐ Huế là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì lập hồ sơ cho sông Hương và cảnh quan đôi bờ trình lên UNESCO. TS. Phan Thanh Hải - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm, là một trong những người rất tâm huyết với vấn đề này. Theo TS. Phan Thanh Hải, để sông Hương và cảnh quan đôi bờ trở thành Di sản văn hóa thế giới thì trước hết đó phải là sự tự nguyện và quyết tâm của chính quyền địa phương và Chính phủ Việt Nam. Sự tự nguyện đó đòi hỏi chúng ta phải chính thức đăng ký với UNESCO và phải hoàn thành đầy đủ và đúng thủ tục bộ hồ sơ khoa học về sông Hương và cảnh quan đôi bờ. Nếu việc đăng ký chỉ đơn giản là sự tự nguyện thì việc xây dựng được một bộ hồ sơ khoa học đầy đủ và đúng quy cách thì hoàn toàn không phải là vấn đề đơn giản. Đối chiếu với yêu cầu của UNESCO, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Hiện chúng tôi chưa thể nói được gì hơn vì phải đợi các quy hoạch của tỉnh. Chuyện nỗ lực để sông Hương được công nhận là Di sản văn hóa thế giới thì không bao giờ là cũ. Nó chỉ tốt cho Huế trong việc bảo vệ di sản và cảnh quan, cũng như không gian sống cho các thế hệ mai sau mà thôi.
 
Có người từng nghĩ, vì Huế là vùng đất “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, được tự nhiên ban tặng cho nhiều tài sản văn hóa, thiên nhiên nên khó nhận ra những vốn quý văn hóa có thể khai thác, phát triển đạt hiệu quả cao nhất. Nếu điều này cũng chỉ một phần đúng, hy vọng sông Hương và cảnh quan đôi bờ là một ngoại lệ. Xin được lấy điều trăn trở của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường – tác giả của tập ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” để thay lời kết: “Bây giờ cầu Trường Tiền đã khác trước. Con thuyền rồng trên sông Hương cũng không phải là con thuyền rồng của thời Huyền Trân công chúa… Dần dần, có vẻ như những tác động bên ngoài đang làm cho sông Hương không còn giữ được phong thái thư nhàn và mềm mại như xưa. Nếu không quyết tâm giữ gìn sông Hương như một bản năng của người Huế thì có thể đến một lúc nào đó, con sông Hương mà tôi “từng vẽ nên bằng cả tâm huyết” ấy chỉ còn trong tâm tưởng…”.
Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top