ClockThứ Bảy, 24/08/2019 12:44
PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG Ở THỦY THANH:

Nhìn từ làng bích họa Ánh Dương

TTH - Câu chuyện về làng bích họa Ánh Dương trong “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp tại Đà Nẵng”, gợi mở những cách làm hay mà Thủy Thanh nói riêng, các làng văn hóa làm du lịch cộng đồng nói chung có thể ứng dụng.

Sôi động Điểm du lịch cầu ngói Thanh ToànDu lịch Hương Thủy: Chọn lối đi riêngVề cầu ngói vui thú điền viên

Du khách trải nhiệm chèo ghe, bắt cá trên sông Như Ý ở Thủy Thanh. Ảnh: Thanh Đoàn

Làng bích họa Ánh Dương (thuộc Công ty TNHH Phát triển làng bích họa Ánh Dương - gọi tắt là Công ty Ánh Dương) là dự án được Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng ươm tạo ý tưởng với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng. Dự án đầu tiên được Công ty Ánh Dương thực hiện tại đường Nguyễn Văn Linh, quận Hải Châu, Đà Nẵng bao gồm 15.000m2 bức vẽ, dài hơn 1km với nhiều hình ảnh sống động từ mô tả cảnh làng quê Việt, cuộc sống thường nhật của người lao động, cũng như những danh thắng, thiên nhiên độc đáo của Đà Nẵng.

Làng bích họa kết hợp hoạt động kinh doanh các dịch vụ giữ xe, bán đặc sản, giải khát, hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, du lịch trải nghiệm… để tăng thu nhập cho người dân địa phương và tạo nguồn kinh phí để tiếp tục triển khai dự án vì cộng đồng, đồng thời góp thêm một điểm đến cho du khách và cũng là cách giới thiệu trực quan sinh động những nét đặc trưng nhất của Đà Nẵng.

Làng bích họa gắn với các hoạt động kinh doanh là ý tưởng của Dương Huỳnh Trang, một trong những người sáng lập Công ty Ánh Dương. Trang nói, thấy nhiều làng du lịch nổi tiếng kết hợp với nghệ thuật tạo được sức hút rất lớn với du khách. Nhưng những dự án bích họa đó chỉ có hình ảnh, không kết hợp kinh doanh để đem lại nguồn lợi cho người dân địa phương. Trong khi, xu hướng của khách quốc tế lại thích những nơi có vẻ đẹp tự nhiên, nơi họ có thể vừa thư giãn, vừa trải nghiệm các hoạt động cùng người dân địa phương. Vì vậy, định hướng phát triển của Công ty Ánh Dương là gìn giữ văn hóa truyền thống nhưng có kết hợp các yếu tố sáng tạo để hấp dẫn du khách.

Du khách trải nhiệm chèo ghe, bắt cá trên sông Như Ý ở Thủy Thanh. Ảnh: Thanh Đoàn

Ngoài làng bích họa Đà Nẵng, Công ty Ánh Dương đang phối hợp cùng tỉnh Trà Vinh để thực hiện dự án Làng Văn hóa – Du lịch Khmer ở địa phương. Trong dự án này, Ánh Dương khai thác những bức tranh miêu tả sinh động truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo lâu đời của người Khmer Nam bộ, như: các lễ hội truyền thống, các truyền thuyết, các câu chuyện thần thoại, các vị thần và các trò chơi dân gian Khmer.

Dương Huỳnh Trang cho biết, sự khác biệt giữa dự án của Công ty Ánh Dương với các làng văn hóa khác là ở những bức bích họa. Bích họa chính là những “sứ giả” đầu tiên đón du khách đến với làng và tạo cho họ cảm giác gần gũi, thân thiện với con người và nơi chốn họ đang đứng chân. Nhưng đó không phải là yếu tố cốt lõi tạo sức bật để Ánh Dương vươn xa. “Thông qua sự kết nối của Vườn ươm sông Hàn, dự án của Công ty Ánh Dương ở Trà Vinh được thực hiện theo mô hình có sự liên kết giữa Nhà nước – doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Nhờ có sự chung tay của cả ba bên nên dự án đi rất nhanh”, Huỳnh Trang nói.

Liệu sự liên kết giữa ba bên nói trên đã được thực hiện và tạo nên động lực thúc đẩy cho Thủy Thanh? Không kể những bức bích họa, cách Công ty Ánh Dương kết hợp các hoạt động trải nghiệm với việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống địa phương để phát triển du lịch cộng đồng cũng là cách Thủy Thanh làm bấy lâu nay. Trong nỗ lực của Thủy Thanh, Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư bản địa đều tham gia rất tích cực.

Người dân Thủy Thanh thuần nông, chất phác vốn chỉ quen tay với cây lúa, nay đã có thể sử dụng tiếng Anh giao tiếp cơ bản, đã biết diễn những hoạt động sinh hoạt hằng ngày cho du khách xem và tự tin tương tác với du khách khi họ đến thăm quê hương mình. Tuy nhiên, tự thân người dân Thủy Thanh không thể tự quảng bá, thu hút và tổ chức đưa đón khách về, mà việc này phải là những đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp du lịch. Vậy nên, du lịch cộng đồng ở Thủy Thanh phải có được tiếng nói chung và cách làm thống nhất từ các thành viên, gồm: Sở Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao, Hiệp hội Du lịch và chính quyền địa phương.

Làm thế nào để xử lý tình trạng người dân “xé lẻ”, tự kinh doanh du lịch trên nền tảng chung và có những cạnh tranh không lành mạnh? Dương Huỳnh Trang trả lời: Việc cam kết đi cùng nhau chắc chắn phải có, nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta có thể ngăn cấm hộ dân nào đó tự phá bỏ cam kết. Để hạn chế tối đa những rủi ro từ việc phá bỏ cam kết của người dân đối với lợi ích và chất lượng sản phẩm du lịch của làng, chúng tôi cần có sự vận động, quản lý của chính quyền địa phương. Trường hợp vận động không thành công, cộng đồng làng vẫn có thể chia sẻ nguồn thu với họ bằng cách thu phí vào cổng đối với những du khách cụ thể. Với trách nhiệm của mình, chính quyền địa phương sẽ giúp cộng đồng người dân làm được việc này.

Vấn đề vừa đặt ra với Ánh Dương cũng là hiện thực đang diễn ra ở Thủy Thanh. Và, chính vì không quản được cách làm mỗi người mỗi phách nên sản phẩm du lịch ở Thủy Thanh trở nên lẻ tẻ, rời rạc, chất lượng không đảm bảo và nguồn thu không hướng đến lợi ích chung của cộng đồng làng. Từ câu chuyện của Công ty Ánh Dương, du lịch cộng đồng ở Thủy Thanh có thể nhìn thấy sự tương đồng và có thể tham khảo cách làm phù hợp.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Nâng cao kỹ năng quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng

Lớp tập huấn quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch thông qua kỹ năng xây dựng video, clip do TX. Hương Thủy tổ chức diễn ra ngày 17/4 tại xã Dương Hòa. Đông đảo cán bộ, hội viên Chi hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, chủ cở sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thị xã tham dự.

Nâng cao kỹ năng quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Return to top