ClockThứ Sáu, 22/07/2011 09:03

"Người tình"sắc son của vua Nguyễn Ánh

TTH - Trong lịch sử, Thừa Thiên Cao Hoàng hậu Tống Thị Lan được đánh giá là bậc mẫu nghi thiên hạ, hết lòng vì hoàng đế Gia Long và triều đình nhà Nguyễn. Bà còn được biết đến với giai thoại thoi vàng chặt đôi trước đây ở điện Phụng Thiện.

Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu Tống Thị Lan (1761-1814) là vợ vua Gia Long triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Bà có tên tự là Liên, sinh năm Tân Tỵ (1861) ở Tống Sơn, Thanh Hóa và là con gái thứ ba của Qui Quốc công Tống Phúc Khuông và bà mẹ họ Lê.

Năm 1774, khi Phú Xuân bị quân Trịnh đánh chiếm, nàng Tống Thị Lan theo cha vào Nam, đến ở Gia Định. Năm Mậu Tuất (1778), bà 18 tuổi, được tiến cung rồi tấn phong làm Nguyên Phi của vua Nguyễn Ánh. 

Thừa Thiên Cao hoàng hậu được biết đến là người phụ nữ hết mực nhân hậu, cần kiệm, biết thương yêu tất cả mọi người. Từ khi trở thành Nguyên phi của Nguyễn Phúc Ánh, bà đã bao phen gian nan bôn tẩu khắp đó đây.
 
Năm Quý Mão (1783), vì bị Tây Sơn truy đuổi gắt gao, binh mã bị tiêu diệt gần hết nên Nguyễn Phúc Ánh đã sang cầu cứu quân Xiêm La, đồng thời, cậy nhờ Bá Đa Lộc đem Hoàng tử Cảnh sang Pháp xin thêm ngoại viện. Trọng trách phụng dưỡng mẹ già và trông coi mọi việc trong gia thất suốt thời phiêu bạt, Nguyễn Phúc Ánh ủy thác hết cho bà.
 
Đó là thời kì đen tối nhất, ngày đoàn tụ chẳng biết có hay không, bởi vậy mà khi chia tay, Nguyễn Phúc Ánh đã lấy một nén vàng tốt, chặt ra làm hai, trao cho bà một nửa, còn mình thì giữ một nửa, và nói: “Con ta đi rồi và ta cũng sẽ đi đây. Phi hãy phụng dưỡng Quốc Mẫu (tức bà Hiếu Khang Hoàng thái hậu, con gái của Diễn Quốc công Nguyễn Phúc Trung, người quê ở Minh Linh, nay thuộc Quảng Trị, mẹ của Nguyễn Phúc Ánh). Ngày gặp lại cũng chẳng biết là vào lúc nào và ở đâu, bởi vậy, Phi hãy lấy nửa nén vàng tốt này làm của tin”.
 
Trong những ngày Nguyễn Ánh ngược xuôi đi cầu viện, đánh rồi lại thua, thua rồi lại đánh… lưu lạc hết Xiêm đến Việt, khi Việt cùng đường lại chạy sang Xiêm, bà Nguyên Phi vẫn một mình hết lòng hầu hạ mẹ chồng. Nhiều lúc tính mạng hiểm nguy ngàn cân treo sợi tóc, bà vẫn bình tĩnh vượt qua.
 
Ngoài việc hầu hạ mẹ già, bà Nguyên Phi còn thân hành may dệt nhung phục cho quân binh. Cũng có lần quân Nguyễn giáp trận với quân Tây Sơn, thế đối phương mạnh hơn, quân Nguyễn núng thế. Thấy vậy, bà đã tự tay nổi trống thúc quân làm cho binh lính Nguyễn hăng hái xông lên và cuối cùng đã thắng lợi…
 

Nguyễn Phúc Ánh, hoàng đế Gia Long (1762-1820) là vị hoàng đế đã thành lập nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Sau ngày triều Nguyễn được thành lập, vua Gia Long hỏi bà chuyện thỏi vàng năm xưa… Bà ung dung đem vàng ra trình lên. Gia Long vô cùng cảm động, cầm lấy nửa thỏi vàng và bảo rằng: “Vàng này mà còn giữ được, đó thật là ân trời đã giúp cho trong lúc gian nan, chẳng nên quên lãng. Vậy phải để dành về sau cho con cháu biết”. Dứt lời, vua lấy nửa thỏi vàng của mình ráp với nửa thoi vàng của bà Nguyên Phi (lúc đó đã được phong hoàng hậu) rồi trao hết cho bà. Hoàng hậu vâng theo lời dụ, về sau trao lại cho vua Minh Mạng. Sau này, khi Minh Mạng lên ngôi, ông liền đem thoi vàng hai mảnh ấy thờ ở Điện Phụng Tiên.
 
Cũng chính vì đức hạnh ấy của bà mà năm 1793, Thừa Thiên Cao Hoàng hậu được Nguyễn Phúc Ánh đề nghị làm mẹ nuôi cho con của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu là Nguyễn Phúc Đảm, tức Hoàng đế Minh Mạng sau này, dẫu bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu lúc này còn rất khỏe mạnh và sống mãi đến năm 1846 mới mất. Bà bằng lòng với điều kiện là chồng phải viết tờ giao ước hẳn hoi. Nguyễn Phúc Ánh sai Lê Văn Duyệt viết tờ giao ước, còn bà thì sai cung nữ là Nguyễn Thị Lê cất giữ. Từ đó, Nguyễn Phúc Đảm vào ở hẳn với bà.
 
Chính sử đánh giá Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu là bậc mẫu nghi trong thiên hạ, đúng với câu được ghi trong văn sách lập làm Hoàng hậu: Hòa dịu cần kiệm tỏ đức hay, làm khuôn mẫu cho mọi gia đình. Đem phong hóa quan thư khiến Tu, Tề, Trị, Bình được trông cậy.

 

 

Theo Đất Việt

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam

Theo “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn, địa danh Phủ Cam ra đời cùng thời với Phủ Dương Xuân dưới thời các chúa Nguyễn. Cho nên phải gọi là Phủ Cam mới đúng.

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam
Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế

Trong lịch sử vùng Huế, những ngôi làng Việt cổ thường nằm dọc lưu vực sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương. Từ làng xã “gốc” phát triển về thượng nguồn hoặc hạ lưu, hình thành những làng “ngọn”. Vùng đất Phú Lộc, ngoài lưu vực sông Truồi, còn có dải cồn cát ven biển và đầm phá có vị trí chiến lược, vành đai an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng, để bảo vệ Kinh đô Huế.

Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế
Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ

Trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu, ngoài di tích nhà ở, nhà thờ và lăng mộ của cụ Phan, còn có nhiều lăng mộ, bia tưởng niệm… của các chí sĩ yêu nước được đưa vào đặt, an táng ở đây; trong đó, có lăng mộ của nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, một trong những nhân vật được xem là biểu tượng của tinh thần chống Pháp bất khuất cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, ít ai biết vì sao lăng mộ của ông lại được đưa vào an táng trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm Phan Bội Châu.

Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ

TIN MỚI

Return to top