ClockThứ Ba, 22/02/2011 16:52

Người ‘thu gom’ vàng của vua Hàm Nghi

TTH - Cách đây 57 năm, ông Nguyễn Văn Triều được Khu ủy khu Bốn cử vào Tuyên Hóa, Quảng Bình thực hiện chuyến công tác đặc biệt “thu gom” vàng của vua Hàm Nghi được nhân dân ở đây phát hiện. Sau ba tháng, ông cùng cộng sự của mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Văn Triều cùng các cộng sự đã thu gom được 113 kg vàng nộp cho Ngân hàng khu. Trong tổng số đó có nhiều loại khác nhau. Loại nhỏ và nhiều là tiền đồng được ghi bốn chữ Hán có đường kính khoảng 0,025m, dày 0,001m. Loại đồng tiền to cỡ 1 lạng, loại 5 lạng như thẻ bài ngà của các quan và loại lớn 25 lạng. Tất cả đều có khắc bốn chữ “Hàm Nghi Kim Bửu”.

Lần tìm nguồn gốc

Theo lời kể người con trai cụ Nguyễn Văn Triều, lúc còn sống, cụ thường kể cho con cháu nghe về chuyến công tác đặc biệt của mình và những tình tiết liên quan đến việc phát hiện và tìm ra nơi chôn cất vàng vua Hàm Nghi.

Ông Nguyễn Văn Triều tại một hội nghị ngành năm 1962.
Hơn nữa, tham khảo cuốn Hồi ký của ông Triều để lại có đoạn viết: “Tìm hiểu trong dân thì lúc bấy giờ có một cụ già đã 80 tuổi, cụ nói: Năm Ất Dậu trước, kinh thành Huế thất thủ, lúc ấy tôi đã 10 tuổi, một buổi sáng sớm thấy ngựa voi, lính tráng tán lọng đi vào thôn. Mọi người hoảng sợ bỏ chạy vào rừng, quan quân tầm nã bắt được 30 người dân lực lưỡng. Sau đó, bắt họ đào hố gần gốc cây cổ thụ, đào sâu xuống tận đáy khe rồi đổ vàng xuống đó chôn, đầm nện kỹ, xóa mọi dấu vết. Để giữ bí mật, tất thảy 30 người dân trên đều bị giết chết. Thế là biết có vàng chôn nhưng không biết chỗ nào. Qua 70 năm mưa lụt, nước lũ xói mòn, gốc cây cổ thụ cũng bị cuốn trôi, đất đá xói hết vàng mới lộ ra”.

Việc phát hiện ra vàng của vua Hàm Nghi cũng được ông Triều ghi chép lại tỉ mỉ như sau: “Theo tập quán thôn Cát Đặng, lúc sáng sớm đàn bà, con gái cả thôn xuống khe mò cua, bắt cá (vì sáng sớm còn lắm sương mù chưa đi làm được). Một cháu nhỏ của một gia đình cuối xóm nhặt được một đồng tiền vàng mà cháu không biết là thứ gì, cháu chạy lại hỏi bố thì bố biết là vàng. Rồi ông bố liền bảo con trai xuống suối mò cua bắt cá như thường lệ. Còn hai vợ chồng thì dùng quang gánh xuống khe đào vàng rồi khiêng lên nhà giấu kỹ.

Các nhà xung quanh thấy hai vợ chồng khiêng gì mà đã 6, 7 lượt, sinh nghi nên họ chạy đến xem. 2 vợ chồng mới nói là không biết thứ gì. Lúc đó dân làng mới thét lên là vàng, vàng của vua Hàm Nghi. Cả làng tập trung đào bới... Để giữ kín việc này, họ góp nhau người nhiều kẻ ít ủng hộ cho tổ chức nông hội của thôn để làm quỹ. Do nông hội thôn sợ bị kỷ luật nên mang cả ki lô vàng về báo cáo Huyện ủy, Huyện ủy báo cáo lên tỉnh, tỉnh báo cáo lên Liên khu.

Người con trai của cụ Triều tại căn nhà của cụ.
Còn việc phát hiện vàng ở Khe Ve là do ba anh em làm nghề đánh cá trong thôn này phát hiện trong một lần đi nương rẫy. Trong khi đào tìm kiếm vàng bị lộ, thế là cả xóm, cả thôn, người ở các vùng lân cận khác biết kéo đến đào bới theo. Đáng chú ý có một người ở tận Hà Nội bí mật vào thu mua được hơn 1kg vàng, nhưng sự việc bị lộ phải đem nộp trở lại, người này tiếc quá về sau phát bệnh. Tuy nhiên, người này mới mua chưa kịp trả tiền nên cũng không thiệt hại gì”.

Mua vét hàng ở chợ... để thưởng cho nhân dân

Sau khi áp tải số vàng trên ra nộp cho Ngân hàng Khu an toàn, Khu thưởng cho 2 tấn thóc và 1 triệu đồng bạc tài chính để vào mua quà thưởng cho dân. Vậy là một Hội đồng khen thưởng ngay lập tức được thành lập. Hội đồng thành lập xong triển khai ngay một chiến dịch mua vét hàng hóa ở chợ Đồng Hới (Quảng Bình) như đồ len, áo len, chăn len, vải trắng vải đen... mua sạch cả chợ đem biếu cho dân. Nông dân thì được thưởng trâu cày kéo, người làm nghề đánh cá được thưởng thuyền, lưới... Đặc biệt, có một bà cụ được thưởng một cỗ quan tài để lo hậu sự sau này. Còn lại tổ chức một bữa liên hoan linh đình cho nhân dân hai xã.

Hoàn thành công việc được giao, ông Triều trở ra Bắc và tiếp tục giữ thêm nhiều chức vụ khác mà Đảng và Nhà nước phân công cho đến khi về hưu, sống cuộc đời thanh đạm. Năm 1997, Ủy ban nhân dân huyện Cam Lộ đã tặng cho ông 5 triệu đồng sửa sang lại căn nhà tranh đã xuống cấp mà ông đang sống. Một năm sau thì ông mất…

Theo Đất Việt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam

Theo “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn, địa danh Phủ Cam ra đời cùng thời với Phủ Dương Xuân dưới thời các chúa Nguyễn. Cho nên phải gọi là Phủ Cam mới đúng.

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam
Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế

Trong lịch sử vùng Huế, những ngôi làng Việt cổ thường nằm dọc lưu vực sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương. Từ làng xã “gốc” phát triển về thượng nguồn hoặc hạ lưu, hình thành những làng “ngọn”. Vùng đất Phú Lộc, ngoài lưu vực sông Truồi, còn có dải cồn cát ven biển và đầm phá có vị trí chiến lược, vành đai an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng, để bảo vệ Kinh đô Huế.

Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế
Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ

Trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu, ngoài di tích nhà ở, nhà thờ và lăng mộ của cụ Phan, còn có nhiều lăng mộ, bia tưởng niệm… của các chí sĩ yêu nước được đưa vào đặt, an táng ở đây; trong đó, có lăng mộ của nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, một trong những nhân vật được xem là biểu tượng của tinh thần chống Pháp bất khuất cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, ít ai biết vì sao lăng mộ của ông lại được đưa vào an táng trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm Phan Bội Châu.

Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ
Return to top