ClockThứ Bảy, 19/11/2022 14:21

Người thầy đặc biệt

Họ cần được sẻ chia và trân trọng

Hồi trước, ba mẹ tôi đều là nhà giáo. Mẹ tôi là giáo viên dạy học trò tiểu học. Ba tôi dạy cấp 3, môn toán. Thời đó, các thế hệ học trò cấp 3 Đồng Hới (Quảng Bình) đều truyền nhau câu “Văn thầy Cán, toán thầy Trình”. Có nghĩa, trong hai thầy giáo dạy môn văn và môn toán giỏi có tiếng của Đồng Hới, có ba tôi. Cho đến tận bây giờ, nhiều chú, cô học trò cũ vẫn nhắc về ba tôi bằng tất cả lòng khâm phục, kính trọng, bởi trong ký ức mà các cô chú mang theo, “thầy Trình” không chỉ dạy giỏi, mà còn là người thầy rất thương yêu, tận tâm với học trò. Thời gian cứ trôi, bục giảng mà ba mẹ tôi rời đi khi đến tuổi nghỉ ngơi, ngày càng “xa” hơn. Nhưng đến tận bây giờ, vào những ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hoặc các dịp tết Nguyên đán hàng năm, thế nào cũng có những cô, chú học trò cũ đến thăm, chúc ba mẹ tôi những lời tốt đẹp.

Tự hào về điều đó, nhưng trong ký ức của riêng mình, tôi lại nhớ những điều bên ngoài bục giảng, mà ba tôi là tấm gương, là người thầy cho con cháu. Tôi nhớ mãi câu chuyện ba kể, thời “xưa lơ xưa lắc”, sau chiến tranh đất nước còn rất nghèo. Ba tôi cùng đoàn giáo viên tỉnh Quảng Bình ra Nghệ An để coi thi “chéo” kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Trước lúc chia tay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An mời đoàn giáo viên tỉnh Quảng Bình bữa cơm thân mật. Khẩu phần “đặc biệt” của mỗi người có một chai bia. Thời đó hàng hóa khan hiếm, bia là món hàng xa xỉ, đôi khi người có tiền cũng khó mua được. Ba tôi nói rằng, không sử dụng khẩu phần này của mình trong bữa cơm, mà sẽ cất thật cẩn thận, để mang về làm quà cho vợ (tức mẹ tôi). Cô Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ và rất nhiều người trong bữa cơm hôm ấy đã rất xúc động trước tình cảm yêu thương mộc mạc mà sâu đậm của một người chồng dành cho vợ - “vật liệu” vô cùng quan trọng để mọi cặp vợ chồng xây dựng và giữ gìn được hôn nhân bền vững, hạnh phúc, tạo ra những “tế bào xã hội” lành mạnh.

Tôi sẽ mãi không quên khi thỉnh thoảng mẹ vừa cười vừa nhắc lại câu chuyện mất gà. Hồi đó, tôi xa nhà vào Huế học đại học. Cũng đang là thời kỳ kinh tế khó khăn, đồng lương giáo viên ít ỏi, nên bầy gà nhà nuôi chủ yếu lấy trứng cải thiện bữa ăn, hoặc bán đi khi có việc cần tiền chi tiêu. “Có con gà béo ú cái tật không chịu vào chuồng, cứ bay lên cây khế mà ngủ. Mẹ “dụ” ba, thôi thì thịt quách, chứ chẳng may bị trộm mất thì tiếc lắm. Ba nhất trí, gà cũng đã nhốt lại. Nhưng xách gà lên, ba lại chần chừ, bảo chỉ còn chừng vài tuần nữa, con về nghỉ hè, chờ đến lúc con về cùng ăn. Vậy là lại thả gà ra. Ai ngờ hôm sau, gà bị người ta bắt trộm mất”.

Dù là mất gà, “hỏng” ăn, nhưng lần nào cũng vậy, trong giọng kể của mẹ lại đầy ắp trân trọng mà không hề tiếc nuối. Mẹ trân trọng một người đàn ông của gia đình, luôn yêu thương và nghĩ cho vợ, cho con. Đối với người mẹ già, ba tôi vô cùng hiếu nghĩa. Ông nội tôi mất sớm, bà nội một mình nuôi 3 con thơ dại. Cô tôi không may bệnh rồi mất từ lúc tuổi còn nhỏ. Bác tôi hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thương những vất vả, mất mát, khổ đau mà bà nội gánh vác, khi nội già yếu phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều trên giường, ba tôi giành phần tự tay chăm sóc. Tự tay ba tôi bưng bô, tắm rửa, bón cho bà nội từng thìa cháo. Đến lúc ở tuổi 99, nội tôi đã về miền mây trắng thật nhẹ nhõm trong tình yêu thương của ba tôi và con cháu, gia đình.

Bây giờ tuổi đã cao, nhiều khi ba tôi lẩn thẩn, nhiều lúc quên điều này điều nọ, nhưng tình yêu thương dành cho gia đình, con cháu và người khác thì mãi còn đó. Bây giờ đất nước quê hương ngày càng phát triển, thức ăn ngon cũng đã trở nên bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Vậy nhưng, mỗi lần nhà có món gì đặc biệt hơn, ba tôi lại hỏi, sao không đợi con cháu về đông đủ. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, ba mẹ tôi vẫn dành một phần thức ăn ngon, tặng người phụ nữ bệnh tật, cô đơn cuối xóm. Hoặc khi biếu hàng xóm mấy trái bưởi vườn nhà, ba tôi lúc nào cũng dặn mẹ, nhớ lựa trái đẹp để cho…

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ

Bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ Trần Văn Anh bắt đầu từ năm 2015 đến nay đã được 9 năm đồng hành cùng với quý người già neo đơn, nghèo khó. Đây là chương trình giúp đỡ và bảo trợ đến những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các địa phương Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên Huế) và Hải Lăng (Quảng Trị).

Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ
Tuyên dương thầy giáo dũng cảm cứu người

Sáng 20/11, tại Trường THPT Hương Vinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên dương, khen thưởng thầy giáo Lê Ngọc Thùy, giáo viên dạy môn toán Trường THPT Hương Vinh về hành động dũng cảm cứu sống 3 người dân bị nước lũ cuốn trôi.

Tuyên dương thầy giáo dũng cảm cứu người
kỷ niệm 41 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023)
Vượt khó mang con chữ lên vùng cao

Với giáo viên công tác ở vùng cao, ngoài tâm huyết với nghề, hành trang thầy cô giáo mang theo còn là tình yêu vô bờ bến dành cho học sinh. Giấc mơ con chữ của học trò vùng cao luôn được nuôi dưỡng từ những hy sinh thầm lặng của các thầy, cô giáo.

Vượt khó mang con chữ lên vùng cao
Return to top