ClockThứ Bảy, 02/04/2016 09:21

Ngỡ tối mà sáng

TTH - Từ rất lâu, gia đình tôi không còn thói quen đi nhà hàng chỉ để ăn ngon, mà phải học thêm được điều mới lạ từ bữa ăn đó. Vì vậy, chiều nay nghe con trai mời: “Má ơi, tối nay gia đình mình đi “ăn trong bóng tối” ở nhà hàng Blackout, nghen má?”. Tôi biết mình sắp được trải nghiệm một buổi ăn thú vị.

Blackout nằm trong hẻm nhỏ trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, Sài Gòn. Con hẻm giống cái túi vải có dây gút, đầu hẻm là miệng túi, nhỏ và hẹp; bên trong là bụng túi rộng và thoáng, mở ra một khu phố gồm những ngôi nhà có kiến trúc Pháp. Blackout đặt trong một ngôi nhà kiểu Pháp vừa được tu sửa phù hợp với mục đích kinh doanh “Ăn trong bóng tối”.

Blackout và slogan thu hút sự tò mò của khách

Nơi đón khách là một không gian chờ dưới mái hiên lầu một, trang trí đậm chất Địa Trung Hải: một chút châu Âu, một chút châu Phi và một chút châu Á. Khách thả mình vào bộ salon nhiều gam màu chỏi nhau, ngắm không gian rực rỡ tỏa ra từ những ngọn đèn bằng lụa màu cam, nhưng nhờ màu xanh của cây trúc mây mà dịu dàng e ấp. Âm nhạc tuy được mở nhỏ, nhưng giai điệu lại xôn xao, rạo rực. Đúng là Địa Trung Hải!

Tiếp viên là một người phụ nữ trung niên có thân hình đẫy đà, chị mời khách thức uống và đưa quyển thực đơn rồi ân cần giới thiệu thức ăn. Có lẽ tiếp viên muốn thực khách thưởng thức nước uống và chọn thực đơn một cách chậm rãi, chị qua tiếp nhóm khách khác. Tại Blackout có bốn thực đơn: Thịt, hải sản, đồ ăn chay và thực đơn bí ẩn. Giá từ 400 đến 600 nghìn VNĐ/ thực đơn. Khách có bốn người, quyết định chọn bốn thực đơn, ngon dở khoan bàn, cốt sao được trải nghiệm nhiều nhất.

Tưởng như thế là xong phần thủ tục, nhưng chưa, người tiếp viên lấy một cái hộp có khóa, mời khách gởi điện thoại cùng tất cả đồ kim loại có phát sáng vào hộp, rồi khóa lại giao chìa khóa cho khách giữ. Chị giải thích: “Chủ nhà hàng muốn có một bóng tối tuyệt đối và không gian yên tĩnh cho thực khách”. Chị tươi cười nói thêm: “Nếu trong bữa ăn, quý khách phát hiện thức ăn làm bằng nguyên liệu gì thì khi thanh toán, nhà hàng sẽ có quà”. Có lẽ, chủ nhà hàng muốn khách chú tâm hơn trong khi ăn, mới nghĩ ra quà thưởng, chăng?

Tiếp viên mời khách bước đến một cánh cửa nặng và dày, rồi gõ gõ vào bên trong, từ bóng tối tiến ra một anh chàng khiếm thị, anh mời khách đặt tay lên vai để anh hướng dẫn vô bàn. Cửa khép, bóng tối bao trùm, vừa ngột ngạt, vừa thú vị.

Khách chưa hoàn hồn thì sát bên tai là giọng một cô gái, cô tự giới thiệu tên mình, giới thiệu cách ăn từng món, và hướng dẫn cách gọi cô nếu thực khách gặp trục trặc trong khi ăn. Cô thưa rằng: “Thức ăn được phục vụ theo ba nhóm: khai vị, món chính và tráng miệng. Món nước được đặt trong cái ly có quai (cho an toàn) còn các món khô bày trong muỗng sành”. Nói rồi cô hướng dẫn khách đưa tay qua trái, đưa tay qua phải cho đến khi tay khách chạm vào thức ăn. Lúc này cô mới nói: “Kính mời quý khách chậm rãi khám phá và chúc ăn ngon miệng ạ!”.

Không thấy nhà hàng, không thấy thức ăn, không thấy người thân, không thấy thực khách, không thấy người phục vụ; tự bàn tay mày mò lấy những muỗng thức ăn bày sẵn bỏ vào miệng, từ từ nhai, từ từ nuốt, từ từ thưởng thức, từ từ cảm nhận.

Trong sự bao trùm của bóng tối, khách trẻ nhận ra rằng: Khi thị giác không còn thì, chợt: tai, mũi, lưỡi và cả thân, ý bỗng nhiên tinh, thông, thính và linh hoạt hẳn lên.

Khách già lại ngộ ra điều khác: Một khi mắt không còn phải thấy, thì nên thả lỏng luôn các giác quan còn lại: tai nghe như không nghe, mũi ngửi như không ngửi, lưỡi nếm như không nếm,thân như không bộ tịch, ý như không nghĩ suy. Chính trạng thái “rỗng” này mới là đỉnh cao có được từ sự trải nghiệm “ăn trong bóng tối”.

Sau bữa ăn, khách quay lại gian phòng Địa Trung Hải, chị tiếp viên có thân hình đẫy đà đon đả hỏi: “Quý khách có đoán được nguyên liệu gì không?”. Khách trẻ tranh nhau nói: “Nước đá! Ngò! Ớt xanh!”. Chẳng biết đúng, sai, nhưng trên tay ai cũng có món quà.

Còn khách già thì cười cười: “Nguyên liệu chính làm nên bữa ăn là sự rỗng lặng”. Trả lời lãng xẹt như thế mà khách già cũng có quà. Vui thiệt!

Sau này qua tìm hiểu khách được biết, chủ nhà hàng là người nước ngoài, thuộc bậc lão làng trong ngành kinh doanh ăn uống. Hèn chi!

…Huế có nhiều người khiếm thị. Huế có nhiều người trẻ giỏi ngoại ngữ. Huế có nhiều ngôi nhà Pháp đẹp. Huế có nhiều đầu bếp giỏi. Món ăn Huế đa dạng, phong phú. Nếu Huế muốn xây dựng chuỗi nhà hàng “Ăn trong bóng tối” thì hoàn toàn có thể thực hiện được. Nhưng để thành công hơn, Huế nên tách bạch nhà hàng chay và nhà hàng mặn (không nhập chung như Blackout), như một cách phân khúc nhóm khách hàng.

Nhà hàng chay, nên chăng, trong bóng tối có mùi hương bông huệ trắng, có tiếng chuông, tiếng khánh, tiếng nước chảy, tiếng chim hót hoặc tiếng tụng kinh rất nhỏ, để trợ duyên cho thực khách được thư giãn hoàn toàn. Và sẽ thăng hoa hơn nữa nếu thực khách dùng cơm trong im lặng. Kết thúc bữa cơm, người ăn chay trong bóng tối sẽ được thư thái như vừa xả thiền vậy.

Nhà hàng mặn thì lại khác. Người chủ hãy tạo điều kiện để thực khách được hí hửng, tưng bừng, tò mò, khám phá thức ăn. Sau bữa ăn là một trải nghiệm thú vị,vui vẻ.

Lượng khách đến Huế gần đây không giảm, nhưng thời gian khách lưu trú ở Huế lại không tăng. Nghĩa là, Huế thiếu những dịch vụ giữ chân khách phương xa. Tin rằng, nếu chuỗi nhà hàng “Ăn trong bóng tối” kiểu Huế trở thành hiện thực thì du khách sẽ ở Huế lâu hơn, tiêu xài nhiều hơn, và như vậy người Huế có nhiều việc làm hơn.

TẠ THỊ NGỌC THẢO

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Bật mí địa chỉ may đồng phục nhà hàng uy tín lâu năm

Đồng phục nhà hàng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp, ấn tượng cho nhà hàng. Nếu bạn đang băn khoăn trong việc thiết kế đồng phục cho nhà hàng của mình, hãy tìm hiểu thông tin ngay dưới đây nhé!

Bật mí địa chỉ may đồng phục nhà hàng uy tín lâu năm
Làm thêm dịch vụ du lịch ngày tết

Do khách du lịch đến Huế trong dịp tết dự kiến sẽ tăng đáng kể, nhiều khách sạn, nhà hàng tuyển thêm lao động để phục vụ khách tốt hơn.

Làm thêm dịch vụ du lịch ngày tết
Nhiều nước dần dỡ bỏ các biện pháp chống dịch

Tính đến 10h54p ngày 12/2 theo giờ Việt Nam, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 400 triệu ca nhiễm COVID-19. Tình hình dần được cải thiện, tạo cơ hội để các nước dần dỡ bỏ hạn chế của mình.

Nhiều nước dần dỡ bỏ các biện pháp chống dịch
Return to top