ClockThứ Ba, 30/03/2021 14:00

Nạn “cò mồi” du lịch: Đừng để những “con sâu” làm rầu ngành du lịch Huế - kỳ 2: Phải có giải pháp quyết liệt hơn

TTH - Nạn “cò mồi” đã xuất hiện từ lâu, các cơ quan chức năng đều biết và nắm rõ, nhưng không hiểu vì sao tình trạng này không được xử lý triệt để?

Nạn “cò mồi” du lịch: Đừng để những “con sâu” làm rầu ngành du lịch Huế - Kỳ 1: Lộn xộn & công khai

Các “cò mồi” hướng dẫn đỗ khách ngay trạm kiểm soát của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Khó xử lý?

Khi các xe được các đối tượng “cò mồi” dẫn vào các điểm đỗ, các xe dồn một lúc, cùng với đó du khách ra vào khu vực đường 23 Tháng 8 đông nên gây ra cảnh tượng lộn xộn. Đặc biệt, trên đường 23 Tháng 8 có biển cấm dừng, cấm đỗ nhưng vẫn có vài chiếc xe nối dài để đổ khách. Cách đó không xa là trạm gác bảo vệ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Ở đây, cũng có lực lượng công an túc trực, nhưng các đối tượng vẫn hoạt động .

Không chỉ có xe ô tô dưới 16 chỗ là “con mồi” của các đối tượng này, nhiều xe khách, có trọng tải lớn 29, 45 chỗ cũng dễ dàng di chuyển vào trong nội thành và đến đậu ở đường Đinh Công Tráng. Qua tìm hiểu, các loại xe khách cỡ 45 chỗ ngồi có trọng tải dao động khoảng 11 tấn khi chưa có khách và tăng thêm từ 2,5 – 3 tấn khi chở khách. Điều đáng nói là ở các cổng vào, ra nội thành đều có biển báo cấm xe trên 5 tấn.

Về việc đậu, đỗ xe ở các điểm đặt “đại bản doanh” của “cò mồi”, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải cho hay, về quy định, chỉ những nơi có biển báo cấm dừng, cấm đỗ thì các xe mới không được đậu, đỗ. Còn những nơi không có biển báo thì đậu bình thường, chỉ quy định các xe không được đậu song song ở các tuyến đường hẹp, như ở đường Lê Huân hay Đinh Công Tráng. Riêng xe trọng tải lớn thì những lúc thanh kiểm tra không bắt gặp. Bên cạnh đó, việc xác định trọng tải cũng gặp không ít khó khăn.

Khi chúng tôi hỏi, các “cò” có vẻ không sợ ai với một số người liên quan. Một người sống bên cạnh Bến xe Nguyễn Hoàng cho hay, những người làm nghề đó đa số đã có nhiều tiền án, là dân “anh chị” nên chẳng ai muốn gây chuyện làm gì. Giữa hai nhóm đó thường xuyên xảy ra mâu thuẫn vì tranh giành khách và đánh nhau nhiều lần, có người bị thương rất nặng. “Hiện có một đối tượng trong nhóm ở thứ nhất sống luôn ở khu vực bến xe, là đối tượng nghiện hút, nên chẳng ai dám và muốn động vào”, người dân này thông tin.

Các “cò mồi” này lộng hành đến mức chặn luôn các xe vào đỗ trong Bến xe Nguyễn Hoàng. Khi các xe đã vào bến, các đối tượng chạy vào theo và dụ dỗ du khách vào đỗ ở phía trong thành. Một cán bộ tại bến xe bức xúc: “Khi chúng tôi nhắc nhở, các đối tượng này hăm dọa, thách thức. Biết rõ các đối tượng nên chúng tôi đành nhịn”.

Manh động, công khai như thế, câu hỏi đặt ra cho các cơ quan chức năng là vì sao các hoạt động cò mồi diễn ra một cách ngang nhiên, đến nay chưa được xử lý.

Công an phường Phú Hòa xác nhận, đúng là có tình trạng các “cò mồi” hoạt động trong nhiều năm qua tại khu vực Bến xe Nguyễn Hoàng. Vào năm 2018, công an phường đã có những điều tra và lập danh sách 21 đối tượng chuyên hành nghề “cò mồi” tại bến xe. Dù biết các đối tượng như thế, nhưng rất khó xử lý dứt điểm. Trong 21 đối tượng được xác định, chỉ có 1 trường hợp ở phường Phú Hòa, còn lại thuộc các phường khác nên khó khăn trong tuyên truyền, giáo dục.

Khi thấy lực lượng công an đến các đối tượng này không hoạt động. Khi mật phục để xử lý thì cũng phạt được các lỗi vi phạm giao thông, như không đội mũ bảo hiểm, chạy ngược chiều hay đánh võng. Dù phát hiện các đối tượng này áp sát các xe ô tô, nhưng hành vi chèo kéo này chưa quy ra hành vi vi phạm pháp luật, nên không có chế tài xử lý. Nếu các đối tượng này cho rằng chỉ trao đổi công việc, hoặc chỉ đường thì công an phường cũng phải chịu.

Các đối tượng vào Bến xe Nguyễn Hoàng để “câu” khách, thách thức nhân viên bến xe

Lãnh đạo Công an phường Phú Hòa giải thích thêm, với hành vi áp sát các xe của khách, chủ yếu là nhắc nhở tuyên truyền, nên không có hiệu quả lâu dài. Hơn thế, toàn bộ nội dung vụ việc xảy ra trên địa bàn 3 phường, nên đôi khi còn có “độ vênh” trong phối hợp xử lý. Phường chưa nhận được đơn tố cáo hay phản ánh nào từ du khách nên càng khó xử lý.

Ông Trần Duy Sanh, Chủ tịch UBND phường Thuận Thành (TP. Huế) xác nhận, đúng là nhiều năm qua tình trạng “cò mồi” diễn ra công khai, lộ thiên nhưng chưa có giải pháp nào xử lý hiệu quả. Khi có lực lượng chức năng đến, các đối tượng không hoạt động, khi cơ quan chức năng đi lại tiếp tục hành vi. Một số quán bán đặc sản “nuôi dưỡng” nạn “cò mồi” đó để đưa khách đến. Việc thảo thuận % được các bên thống nhất, tại các quán lại có niêm yết giá nên quả thật khó xử lý.

Đồng bộ giải pháp

Trong khi đó, ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, ngành du lịch có trách nhiệm phối hợp, nhưng lại không thể quản lý và xử lý trực tiếp các hành vi “cò mồi” này. Mà trách nhiệm phải thuộc về từng địa phương.

Ngành du lịch và ngành công an đã ký kết biên bản hợp tác phối hợp trong đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, nhưng vì sao tình trạng này vẫn diễn ra dai dẳng? Ông Lê Hữu Minh cho rằng, ngành du lịch ký kết với ngành công an phối hợp khá tốt hơn 4 năm vừa rồi. Nhưng sau dịch, vai trò của các địa phương có sự sao nhãn và chưa thật sự vào cuộc rốt ráo, nên tình trạng cò mồi mới phức tạp như thế.

Qua thực trạng “cò mồi” phải chỉ ra một thực trạng của du lịch Huế trong việc cung cấp, hỗ trợ thông tin, giúp đỡ khách du lịch. Một địa điểm “nóng” như tại Bến xe Nguyễn Hoàng, nhưng không có bất kỳ một trạm thông tin hay ki ốt hỗ trợ du khách. Bởi thực tế du khách gần như “đói” thông tin và cũng không có lực lượng chức năng để du khách tin tưởng. Đó là chưa nói đến thực tế rằng, một số du khách còn tỏ ra hài lòng với các “cò mồi” dù biết giá mua đặc sản cao vì đã được giúp đỡ nhiệt tình về thông tin, dịch vụ.

Mở rộng ra, vì sao ở các khu vực nhạy cảm như ở bến xe, bến thuyền, các khu phố đi bộ lại không có trung tâm, hay trạm hỗ trợ thông tin cho khách. Bởi thực tế, tại các điểm thu hút lượng khách du lịch lớn, cứ ra đường là chạm mặt “cò mồi”.

“Nếu như ở đó có các trạm thông tin, tiếp nhận và xử lý, hỗ trợ du khách là quá tốt và đó là “ước mơ” của ngành du lịch. Tôi xin nhấn mạnh đó là ước mơ thật sự của ngành du lịch suốt nhiều năm qua. Ít nhất là có 2 trung tâm để hỗ trợ du khách ở trục đường Lê Lợi và khu vực Bến xe Nguyễn Hoàng. Nhưng mặt bằng chưa bố trí được; thứ hai là con người, nếu có trạm thông tin phải thêm nhân lực. Nhưng hiện nay với điều kiện của ngành thì thật khó”, ông Lê Hữu Minh chia sẻ.

Ông Lê Hữu Minh cho rằng, rõ ràng, để kiểm soát tình trạng này, cần có sự phân vai rõ ràng hơn, chỉ ra đúng cơ quan có trách nhiệm chính và cơ quan phối hợp. Không thể mỗi lần có vấn đề xảy ra thì bên này đẩy trách nhiệm cho bên kia và ngược lại. Ngành sẽ đề xuất và tham mưu với lãnh đạo tỉnh để sớm có cuộc làm việc giữa các bên để đi đến thống nhất phương án chung.

Ông Nguyễn Viết Hoàng, Trưởng Công an TP. Huế khẳng định, đây là vấn đề phải được xử lý, chấn chỉnh ngay trên địa bàn TP. Huế, để  không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, hình ảnh du lịch Huế. Công an TP. Huế sẽ tăng cường lực lượng để xử lý các đối tượng. Hiện công an thành phố đang thực hiện cao điểm để xử lý các nạn cò mồi. Khi chứng minh được có sự thỏa thuận “ăn – chia” giữa các cơ sở, khách sạn và các đối tượng, sẽ có chế tài xử lý triệt để.

Một giám đốc doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm kinh doanh du lịch chia sẻ, nạn “cò mồi”, chăn dắt khách ở địa phương nào cũng có. Ở một số địa phương, để xử lý “cò mồi”, cơ quan chức năng sẽ “cắt” đầu nguồn từ các cơ sở kinh doanh. Khi các đối tượng “cò mồi” này không còn được nuôi dưỡng sẽ không còn chèo kéo, chăn dắt khách nữa.

Bên cạnh đó, nhiều năm qua, trước dịp các kỳ Festival hay sự kiện lớn, khi lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo phải làm “sạch” môi trường du lịch để tạo ấn tượng với khách thì tình trạng này giảm hẳn. Rõ ràng, khi cơ quan chức năng quyết tâm thì không khó để xử lý triệt để.

Ngày 24/7/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nạn cò mồi, chèo kéo khách du lịch. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, kịp thời có giải pháp phù hợp nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh du lịch, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

TIN MỚI

Return to top