ClockThứ Ba, 03/01/2017 05:56

Năm “bận rộn” của du lịch Huế

TTH - Tăng cường khai thác các sẩn phẩm mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự vào cuộc rốt ráo của các cấp, ngành, 2017 hứa hẹn sẽ là năm khởi sắc của du lịch Huế.

Du lịch Huế hứa hẹn hấp dẫn khi Đại Nội mở cửa và triển khai các dịch vụ vào ban đêm

Sôi động về đêm

Là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, nhiệm vụ, mục tiêu của ngành du lịch năm 2017 là tốc độ phát triển phải đạt trên hai con số, chứ không phải một con số như nhiều năm qua. Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch cho biết, sở đang tham mưu với UBND tỉnh một kế hoạch phát triển du lịch Huế 2017 cụ thể. Trước tiên, cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tiếp cận các điểm du lịch, tuyến đường ven biển, trong đó, ưu tiên từ cửa Thuận An đến cửa Tư Hiền; đảm bảo hạ tầng kết nối và phục vụ các dự án lớn; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, như tuyến đường lăng Minh Mạng - Gia Long, đường lên Bạch Mã, đường vào biển Cảnh Dương...; xây dựng các bến thuyền du lịch đầm phá, sông Hương; nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ cầu Chợ Dinh về đập La Ỷ để phát triển du lịch nghề truyền thống ở khu vực phía đông TP. Huế.

Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch là công việc trọng tâm thứ hai của ngành du lịch Huế năm 2017. Sản phẩm chủ lực vẫn là văn hóa di sản và phát triển các loại hình, sản phẩm mới dựa trên tiềm năng thế mạnh sẵn có. Từ đầu quý 2, các dịch vụ về đêm tại Đại Nội và khu vực phụ cận, như thưởng thức yến tiệc, trải nghiệm dịch vụ khám chữa bệnh đông y tại Thái Y viện, các trò chơi cung đình Huế, trải nghiệm ngủ Hoàng Cung… sẽ thử nghiệm và chính thức đưa vào hoạt động.

Cũng trong năm 2017, tổ hợp không gian văn hóa, nghệ thuật, trải nghiệm ẩm thực vào ban đêm tại khu vực đường Lê Lợi, từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân sẽ được hình thành. Kết hợp với mở rộng không gian phố đi bộ kéo dài qua cầu Trường Tiền, đường Trần Hưng Đạo, sang khu vực đường Trịnh Công Sơn hoặc khu vực các trục đường Lê Lợi - Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu. Cùng với phát triển chuỗi sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm các bảo tàng trên trục đường Lê Lợi, Huế vào ban đêm nhiều sức sống hơn, hứa hẹn sẽ là những sản phẩm đủ sức giữ chân du khách ở lại lâu hơn.

Công tác xúc tiến, quảng bá của Huế còn yếu, việc thay đổi phương pháp, hình thức phù hợp với thực tế là hết sức cấp thiết. Theo Sở Du lịch, trong năm 2017 sẽ chú trọng xúc tiến quảng bá vào các trung tâm du lịch đầu mối, như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và các thị trường quốc tế trọng điểm; đẩy mạnh việc quảng bá qua các trang mạng quốc tế, mạng xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất các hình thức quảng bá bằng các ấn phẩm.

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

Năm 2017, ngành du lịch phấn đấu đạt khoảng 3,5 - 3,7 triệu lượt khách, tăng 10% -12% so với năm 2016; doanh thu tăng khoảng 15% so với năm 2016, ước đạt 3.700 - 3.800 tỷ đồng.

Ông Lê Hữu Minh cho rằng, để thu hút được các nhà đầu tư và các doanh nghiệp an tâm, quyết định đầu tư vào Huế thì nội tại phải đảm ứng phần nào về cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi, có môi trường du lịch tốt. Ngành du lịch Huế phấn đấu sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất, tạo các điều kiện tối đa để có thể thu hút những nhà đầu tư lớn, làm đầu tàu dẫn dắt cho cả ngành du lịch phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh, du lịch có phát triển hay không chính là do các doanh nghiệp. Các cấp, ngành sẽ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp về thủ tục, chủ động phối hợp hoạt động. Muốn đạt được mục tiêu như kế hoạch đề ra, tất cả các cơ quan, ban, ngành cần có cơ chế hoạt động chung và phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Những nhiệm vụ sẽ được công khai, để doanh nghiệp và các nhà đầu tư biết Huế luôn cởi mở, tạo điều kiện tối đa có thể.

Ông Lê Xuân Phương, Giám đốc Công ty DMZ Huế góp ý, việc ban hành Nghị quyết phát triển du lịch là rất cấp thiết. Để thực hiện tốt nghị quyết cần có một ban cố vấn hoặc một ban giúp việc. Các thành viên trong ban cần quy tụ được các chuyên gia về du lịch. Những chuyên gia này không phải ở Huế mà ở một nơi khác đến, họ mới có cách nhìn đủ khách quan để góp ý cho Huế cần làm những gì. Trong ban này, cũng cần có các doanh nghiệp đủ tâm huyết với du lịch Huế để tham gia thực hiện, kết nối các doanh nghiệp Huế mạnh hơn.

ĐỨC QUANG

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

Tuy tiềm năng du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng rất lớn, nhưng hiện vẫn đang chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du lịch biển cần thêm các hoạt động, dịch vụ bổ trợ.

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển
Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

TIN MỚI

Return to top