ClockChủ Nhật, 22/10/2017 06:26

Muốn hiểu & thử

TTH - Di sản, di tích văn hóa giống như phần cứng của máy tính, còn các hoạt động xoay quanh giống như phần mềm. Có phần cứng tốt mà phần mềm yếu thì máy tính cũng ì ạch...

Một góc phố đi bộ Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An – Võ Thị Sáu nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN

Cuối tháng 8/2017, nhân dịp ra Huế xúc tiến một số công việc, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, một công ty kinh doanh du lịch lớn của Việt Nam, tâm sự: “Huế kinh doanh du lịch dựa trên di sản chưa thật sự hiệu quả. Làm kinh tế bằng du lịch, chúng tôi hiểu mỗi di sản là một cái cây đầy hoa trái mà chúng tôi và cả các địa phương khác có hái được nhiều quả ngọt, hoa thơm không mới là vấn đề”.

Một thực tế là Huế chưa nhiều ý tưởng tốt cho việc khai thác dịch vụ du lịch đối với các di sản. Khách du lịch vẫn chỉ đến tham quan, rồi đi. Có nhiều khách lưu trú để trải nghiệm một số hoạt động nhưng tỷ lệ không cao, có lẽ, lượng khách lưu trú cũng không đáp ứng được mong đợi dù giao thông đường bộ Huế - Đà Nẵng tốt hơn, rút ngắn thời gian di chuyển hơn.

Khi tìm hiểu về việc dạy võ cho học viên là người nước ngoài, ở điểm biểu diễn võ thuật trên đường Minh Mạng của Chưởng môn Võ Kinh Vạn An – Trương Quang Kim, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng. Ngoài sức hút từ võ thuật, võ sư Trương Quang Kim có một khả năng thực hiện ý tưởng kinh doanh từ chính di sản võ thuật mà mình thừa hưởng. Các điểm biểu diễn võ thuật của ông cứ mỗi ngày đều đặn vài trăm lượt khách, ai cũng bỏ tiền để xem các màn biểu diễn của các võ sinh Võ Kinh Vạn An. Tính ra, chỉ với sự đơn giản đó, võ sư Trương Quang Kim thu hút được du khách đến với môn võ của mình. Để rồi, có nhiều người khách trở lại để xin làm môn đồ của Võ Kinh Vạn An.

Câu hỏi đặt ra là một môn võ nhưng đã tổ chức được các điểm biểu diễn để “lấy tiền” từ du khách, chẳng lẽ cả một thành phố di sản như vậy mà chưa thể có những hoạt động khác, tốt hơn để du khách thưởng thức, trải nghiệm? Đã có nhiều bảng thống kê khách du lịch trở lại Việt Nam sau lần đi đầu tiên không mấy khả quan, Huế cũng vậy. Tại sao? Có phải vì chưa có những “phần mềm” tương thích và phù hợp?

Ý tưởng để xây dựng các hoạt động gắn với di sản hiện nay có vẻ còn đơn điệu, sức hút thấp đối với du khách. Vừa rồi, phố đi bộ Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An – Võ Thị Sáu đi vào hoạt động, người dân Huế nườm nượp đến. Hiện tượng này có thể giải thích một cách đơn giản là “người Huế vốn thiếu những điều lạ cho chính mình”. Vì thế, phố đi bộ trở thành một điểm nhấn mà ai cũng háo hức, đồng thời kỳvọng sẽ được duy trì tốt.

Tuy nhiên, cái giá trị cốt lõi của Huế là di sản làm cơ sở hay là một phần của các hoạt động để khiến khách phải bỏ tiền nhiều hơn, lưu lại dài lâu hơn? Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cố gắng để xây dựng một số chương trình hoạt động gắn với các di tích, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ. Nhiều lần vào Đại Nội, chúng tôi chứng kiến du khách thích thú với các chương trình biểu diễn Nhã nhạc. Sau khi biểu diễn, các nhạc công lại đi chỗ khác, du khách lại tiếc nuối giống như một món ăn “mới nghe thấy mùi chứ chưa được nếm”. Có lần tìm hiểu thì được biết, khách muốn hiểu nhiều hơn, thậm chí là muốn được thử, sau khi được nghe các bản Nhã nhạc đó. Đó mới là điều khiến khách sẽ bỏ tiền! Khách muốn biết cách trình diễn các nhạc cụ của Nhã nhạc – một di sản văn hóa phi vật thể của thế giới thì ắt phải bỏ tiền chứ. Và những thứ khác cũng vậy.

Tương tự là điểm tham quan lăng vua Gia Long. Xung quanh lăng vua Gia Long là các làng Định Môn, Kim Ngọc, La Khê Trẹm của xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà. Những ngôi làng có phong cảnh tuyệt đẹp, đất đai màu mỡ, hoa trái quanh năm. Nhưng lâu nay, du khách lên tham quan lăng vua Gia Long rồi về, họ chẳng có thời gian hay chẳng được biết cụ thể vẻ đẹp các làng này. Tại sao không gắn các hoạt động du lịch di sản và sinh thái của lăng và các làng này? Tham quan lăng xong thì du khách làm gì, nếu không trở lại thành phố?

Thay đổi quan niệm, mạnh dạn thực hiện các hoạt động kinh doanh du lịch gắn với di tích, di sản là điều mà ngành du lịch Thừa Thiên Huế cần phải làm, để thu tiền nhiều hơn từ du khách khi đến Huế.

ĐÌNH ĐÍNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản

Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc là hoạt động được tổ chức hai năm một lần (bắt đầu từ năm 1988) bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đây là hoạt động truyền thống có tầm vóc, quy tụ các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc trên cả nước, là cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo và hội nhập của các kiến trúc sư tương lai khi còn khoác áo sinh viên.

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Return to top