ClockThứ Bảy, 20/05/2017 05:56

Mũi nhọn & những cuộc đua

TTH - Một thông tin rất đáng quan tâm cho ngành du lịch, khi có đến hơn 5.600 thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2017 vào các ngành thuộc Khoa Du lịch, đứng thứ nhì trong các trường - khoa của Đại học Huế, chỉ sau nhóm ngành y dược.

Một con số quá cao, cao nhất từ trước đến nay trong việc tuyển sinh nhóm ngành du lịch ở Đại học Huế, và cũng thuộc nhóm ngành có thí sinh đăng ký xét tuyển cao của cả nước năm nay.

Không riêng Huế mà du lịch miền Trung đang có nhu cầu lớn về nhân lực. Ảnh: Ngọc Cẩm

PGS.TS Bùi Thị Tám - Khoa Trưởng Khoa Du Lịch- ĐH Huế - đưa ra 4 nguyên nhân mang đến kết quả này. Đó là do nhu cầu nhân lực của ngành du lịch các tỉnh miền Trung rất lớn, nhất là sau khi Bộ Chính trị ban hành nghị quyết xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Thị trường lao động ngành du lịch cũng mở rộng khi các nước ASEAN đã ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chuẩn nghề du lịch, người lao động du lịch đã đạt chuẩn thì có thể làm việc bất cứ đâu trong khối ASEAN. Ngoài ra, theo bà Tám, sự lớn mạnh của Khoa Du lịch - ĐH Huế cùng với công tác quảng bá tuyển sinh tốt, khiến cho thí sinh biết rõ hơn và chọn khoa này để đăng ký xét tuyển...

Còn phải đợi các chuyên gia tuyển sinh và đào tạo nhân lực phân tích kỹ hơn về sự tăng đột biến này, nhưng con số thống kê ấy đã cho thấy ngành du lịch đã thật sự hấp dẫn người lao động. Ai mà chẳng thích làm việc trong một ngành kinh doanh gắn liền với sự văn minh, sang trọng và thú vị, nhưng một thời gian dài du lịch vẫn là nhóm ngành có ít thí sinh đăng ký dự thi. Nguyên nhân vẫn là khả năng tìm việc làm không cao, ngay tại một trung tâm du lịch như Huế.

Vì vậy, con số tăng ấn tượng này phản ánh một điều mà nhiều người mong đợi: sinh viên đã nhìn thấy nhiều cơ hội tìm được việc làm trong ngành du lịch.

Đó là kết quả từ sự phát triển của ngành du lịch, nhất là du lịch miền Trung, trong vài năm trở lại đây, với sức thu hút du khách rất mạnh của hệ thống hang động Phong Nha (Quảng Bình), hệ thống di sản Cố đô Huế - Hội An, biển Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết... Với một nguồn tài nguyên du lịch đẳng cấp thế giới, miền Trung đã thật sự là một trung tâm du lịch lớn của quốc gia. Điều này cũng được dự báo từ nhiều năm trước. Và tất nhiên, miền Trung cũng phải cần một nguồn nhân lực rất lớn để khai thác tiềm năng, thế mạnh đó. Vấn đề là, các cơ sở đào tạo nhân lực ở miền Trung đã chuẩn bị để đón nhận cơ hội đó như thế nào?

Khi ra trường, sinh viên Khoa Du lịch – ĐH Huế có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm

Có lẽ cả Khoa Du lịch lẫn Đại học Huế cũng bất ngờ về con số thí sinh tăng đột biến trên, nên chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 của khoa này vẫn là 600 sinh viên. Tỷ lệ chọi 1-9, điểm chuẩn 2017 nhiều khả năng sẽ cao hơn mọi năm, số thí sinh bị trượt cũng nhiều hơn, và điều gì sẽ xảy ra vào năm sau? Rất có thể số thí sinh đăng ký sẽ giảm. Vì vậy, mừng với con số tăng của năm nay, những đồng thời với nó là nhiều nỗi lo.

Không chỉ lo con số đó có duy trì được không, mà còn lo cho một cuộc chạy đua số lượng, năm sau rất có thể Đại học Huế và nhiều đại học khác sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành du lịch. Nếu năng lực và điều kiện đào tạo không đáng ứng kịp thời, thì chất lượng đào tạo giảm là điều chắc chắn. Một thời gian dài, ngành du lịch miền Trung phát triển chậm cũng là do nguyên nhân chính từ nguồn nhân lực thiếu và yếu.

Theo tính toán của Viện nghiên cứu du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đến năm 2020, có 870.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch cả nước. Trong đó, lực lượng lao động đông nhất vẫn là lao động dưới sơ cấp (đào tạo tại chỗ, truyền nghề hoặc huấn luyện ngắn hạn) với 426.300 người, trình độ sơ cấp và trung cấp với 307.100 người, trong khi lao động trình độ cao đẳng và đại học chỉ: 130.500. Nếu đua nhau đào tạo cử nhân mà không chú ý đào tạo nghề ở bậc trung cấp, thì ngành du lịch lại lâm vào tình trạng cũ mèm lâu nay: thừa thầy thiếu thợ.

Nhu cầu nhân lực của ngành du lịch miền Trung và cả nước sẽ tăng mạnh trong những năm tới, nhưng đó chỉ mới là một dự báo chung. Cần phải dự báo cụ thể hơn nhu cầu của từng địa phương, từng trình độ, loại hình lao động... Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng vừa yêu cầu Bộ GD&ĐT phải làm việc với các cơ sở du lịch và các trường đại học để xây dựng chương trình liên kết đào tạo, để đào tạo đáp ứng đúng “đơn đặt hàng” của thị trường lao động, cả về số lượng lẫn chất lượng.

Nếu không tính toán một cách thận trọng và có trách nhiệm, thì thị trường lao động ngành du lịch không chỉ “thừa thầy thiếu thợ”, mà còn “thừa yếu thiếu chuyên”. Trong tình trạng đó, liệu ngành du lịch có thể trở thành mũi nhọn kinh tế được không...

Bài: MINH TỰ - Ảnh: VÕ NHÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả

Ngày 24/4, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo – Đại học Huế phối hợp với Trường Du lịch – Đại học Huế tổ chức TalkShow “Chinh phục nhà tuyển dụng: Viết CV và phỏng vấn tìm việc” cho hơn 200 sinh viên Trường Du lịch.

Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả
Gần 500 đoàn viên công đoàn được tập huấn nghiệp vụ

Sáng 24/4, Công đoàn Đại học Huế tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2023- 2028 và tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động công đoàn.

Gần 500 đoàn viên công đoàn được tập huấn nghiệp vụ
Return to top