ClockThứ Năm, 04/02/2021 20:32

Mùa tạ ơn

TTH.VN - Khi mùa xuân về mang nắng ấm đẩy lùi những giá rét của mùa đông còn sót lại. Vẫn trên chiếc xe mink già cỗi, ba lại chở cả nhà lên nghĩa trang liệt sĩ để thắp hương. Mẹ bảo: “Để có những mùa xuân hôm nay, rất nhiều người đã bỏ tuổi xuân trên đất này”…

Cảm ơn mùa xuân

Quê tôi được lịch sử mệnh danh là vùng đất thép, nên được cả nước biết đến là vùng đất của những nghĩa trang. Làng tôi nằm bên dòng sông Thạch Hãn, nơi này cũng là một nơi mà người ta từng ví: Nghĩa trang trên sông. Thế nên, cứ mỗi độ vào xuân, trước những ngày giáp tết, cả làng thường tập trung học trò, người lớn để quét dọn, làm vệ sinh và thắp hương. Tôi chứng kiến những ngày tết trong hương trầm, hoa tươi của ba mẹ trầm mặc, kính cẩn trước những ngôi mộ có tên và không tên.

Năm nào mẹ cũng cắt lá chuối sau vườn để gói bánh chưng chuẩn bị ngày tết, ba chẻ lạt, cắt tỉa hàng dâm bụt… Công việc gói bánh năm nào ba cũng làm và có một việc không thể quên là ba luôn nhắc mẹ lấy thêm nếp gói thêm vài chiếc bánh để cả nhà đầu năm đi thắp hương và cúng cho các liệt sĩ.

Ngày đầu năm, cả nhà đã đi thăm, chúc tết. Sáng mồng 2, ba thức cả nhà dậy sớm chuẩn bị mọi thứ để lên đường. Trên chiếc xe trông như con ngựa sắt, ba đưa chúng tôi qua cánh đồng đầy mạ non, đi thêm một đoạn đường nhựa là đến nghĩa trang. Giữa một sáng mùa xuân ấm áp, ba đặt lên khu bàn thờ ở đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nào là bánh chưng, mứt gừng, bánh thuẫn và những nhành cúc trắng rồi trầm mặc trước những ngôi mộ. Giữa khói hương uy nghi của những thân nhân liệt sĩ đi trước đã thắp, tôi cảm nhận về mùa xuân thật ý nghĩa, thiêng liêng như đâu đó trong không gian, những cái xoa đầu, bắt tay và cười nói của ai đó với mình, chợt rùng mình víu lấy áo mẹ!

Ba bảo, ngày xưa ba từng cầm súng, quanh năm bám rừng, giữ đất. Có lúc mùa xuân về từ khi nào mà không hay, chỉ khi giật mình bắt gặp một cành mai rừng vàng rực hay hoa mận trắng xoá trên cây mới biết xuân đã về. Trong khi những đồng đội khác bỏ “mùa xuân” ở lại đâu đó trong những cánh rừng già hay bên triền sông, thì ba may mắn được trở về, nhìn những chồi non nhú lên giữa những hố bom sâu thẳm mà lòng tạ ơn những người đã ngã xuống. Vì thế nên ba thường bảo: “Con hãy nhớ tuổi xuân của những người nằm xuống mà có những mùa xuân yên bình hôm nay”. Tôi đã đi theo ba mẹ thắp hương ở nhiều nghĩa trang trong huyện mỗi lần tết về. Mỗi lần thắp đều có một cảm giác hạnh phúc, ấm áp và biết ơn khác nhau nhưng sau mỗi lần như thế, thấy mình lớn hơn, vị tha hơn.

Có thể mùa xuân đi qua mang theo những thay đổi trong mỗi con người, nhưng tôi sẽ giữ mãi những phút thiêng liêng bên những ngôi mộ mỗi dịp xuân về. “Mùa xuân là mùa của hạnh phúc và tạ ơn”! Mẹ bảo như thế khi nghiêng mình kính cẩn trước một ngôi mộ vô danh.

 Yên Mã Sơn

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mùa xuân nhẹ nhàng

2 giờ sáng mồng 8 Tết Giáp Thìn, tuy Huế ban ngày có hửng nắng nhưng đêm và sáng sớm trời vẫn rét căm căm. Ấy cũng là lúc vừa kết thúc một ngày làm việc của tôi như thông lệ kể cả trong những ngày Tết. Ngỡ chỉ có mình tôi trở về giữa đêm xuân trên cung đường vắng lặng, nhưng không, có một bãi rác ngay góc ngã tư Lê Quý Đôn – Bà Triệu còn có một đôi vợ chồng đang cần mẫn với công việc nhặt rác.

Mùa xuân nhẹ nhàng
Tu bổ, trồng cây xanh tại Nhà tưởng niệm liệt sĩ ở Tiểu khu 67

Ngày 19/2, Ban Quản lý Rừng phòng hộ sông Bồ phối hợp với các ban ngành tổ chức trồng cây xanh, tu bổ cảnh quan khu vực Nhà tưởng niệm liệt sĩ ở Tiểu khu 67, xã Phong Xuân (Phong Điền). Đến dự có ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các ban, ngành liên quan.

Tu bổ, trồng cây xanh tại Nhà tưởng niệm liệt sĩ ở Tiểu khu 67
Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa -Kỳ 3: Xanh giữa trùng khơi

Quần đảo Trường Sa, vùng lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc, trạm gác tiền tiêu bảo vệ đất nước. Trên những hòn đảo giữa trùng khơi ấy, màu xanh đang vươn lên, vững chắc yêu thương, niềm tin, sức mạnh.

Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa 
 -Kỳ 3 Xanh giữa trùng khơi
Return to top