ClockThứ Năm, 03/04/2014 05:55

Một bà phi của vua Lê Thánh Tông ở xứ Thuận Hóa

TTH - Ngày nay về làng Thanh Thủy Chánh (Thủy Thanh, Hương Thủy) những bậc cao niên vẫn truyền kể cho nhau nghe câu chuyện về một bà phi được thờ phụng trong làng. Bà chính là Hồng Thái Phi Phạm Thị Ngọc Chân, một bà phi ở đất Thuận Hóa của vua Lê Thánh Tông ít được chính sử nhắc đến.

Bà là con gái đầu của ngài Phạm Bá Tùng, người phủ Hạ Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là thành phố Hải Phòng), từng giữ chức chỉ huy sứ dưới thời vua Trần Thiếu Đế, từng theo chân các vua Lê vào khai mở vùng đất đàng trong và dừng chân ở làng Thanh Toàn, đất Thuận Hóa sinh sống, trở thành một trong 12 vị khai canh của làng Thanh Thủy Chánh. Năm 18 tuổi, bà được tiến cử vào cung và trở thành phi của vua Lê Thánh Tông năm 1471. Bà vốn không có con, khi vua mất bà mới 44 tuổi. Đến thời loạn Mạc Đăng Dung, bà xin hồi hương về làng Thanh Toàn và mất tại đây, lăng mộ bà được lập tại xứ Cồn mả, sau đổi thành xứ Mộ Cung.

Bài vị trong hậu tẩm của Hồng Phi Phạm Thị Ngọc Chân

Vào niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 9, triều vua Lê Thần Tông, tức năm Đinh Mão 1628, dòng họ đã được sắc ban Từ điền 3 mẫu, tại xứ Mộ Cung và 8 sào linh đất thổ tại xứ tiền làng Thanh Toàn để lập nhà thờ hương khói cho bà. Dưới thời các vua Nguyễn, bà cũng được ban tặng sắc phong phụng thờ với các mỹ hiệu như Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần (thời vua Duy Tân) và Trai Tĩnh trung đẳng thần (thời vua Khải Định).

Hiện nay, tại nhà thờ tộc Phạm Bá, làng Thanh Toàn, bài vị của bà được đặt tại ban giữa với dòng chữ: “Phụng tiền tiền triều Chính Hậu Cung Hoàng Thái Phi Phạm Thị Ngọc Chân Hồng Quận Phu Nhân chi long vị. Gia tặng Trai Tĩnh trung đẳng thần trứ phong Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng tôn thần”. Và trước tiền đường là cặp câu đối ngụ ý ngợi khen phẩm hạnh của bà: Bạch ngọc giai tiền liên cửu phẩm/Hồng quang cung thượng nguyệt tam thu (trước thềm Bạch Ngọc sen chín phẩm/ rạng cõi Hồng quang nguyệt ba thu). Đặc biệt trong nội tẩm còn có đôi câu đối với ngụ ý tương tự: chánh niệm ôn lương thiên thu bỉnh kiến/ Trung trinh nghĩa liệt chung cổ ân văn. (Chánh niệm ôn hòa nghìn thu vẫn thấy/ Trung trinh nghĩa liệt ơn đức xưa sau còn nghe).

Hồng phi Phạm Thị Ngọc Chân vốn xuất thân trong gia đình quan lại nhỏ lại mang cốt cách thanh cao. Dẫu biết rằng xưa nay phi tần của vua rất nhiều, có người được sử lưu danh nhưng cũng có người không được nhắc tới, nhưng được làm phi tần một vị vua tài ba như vua Lê Thánh Tông, đó là vinh hạnh một đời của người phụ nữ. Và những câu chuyện mang tính chất thần tiên xung quanh bà vẫn được dân làng truyền miệng từ đời này qua đời khác.

Nguyễn Thị Xuân Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam

Theo “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn, địa danh Phủ Cam ra đời cùng thời với Phủ Dương Xuân dưới thời các chúa Nguyễn. Cho nên phải gọi là Phủ Cam mới đúng.

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam
Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế

Trong lịch sử vùng Huế, những ngôi làng Việt cổ thường nằm dọc lưu vực sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương. Từ làng xã “gốc” phát triển về thượng nguồn hoặc hạ lưu, hình thành những làng “ngọn”. Vùng đất Phú Lộc, ngoài lưu vực sông Truồi, còn có dải cồn cát ven biển và đầm phá có vị trí chiến lược, vành đai an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng, để bảo vệ Kinh đô Huế.

Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế
Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ

Trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu, ngoài di tích nhà ở, nhà thờ và lăng mộ của cụ Phan, còn có nhiều lăng mộ, bia tưởng niệm… của các chí sĩ yêu nước được đưa vào đặt, an táng ở đây; trong đó, có lăng mộ của nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, một trong những nhân vật được xem là biểu tượng của tinh thần chống Pháp bất khuất cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, ít ai biết vì sao lăng mộ của ông lại được đưa vào an táng trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm Phan Bội Châu.

Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ
Return to top