ClockChủ Nhật, 17/12/2017 17:03

Mỗi năm mỗi sản phẩm

TTH - Không chỉ bây giờ, sau khi có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị thì du lịch mới được Thừa Thiên Huế nhắc đến, mà từ rất lâu rồi, du lịch đã được tỉnh xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Hàng lưu niệm Huế bị đánh giá còn đơn điệu, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách

Đất kinh đô cũ, sở hữu một kho tàng văn hóa, di sản đồ sộ hiếm có khiến vùng đất sông Hương núi Ngự một thời luôn ở top đầu các điểm đến của Việt Nam. Thế nhưng, thời hoàng kim rồi cũng qua đi, du lịch Huế dần rơi về phía sau, nguy cơ tụt hậu so với cả một số địa phương mới nổi ở lân cận. Mức tăng trưởng của du lịch Huế là có, nhưng luôn bị đánh giá là “chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh”, chưa đủ “nhọn” như mong đợi. Thậm chí nhiều ý kiến còn lặp đi lặp lại hơi... “phũ phàng” rằng, nguyên nhân là bởi Huế chẳng có chi, tới lui chỉ có di tích với di sản (?!!)...

Tôi thì chưa bao giờ dám nghĩ thế, ngược lại còn cảm thấy Huế của tôi may mắn, phải hàm ơn vì đã sở hữu một hệ thống di sản quý giá không gì có thể thay thế và so sánh. Tôi chỉ đồng ý với các ý kiến cho rằng sản phẩm du lịch Huế còn quá đơn điệu, hàng lưu niệm Huế chưa đáp ứng được với nhu cầu mua sắm của du khách. Chính quyền các địa phương, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp du lịch hẳn cũng đã nhận ra điều này nên những năm qua đã có rất nhiều thao thức, trở trăn để làm mới, để xây dựng thêm các tour tuyến, các sản phẩm du lịch cho Huế để phá thế đơn điệu này. Tuy nhiên, phải sòng phẳng mà nói, những sản phẩm có được tiếng vang, tạo được sức lan tỏa, đứng được và đứng khỏe với thị trường là chưa nhiều. Và thế là lượng khách tìm đến với Huế vẫn không như mong đợi; thời gian lưu trú vẫn trồi sụt nhọc nhằn ở mức trên 2 ngày một tí rồi lại xuống 1,8 ngày như hiện nay; mức chi tiêu của du khách cũng rất khiêm tốn so với các điểm du lịch tiếng tăm khác...

Từng được tham dự một số hội nghị bàn về kinh tế xã hội, đọc một số báo cáo, nghe một vài ý kiến tham luận của các ngành, các địa phương, thấy mảng kinh tế du lịch được quan tâm nhiều. Tuy nhiên, có thể vì quá quan tâm nên không ít đơn vị đã trăn trở để nghĩ và đề ra rất nhiều sản phẩm mà họ sẽ hướng đến xây dựng. Để sau đó một năm, rồi hai năm... tình hình vẫn chưa có gì sáng sủa hơn.

Vô thái quá vô bất cập, nghĩa là thái quá cũng không tốt mà bất cập cũng không hay. Người xưa đã từng nói như vậy. Tham vọng xây dựng nhiều sản phẩm quá đôi lúc làm không xuể, tài lực, nhân lực không đủ để đầu tư, sản phẩm tất yếu sẽ vẫn chỉ là lý thuyết. Cuối cùng, du lịch Huế vẫn mang tiếng là đơn điệu.

Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 mới diễn ra đầu tháng 12/2017, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, ông Phan Thiên Định đã chính thức đề cập đến điều này. Ông Định cho rằng, các sản phẩm du lịch của Huế lâu nay thường xây dựng trên cái nền “ăn sẵn”, ít tính sáng tạo, lại ôm đồm quá nhiều. Có lẽ đã đến lúc nên nghĩ đến cách làm mới, mỗi năm tập trung làm một sản phẩm thôi, nhưng cho ra tấm ra món. Được như thế thì sau vài năm hy vọng Huế sẽ có một số sản phẩm có thương hiệu đủ sức tạo động lực cho du lịch tăng trưởng. Tỏ ý đồng tình với đề nghị này, tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu lưu ý, muốn vậy thì phải đề xuất cho được sản phẩm ấy là sản phẩm gì? Lấy nguồn lực đâu để đầu tư? Vấn đề mấu chốt này phải được đặt ra sớm từ năm trước, để năm sau bắt tay làm. Nếu không thì sẽ vẫn chỉ là hô hào suông.

Mỗi năm mỗi sản phẩm. Có vẻ hơi khiêm tốn, nhưng để làm cho được cũng không là điều đơn giản. Phải nỗ lực, phải hiệp sức đồng lòng và phải có người cầm trịch thì câu chuyện mới đi đến thành công. Chậm nhưng mà chắc, hướng tiếp cận này hy vọng có thể mở một chương mới cho mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững của du lịch Huế.

Bài: DIÊN THỐNG - Ảnh: VĐN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội bứt phá cho mục tiêu mới

Với nhiều quy hoạch lớn mang tầm chiến lược ở Thừa Thiên Huế cũng như Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) và nhiều luật mới đã, sắp ban hành, hy vọng sẽ tạo động lực cho Thừa Thiên Huế bứt phá trong tương lai gần.

Cơ hội bứt phá cho mục tiêu mới
Return to top