ClockChủ Nhật, 25/07/2021 13:14

Mầm sống

TTH - Buồng giam số 8 có rất nhiều phạm nhân. Mỗi người một số phận, một diện mạo, một bản án. Họ được dồn vào một buồng, nằm khá gần nhau. 5 năm, mười năm, hai mươi năm hoặc có thể cả một đời họ sẽ sống trong tù.

Giấc mơ về những cánh chim…Ngày chủ nhật

Cán bộ báo Q. có người thăm gặp. Q. vùng đứng dậy, đi lật đật, mắt đã nhòe nước vì tủi thân. Q. chỉ có mẹ già đã ngoài sáu mươi lủi thủi sống trong một căn nhà nhỏ sát bìa rừng. Đường từ nhà đến trại giam xa xôi nên một năm mẹ chỉ lên thăm Q. được một lần. Thời gian ở nơi này chậm chạp như một con rùa già ì ạch bò lê qua ngày tháng. Khi vào đây Q. mới tròn 20 tuổi, vẫn còn bên mẹ và hay tủi thân. Q. của mẹ còn bé bỏng và khờ khạo. Q. đâu biết chỉ sau một cuộc say đời mình đã khác. Mỗi lần gặp mẹ Q. đều nức nở như đứa nhỏ, bao nhiêu oan ức trong lòng không kìm nén được. Q. bản tính không phải người tàn ác. Tại sao Q. lại bị giam hãm tuổi thanh xuân ở chốn khắc nghiệt này? Q. muốn được ăn cơm mẹ nấu. Muốn được đến giảng đường. Muốn tiếp tục theo đuổi ước mơ thành một kiến trúc sư. Mẹ không nói gì chỉ ôm Q. vào lòng.

- Mẹ mang ít đồ vào cho con. Nhớ chia cho anh em cùng đội.

- Con tắc kè ngoài đầu hiên còn sống ở đó không mẹ?

- Ờ. Nó vẫn ở đó, đêm nào cũng kêu vài bận.

- Có nó cho mẹ bớt buồn.

Q. xách túi quà mẹ gói ghém cho mình mang chia cho anh em, chỉ giữ lại một củ đậu nhỏ cho mình. Lúc cầm lên định lột vỏ ăn, bỗng nhiên Q. nhìn thấy cái mầm xanh nhỏ xíu ấy nhú lên. Chấm xanh ấy đọng lại trong đáy mắt Q. mướt mát, cảm giác thật dễ chịu. Q. ngó nghiêng nó hồi lâu rồi quyết định giữ lại mầm xanh đó. Củ đậu được cất trên gác xép để đồ ngay trên đỉnh đầu. Đêm ngủ, Q. đã kịp mường tượng trên đầu mình có một tán cây. Ý nghĩ ấy khiến Q. vui như đứa trẻ mà chìm dần vào giấc ngủ không mộng mị.

Sau giờ lao động, Q. chạy về buồng để kiểm tra báu vật của mình. Những lúc phải ra ngoài Q. thường khóa mầm cây trong chiếc hòm tôn. Nó đúng là một thứ báu vật, Q. nghĩ vậy. Một lần, người anh đỡ đầu trong trại sang buồng chơi, nhìn thấy củ đậu tiện tay cầm lên định ăn may mà Q. giật lại kịp. Từ đó mầm cây được đặt cố định trong hòm. Chiếc hòm tôn được Q. chọc thủng 1 lỗ vừa đủ để mầm củ đậu nhô lên. Mỗi hôm đi lao động, Q. khéo léo mang một ít đất về buồng. Mọi đồ đạc trong hòm đều bị bỏ ra, thay vào đó là đất ẩm để mầm củ đậu phát triển. Từ khi có chiếc mầm nhỏ xíu này, Q. thấy đời có ý nghĩa hơn. Bỗng nhiên, Q. nhớ đến con tắc kè ở nhà, nó làm bạn với Q. từ bé, dễ chừng cũng đã hơn chục năm trời.

* * *

Q. lớn lên bên bìa rừng chỉ có người bạn thân duy nhất là Đen. Mười tám tuổi Q. và Đen biết yêu. Trớ trêu thay trái tim họ lại cùng hướng về một người con gái. Hoàng Yến - cái tên nghe cũng đủ thấy trang hoàng một đời người. Yến đẹp, vẻ đẹp sắc như dao đủ khiến bao thằng con trai mới lớn chao đảo. Yến mang sắc đẹp của mình dẫn dụ trong trò chơi tình ái. Q. và Đen cũng chỉ là một trong số những kẻ mù quáng ấy mà thôi. Những năm tháng ngồi bóc lịch trong tù đã không ít ngày Q. nghĩ về Hoàng Yến. Người con gái có vẻ ngoài đẹp đến thánh thiện ấy tại sao lại chứa đựng một trái tim sắc như lưỡi dao, như gai nhọn. Q. không hiểu nổi điều gì đã khiến Yến hận thù đàn ông đến mức mang họ ra làm trò tiêu khiển. Một lần kể cho người anh nuôi trong trại nghe về Hoàng Yến. Anh cười bảo:

- Đàn bà ấy à, đừng tìm những điều sâu sắc ở họ cho mất sức.

Q. cười cay đắng. Hắn chưa kịp hiểu được những điều giản đơn ở đời thì đã phải trả giá bằng cả quãng đời trẻ trung sôi nổi nhất của một con người. Trong một lần say, thấy Yến lả lơi trong vòng tay Đen, máu trong người Q. chạy rần rật như dòng điện. Q. đã nhằm vào Đen mà vung dao chém. Vết chém khiến Đen mang thương tật đầy mình còn Q. thì lĩnh án bảy năm tù.

Mầm củ đậu vươn dài tinh nghịch như một đứa trẻ, đã thò đầu ra khỏi chiếc hòm tôn vươn ngọn non chới với. Q. vừa muốn cây lan xanh cả căn phòng để mang lại chút ô-xy trong lành để thở, lại vừa muốn che chắn và giấu biệt nó đi. Ở đây, Q. rất sợ người ta sẽ đố kỵ với ngay cả một mầm cây yếu ớt. Nên Q. không rời mắt khỏi cây khi có thể và cả ngày lúc nào cũng quanh quẩn ý nghĩ về cây. Q. đã dúi ngọn cây trở lại hòm như thể người ta kéo đầu một người say xe không cho nhoài ra khỏi cửa hòng hít lấy hít để một luồng gió mát. Đêm đến, Q. như nghe thấy tiếng cây đang khóc. Tiếng khóc rấm rứt như một đứa nhỏ bị nhốt dưới hầm vừa ngột ngạt vừa vừa cô đơn trong bóng tối. Q. không ngủ được trở mình liên tục. Cuối cùng hắn bật dậy khe khẽ đưa ngọn cây ra khỏi nắp hòm. Chiếc lá xanh non chạm vào da thịt Q. tưởng như đánh thức đến từng lỗ chân lông. Đêm đó, Q. thiếp đi trong tiếng cây cười.

Sáng ra, cả buồng giam xôn xao vì một cái cây. Q. tỉnh giấc vì sức nóng của bấy nhiêu cái đầu chụm lại. Q. bật dậy vòng tay che chở cho cây như một người cha che chở cho con. Nhưng hình như cây không biết sợ, chỉ có chút bẽn lẽn nơi rìa lá. Cây hồn nhiên như đứa nhỏ ê a cười trước thế giới xung quanh. Những chiếc lá rung rinh như đang đùa nghịch, đang muốn ôm tất cả vào lòng.

- Tại sao lại trồng cây trong buồng giam?

- Tại sao lại mang đất vào buồng?

- Các quản giáo không biết việc này sao?

- Thật là một việc làm điên rồ…

Bấy nhiêu cái miệng liên tục cười cợt. Cây vẫn hồn nhiên xanh.

Nhưng buổi trưa hôm đó sau khi đi lao động về thì Q. thấy mầm cây gẫy gập. Cây tức tưởi ứa nhựa trên ngọn non. Q. đau đớn như người ta vừa bẻ cổ mình. Ôm lấy cây, Q. ngồi gục bên tường nghĩ về vết chém trên thân thể Đen. Hắn khóc rưng rức như một đứa trẻ. Người anh nuôi tiến lại xốc Q. đứng dậy rồi trừng mắt nhìn khắp cả buồng:

- Tao mà biết đứa nào làm chuyện đó thì đừng có trách.

Q. xua tay ra hiệu cho ông anh im lặng. Hắn bỏ cơm nằm quần tròn ôm củ đậu, nhè nhẹ vỗ về một thân cây chồi lên từ củ vừa bị bức tử trong song sắt. Sáng hôm sau có người đến mang cây đi khỏi buồng giam. Nhưng đêm nào Q. cũng được ngủ trong tiếng lá lao xao. Cây lan dài mọc tạo thành tấm đệm cho Q. ngả lưng. Cây biết hát ru những điệu vui. Cây biết xoa lưng khi Q. mệt. Biết lau nước mắt khi Q. khóc. Tán cây trong thế giới mường tượng của Q. không một ai có thể chạm tới để hủy hoại nó. Q. vẫn tưới nước cho nó đều đặn. Vẫn nhìn nó lớn lên từng ngày. Trước mắt Q. ngọn cây đã vươn ra ngoài song sắt, vẫy chào bầu trời trong xanh rộng lớn ngoài kia…

Đêm đến Q. mơ thấy mình mãn hạn tù trở về nhà. Mẹ chờ Q. trong căn bếp lúc nào cũng ngào ngạt khói. Q. còn mải chìm đắm với mảnh sân rêu, khu vườn nhỏ thì bỗng nghe tiếng gọi:

- Lì ơi!

Q chầm chậm ngẩng lên. Lâu lắm rồi không có ai gọi Q. bằng cái tên Lì nữa. Đến cả Q. đôi khi cũng quên mất mình từng có một cái tên gắn liền với tuổi thơ như bao người khác. Đen đứng đó với thân hình vạm vỡ, mặc độc chiếc quần đùi ngắn cũn cỡn. Q. nhìn phía bên chân bị chém của Đen thấy lồi lên vết sẹo lớn trắng lộ giữa đôi chân đen nhẻm như ống đồng hun khói. Còn bao nhiêu vết sẹo trên người nữa Đen ơi? Q. ngồi xuống gốc cây cùng Đen. Cả hai lẳng lặng không nói một lời.

Q. tỉnh dậy, hóa ra chỉ là một giấc mơ. Kể từ khi vào trại, đây là giấc mơ bình yên nhất mà Q. có được. Một ngày nào đó không xa, Q. sẽ trở về…

BÙI MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top