ClockThứ Năm, 05/01/2017 14:41

“Ma trận” dịch vụ lữ hành

TTH - Để đặt một tour du lịch, khách hàng như bước vào “ma trận” khi mỗi doanh nghiệp có một giá khác nhau...

 Du khách tham quan Đại Nội

Hạ giá để kéo khách

Cô bạn đang làm sale tại một công ty du lịch cho biết, cuối năm, nhiều doanh nghiệp tổ chức cho nhân viên đi chơi, nhờ vậy, công ty làm được nhiều tour hơn. Nhưng tiền lời ngày càng ít lại. Trước đây, mỗi khi làm được một tour khoảng 20 khách, ở 2 đêm khách sạn, công ty kiếm lời hơn chục triệu đồng; nay nhiều doanh nghiệp khi đến đặt tour, so sánh giá với các công ty khác, đành phải hạ giá xuống để khách dễ đặt. Có khách đòi chiết khấu phần trăm, như vừa rồi có công ty may mặc đặt tour đi Đà Lạt, đòi chiết khấu đến 20% giá trị tour. Sau hồi “kỳ kèo”, còn lại 10%. Biết sẽ lời ít, nhưng cũng làm, nếu không làm thì công ty khác cũng làm.

Câu chuyện hạ giá để kéo khách về công ty mình muôn màu, muôn vẻ. Một giám đốc công ty du lịch hàng đầu Việt Nam, chi nhánh Huế, khẳng định, việc hạ giá, cạnh tranh thiếu lành mạnh đang là vấn đề “nhức nhối”. Đối với một công ty lớn, có thương hiệu, đưa được nhiều khách đến ở một khách sạn, chắc chắn sẽ được khách sạn đó ưu đãi, cung cấp giá dịch vụ tốt hơn so với những công ty mới đưa khách đến, hoặc đưa ít. Không hiểu vì sao, một công ty mới toanh, cũng một tour như thế, cam kết khách sạn đó, nhưng lại có giá thấp hơn. Đây là điều mà vị giám đốc này cho rằng không thể.

Theo ông Nguyễn Hàng Quý, Chủ tịch Chi hội Lữ hành, Giám đốc Công ty HGH Travel, giá tour sẽ bao gồm giá thành của tất cả các dịch vụ cấu thành, như lưu trú, vận chuyển, hướng dẫn, tham quan, ăn uống… Dĩ nhiên, phải bao gồm lợi nhuận của đơn vị tổ chức, để chi phí cho nghĩa vụ thuế, lương nhân viên, tiếp thị… Nhìn nhận khách quan hơn, về cơ bản việc cạnh tranh là đương nhiên và là tốt cho khách hàng. Chưa hẳn một đơn vị đưa ra giá thấp đã là đơn vị phá giá, họ đưa ra giá thấp vì họ đã có số lượng khách hàng lớn, sức mua tốt nên giá đầu vào tốt, cộng với quản lý hiệu quả thì giá họ dĩ nhiên là tốt hơn. Đây là vấn đề đương nhiên của thị trường.

Đúng là khách hàng sẽ được lợi nếu các doanh nghiệp có ý thức kinh doanh lành mạnh. Thế nhưng qua thực tế, không ít doanh nghiệp đã “lừa” khách bằng cách cung cấp các dịch vụ không đúng như cam kết. Mới đây, vô tình gặp một khách hàng đến thanh toán tiền tại một doanh nghiệp, khi hỏi chuyện vị khách này có vẻ tức tối: “các anh đừng đặt tour ở công ty này, trước khi đi, báo với chúng tôi sẽ ở khách sạn “xịn”, ăn ngon. Nhưng khi đi thì ở khách sạn chẳng khác gì nhà nghỉ. Đòi lại tiền thì họ bảo đã làm hợp đồng, như thế lần sau ai mà quay lại nữa”.

Cạnh tranh thiếu lành mạnh là do một số đơn vị bán dưới giá thành, sử dụng chất lượng không đảm bảo, tâm lý là chỉ cần làm một lần, không làm lâu dài nên không coi trọng chất lượng… Ông Trương Thành Minh, Trưởng phòng quản lý Lữ hành, Sở Du lịch cho hay, việc cung cấp các dịch vụ không đúng như cam kết là có. Như cam kết ban đầu là ở khách sạn 4 sao, vì một lý do “khách quan” nào đó mà hết phòng. Nếu tuân thủ “luật chơi” thì doanh nghiệp phải cung cấp cho khách dịch vụ tốt hơn, lên khách sạn 5 sao. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp sẽ đưa khách đến ở khách sạn 3 sao.

Khó quản lý?

Giá các tour du lịch luôn là vấn đề phức tạp khó có thể quản lý vì tùy thuộc vào chất lượng dịch vụ mỗi công ty cung cấp cho khách hàng. Chất lượng dịch vụ thì không thể kiểm soát được. Đây là một khái niệm khó có thể định tính, định lượng. Hơn nữa chất lượng dịch vụ chỉ được đánh giá sau khi khách hàng đã dùng sản phẩm nên quản lý chất lượng dịch vụ là rất khó.

“Trong quy luật thị trường, giá cả quyết định vận mệnh của mỗi doanh nghiệp và mỗi doanh nghiệp đều có một bí mật kinh doanh riêng để đưa ra giá cuối cùng. Dịch vụ của doanh nghiệp này tốt hơn thì tất nhiên chi phí cho tour sẽ cao hơn. Còn việc lừa khách thì chính mỗi doanh nghiệp tự làm hại mình. Kinh doanh phải có tính lâu dài, chứ chụp giật thì chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Để phần nào kiểm soát giá cả, qua đó, giảm sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, Hiệp hội Du lịch và Chi hội Lữ hành cần kêu gọi các doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau, đưa ra một quy chế, tạo ra một sân chơi riêng, ràng buộc các doanh nghiệp với nhau”, ông Trương Thành Minh cho hay.

Ông Nguyễn Hàng Quý lại cho rằng, hiệp hội du lịch hay chi hội lữ hành cũng chỉ là tổ chức nghề nghiệp, không thể chế tài các đơn vị nếu họ cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt khi một số doanh nghiệp không tham gia vào hiệp hội. Vấn đề quản lý cạnh tranh là do thị trường và khách hàng quyết định, nếu doanh nghiệp làm chất lượng kém thì thị trường và khách hàng sẽ tẩy chay, mất thương hiệu, hình ảnh. Vấn đề này, vai trò của Sở Du lịch là rất quan trọng, cần tạo ra được một “sân chơi” bình đẳng cho các doanh nghiệp du lịch, bảo đảm họ cùng hoạt động theo một yêu cầu thống nhất của Luật Du lịch.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều
Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hoà nhập với cộng đồng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

TIN MỚI

Return to top