ClockThứ Năm, 19/12/2019 14:27

Lưu giữ hơi thở đại ngàn

TTH - Suốt câu chuyện, ông đặt mình trong dòng chảy của suối nguồn bên dãy Trường Sơn. Qua 80 mùa lúa rẫy, ông vẫn còn nặng lòng với nghĩa tình đồng bào miền ngược.

Người đàn ông Pa Hy truyền cảm hứngGiữ "lửa"

Ông Hồ Văn Rãi chăm sóc ao cá

Giữ văn hóa để thấy mình trong đó

Chiều A Lưới. Lạnh cắt da. Già Rãi (ông Hồ Văn Rãi, thôn 1, xã Bắc Sơn, huyện A Lưới) mặc chiếc áo len mỏng chầm chậm đi dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử, nơi in hằn dấu chân của một thời trai trẻ. Ông dừng rất lâu ở tấm pano có hình ảnh mô phỏng lễ hội Aza của người Pa Cô được đặt bên vệ đường. Trong tấm hình lớn ấy, ông Rãi “đóng vai” già làng, bày biện lễ vật để cúng cơm mới.

Ông Rãi là nhân vật “nổi tiếng” nhưng danh của ông chẳng có gì lớn ngoài giữ bản sắc cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều lần ngược núi, tôi được gặp, hầu chuyện, song lần này ông cười xua tay: “Xin lỗi! Tôi trí nhớ kém lắm”. Rồi ông bảo, điều ông nhớ nhất chính là những phong tục, nét văn hóa của người đồng bào được lưu truyền qua nhiều thế hệ. “Cái khó bây giờ là làm thế nào để lớp trẻ hiểu được giá trị của văn hóa Pa Cô. Thời hiện đại khác xa với lối sống của thế hệ chúng tôi trước đây. Vì thế, những lớp lang phong tục, văn hóa từ ngày xưa cũng không còn sâu đậm trong tâm trí tụi nhỏ”, già Rãi giãi bày.

Không phải bây giờ, già đau đáu nghĩ đến việc giữ những nét văn hóa trên dãy Trường Sơn đã gần 3 thập kỷ. Khi mà người miền ngược không còn “cô đơn” - nghĩa là họ tiếp cận được với miền xuôi và vô tình dần đẩy những giá trị vốn có vào quên lãng. Aza chỉ là một trong những lễ hội điển hình mà già Rãi góp phần níu giữ. Và để lưu truyền, ông rong ruổi khắp các bản làng để chỉ bày phong tục cho lớp trẻ. Đó đôi khi chỉ là điệu nhảy aza, poon, ẹo; điệu dân ca kâr lơ ơi, târ a, xiềng, cha chấp… hay trình tự của cách cúng lúa mới, cúng thần lúa, mẹ lúa của người đứng đầu dòng họ, làng bản. “Phong tục tập quán là điều người Pa Cô chúng tôi không bao giờ bỏ. Lúa có thể trồng, nhà có thể xây nhưng văn hóa mất đi thì không bao giờ tìm lại được”, già Rãi tâm sự.

Ở huyện vùng cao A Lưới, hễ vào mùa lễ hội thì già Rãi lại thêm một mùa miệt mài rảo bước. Bây giờ, bước chân của ông không còn nhanh nhẹn nhưng sự am tường về văn hóa vùng cao giúp nhiều thứ của người đồng bào không bị mất đi. Nhắc chuyện lễ hội, già Rãi nhớ như in sự kiện tái hiện tết Aza tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội vào năm 2016. Ngày hội lớn năm ấy, du khách rất đông, nhiều nét đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam được tái hiện. Chính quyền huyện A Lưới tín nhiệm, giao trọng trách cho già Rãi mang nét đẹp của người Pa Cô giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế. Cả cuộc đời sống tựa vào lưng núi, khi giới thiệu tết Aza đến đông đảo du khách, già Rãi chỉ biết thành thực như con suối, cây rừng. Sau khi nói về các nghi lễ tẩy rửa ''a xa - a rah'' như một dòng nước linh nghiệm để rửa sạch tội lỗi do con dân hay giới thiệu lễ vật của nghi lễ ta nơm (giao ước) và ca coong tro ''Mời mẹ lúa'', nhiều du khách ngạc nhiên, thích thú, lúc đó già mới thở phào nhẹ nhõm. Từ sau sự kiện ấy, nhiều nét văn hóa của người Pa Cô được du khách biết đến.

Sắt son lời thề

Nhắc về ngày cũ, giọng già Rãi bỗng trầm, miền sơn cước càng thêm lạnh. Ông nhớ về cái thời khốn khó của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đất cằn, đầy sỏi đá.

Năm 1969, trên cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy quận 1 thuộc Đảng bộ miền Tây Trị - Thiên, ông trực tiếp đến các bản làng ở A Đớt, A Roàng, Đông Sơn (huyện A Lưới) chỉ bày người dân trỉa từng hạt bắp, gùi từng cây sắn để duy trì cái ăn bền lâu. Rồi cất công vận động người dân loại bỏ các hủ tục lạc hậu. “Người dân 8 xã thuộc quận 1 lúc ấy phần lớn sinh sống theo kiểu du canh, du cư, quanh năm nghèo đói. Trong dân tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, đặc biệt là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Vận động người dân xóa bỏ thì trước tiên phải giúp có cái ăn, no cái bụng nói họ mới nghe. Tôi phải cất công mấy tháng trời để dạy người dân cách trồng sắn, trồng bắp, kiên nhẫn ở đến mùa thu hoạch thì dân mới tin. Giải quyết được cái ăn, tuyên truyền những thứ khác dễ dàng hơn”, ông Hồ Văn Rãi chia sẻ.

80 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, đến bây giờ là một già làng, ông đã trải qua nhiều cương vị như: Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch UBMTTQVN huyện A Lưới. Ông bảo, về với dân, với bản mới thấy được nhiệm vụ Đảng giao phó quan trọng đến nhường nào. Ngoài dân sinh, A Lưới là địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phát triển Đảng. Ông là một trong những cán bộ được Đảng tín nhiệm đến những địa phương xóa trắng đảng viên. Đảng bộ xã Bắc Sơn vững mạnh như hôm nay cũng một tay ông gây dựng từ ngày trước.

Một đời theo cách mạng, dù còn nặng lòng với dân nhưng một phần cảm thấy thanh thản. Ngược dòng lịch sử, năm 1958, tại làng A Đeeng (bây giờ là thôn 1) xã Bắc Sơn, đã tổ chức Hội nghị Diên Hồng, biểu thị cho tinh thần cách mạng, nguyện một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ, đoàn kết chống quân xâm lược và bè lũ tay sai. Hội nghị trồng một cây đa (iri) làm dấu hiệu với lời thề: Các dân tộc thiểu số đoàn kết, xóa bỏ phong tục lạc hậu, quyết tâm đánh giặc cứu nước. Đất nước bây giờ thống nhất. Người dân A Lưới cũng đã xóa bỏ hủ tục lạc hậu, quyết tâm phát triển kinh tế. Già Rãi cùng đồng đội đã cảm thấy ấm lòng vì giữ được lời thề năm xưa.

Theo ông Hồ Văn Rãi, trong những năm tháng chiến đấu, ông không thể nào quên cái ngày hay tin Bác qua đời. Lúc đó, ông cùng các già làng, trưởng bản nhóm họp làm thủ tục tự nguyện đổi sang họ Hồ để nhớ công ơn của Người. “Bác luôn trong tim con cháu các thế hệ người Pa Cô. Chúng tôi lấy họ Hồ đặt họ cho mình để nhắc nhớ truyền thống cách mạng của dân tộc ta. Đến bây giờ, 3 thế hệ gia đình tôi đều mang họ Hồ”, ông Rãi tâm sự.

“Trong những năm tháng chiến đấu, ông Hồ Văn Rãi nhận được nhiều huân chương, huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng. Ông còn là người có công lớn trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của người Pa Cô. Những đóng góp của ông không chỉ được chính quyền địa phương mà còn được Bộ Văn hóa -Thể thao & Du lịch ghi nhận, khen thưởng”, bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới cho biết.

Bài, ảnh: Quỳnh Viên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Ngày 22/4, Đoàn giám sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì.

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia
Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh
Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
A Lưới đẩy mạnh phong trào Ngày Chủ nhật xanh

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” trên địa bàn huyện miền núi A Lưới đã nhanh chóng lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần trong việc thay đổi diện mạo nông thôn, làng bản vùng biên giới; nâng cao ý thức của người dân, đồng bào thiểu số trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa.

A Lưới đẩy mạnh phong trào Ngày Chủ nhật xanh
Return to top